Thứ ba 05/11/2024 11:15 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Lục Nam (Bắc Giang): Người nông dân như “ngồi trên lửa” vì Covid-19

07:44 | 23/05/2021

(Xây dựng) – Nhiều loại nông sản đã đến thời điểm thu hoạch, thế nhưng với những diễn biến khó lường của dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã khiến việc tìm đầu ra cho các loại nông sản trên địa bàn huyện Lục Nam đang gặp rất nhiều khó khăn, cuộc sống của người nông dân chịu nhiều ảnh hưởng.

luc nam bac giang nguoi nong dan nhu ngoi tren lua vi covid 19
Việc tiêu thụ dứa trên địa bàn đang gặp vô vàn khó khăn do dịch bệnh Covid-19.

Theo báo cáo của UBND huyện Lục Nam về tình hình sản xuất, tiêu thụ nông sản hàng hóa trên địa bàn huyện trong tình hình dịch Covid-19, trên địa bàn huyện hiện nay, tổng diện cây trồng hàng năm vụ chiêm xuân là 12.460ha, diện tích cây ăn quả 9.847ha.

Trong đó, nổi bật là một số loại nông sản như: Dưa hấu 330ha, dứa 410ha, dưa các loại 134ha, khoai sọ 510ha, khoai lang 320ha, rau các loại 320ha, bí xanh 28ha, bí đỏ 37ha, vải thiều 5.900ha...

Một số nông sản đầu vụ như dứa (trước thời điểm địa bàn chưa có dịch bệnh) có giá bán từ 9.500-10.000 đồng/kg (cao hơn so với năm 2020 từ 2.000-2.500đồng/kg); dưa lê từ 8.000-10.000 đồng/kg… thị trường tiêu thụ thuận lợi, một số nông sản có hợp đồng bao tiêu ổn định như dưa chuột Nhật, đậu tương rau… Tuy nhiên, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, việc tiêu thụ nông sản đã gặp vô vàn khó khăn, người dân như “ngồi trên đống lửa” khi nhìn nông sản không thể tiêu thụ do giãn cách xã hội.

Một số nông sản đến thời điểm thu hoạch như dưa hấu, vải thiều, khoai sọ, vật nuôi… gặp khó khăn khi đi qua các chốt kiểm dịch y tế giữa các tỉnh, các huyện. Các thương nhân, lái xe vào địa bàn huyện thu mua nông sản, khi quay về địa phương phải thực hiện cách ly y tế nên họ không mặn mà đến huyện thu mua. Việc ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp với nông dân bị ảnh hưởng như hợp đồng dứa, vải thiều..

Nhằm tháo gỡ khó khăn, UBND huyện Lục Nam đã triển khai rất nhiều giải pháp. Trong đó, chỉ đạo nhân dân tiếp tục chăm sóc cây trồng, vật nuôi, tiếp tục thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; thường xuyên thăm đồng để phát hiện phòng trừ sâu bệnh hại kịp thời trên lúa và rau màu. Ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể cho nhân dân trong quá trình sản xuất, tiêu thụ nông sản đảm bảo an toàn dịch bệnh, lưu thông thuận lợi. Tiếp tục mời gọi các doanh nghiệp, thương lái thu mua, kết nối các bếp ăn quân đội, khu cách ly… tham gia hỗ trợ trong việc tiêu thụ nông sản.

Bố trí, kêu gọi lực lượng dân quân, đoàn thanh niên, hội phụ nữ, lực lượng tình nguyện tham gia hỗ trợ việc sản xuất, thu hoạch, đóng gói, vận chuyển hàng hóa và tiêu thụ nông sản cho nông dân. Tham mưu, đưa ra các giải pháp hỗ trợ nhân dân như hỗ trợ lò xây lò sấy vải thiều quy mô từ 10-30m2 mức hỗ trợ là 3 triệu/lò; quy mô trên 30m2 hỗ trợ 5 triệu/lò…

Bên cạnh đó, UBND huyện Lục Nam đề nghị UBND tỉnh Bắc Giang có ý kiến với các tỉnh bạn tạo điều kiện thuận lợi cho các xe vận chuyển các sản phẩm nông sản của huyện được lưu thông, tiêu thụ trên địa bàn, giúp đỡ các thủ tục liên quan đến việc thông thương hàng hóa được thuận lợi và nhanh chóng.

Đề nghị, Sở Công thương, Sở Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn, Trung tâm xúc tiến thương mại tỉnh: Kết nối, giới thiệu các doanh nghiệp, đơn vị thu mua nông sản trên địa bàn huyện Lục Nam.

Chương Huyền – Thân Nam

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load