(Xây dựng) – Chiều 7/3 tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Tại đây, các chuyên gia đã có nhiều ý kiến đóng góp đến Ban soạn thảo dự án.
Luật Nhà ở sửa đổi đang thu hút sự quan tâm từ dư luận, nhiều ý kiến đóng góp đã được ghi nhận. |
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đã giới thiệu một số điểm quan trọng của dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Cụ thể, Bộ Xây dựng đã thể chế hóa 8 nhóm chính sách mà Chính phủ đã trình Quốc hội trong 13 Chương của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) với 196 Điều.
Trong đó, bao gồm những quy định chung; Sở hữu nhà ở; Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh; Phát triển nhà ở; Cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; Phát triển nhà ở xã hội; Tài chính cho phát triển nhà ở...
Theo ông Đỗ Duy Thường - Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn dân chủ pháp, dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và Luật Nhà ở (sửa đổi) rất quan trọng, liên quan đến nhiều luật, do đó việc sửa Luật Nhà ở và sửa Luật Kinh doanh kinh doanh bất động sản sẽ tháo gỡ những điểm "nghẽn" hiện nay. Tuy nhiên, ông Đỗ Duy Thường cũng có những đóng góp ý kiến đến Ban soạn thảo dự án một số nội dung về sở hữu nhà chung cư, sử dụng quản lý nhà chung cư.
Thứ nhất, về sở hữu nhà chung cư (quy định taị mục 4-chương II), dự thảo nêu 2 phương án về sở hữu nhà ở chung cư là bổ sung mới quy định về sở hữu nhà chung cư và không quy định về sở hữu nhà chung cư.
Qua giải trình của Ban soạn thảo về ưu điểm, nhược điểm từng phương án, tôi nhận thấy phương án 1 có nhược điểm về nhận thức của người dân sở hữu nhà ở là vĩnh viễn, còn ưu điểm thì nhiều hơn.
Tuy nhiên, có vấn đề về nhận thức nhà ở chung cư là sở hữu vĩnh viễn và sở hữu có thời hạn. Tâm lý chung của người dân là không muốn trong sổ đỏ ghi nhà ở có thời hạn về sở hữu.
Quan niệm sở hữu vĩnh viễn cũng chỉ là tương đối, bởi trong thực tiễn khi có thiên tai, địch họa như động đất, sóng thần lớn làm đổ, nghiêng, sụt lún nhà hoặc kết cấu nhà đến giai đoạn xuống cấp, bị hư hỏng, kết cấu chịu lực bất ổn… có nguy cơ sụp đổ.
Do vậy, không nên có quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư. Điều quan trọng là cần rà soát tất cả các dự thảo chính sách về quyền sở hữu nhà chung cư cho đầy đủ, rõ ràng, cụ thể, minh bạch tại mục 4, chương II theo nguyên tắc đảm bảo quy định không trái với chủ trương, đường lối của Đảng, Hiến pháp và pháp luật hiện hành, nhất là những nội dung liên quan đến các quy phạm của Luật Đất đai đang soạn thảo; Bảo đảm tính khoa học, khả thi, phù hợp với thực tiễn, đánh giá đầy đủ tác động, hiệu quả về chính trị, kinh tế, xã hội của các chính sách, nhất là bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân.
Trong trường hợp nhà chung cư bị tháo dỡ hoặc hủy bỏ cần quy định đầy đủ, rõ ràng các chính sách tái định cư trong trường hợp không được tiếp tục xây dựng nhà chung cư theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, phải phù hợp với chính sách tái định cư quy định tại Luật Đất đai và các văn bản pháp luật có liên quan, bảo đảm ít nhất bằng nơi ở cũ hoặc tổt hơn hoặc chính sách đóng góp kinh phí để phá dỡ, xây dựng lại nhà chung cư cần được thảo luận dân chủ với cư dân và trên cơ sở các quy định của pháp luật.
Ngoài ra, ông Đỗ Duy Thường – Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn dân chủ pháp luật cũng đề cập đến về vai trò giám sát của nhân dân và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong Luật Nhà ở.
Phải khẳng định, vai trò giám sát và phản biện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đựợc quy định trong Cương lĩnh Đảng 2011 và trong các Nghị quyết từ Đại hội X của Đảng đến nay. Giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là một đặc trưng quan trọng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Luật Đất đai, Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Xây dựng, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và nhiều Luật, Pháp lệnh khác đều có quy định về quyền giám sát của nhân dân, giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.
Các đạo Luật về nhà ở năm 2009, năm 2014 và dự thảo hiện nay năm 2023 đều không có quy định về quyền giám sát của nhân dân, của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội.
Trong thực tiễn hoạt động, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã giám sát hoạt động nhà chung cư theo đơn khiếu kiện của Nhân dân, qua đó cho thấy quyền dân chủ ở cơ sở của nhân dân, vai trò giám sát của nhân dân, của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội chưa được thực hiện trong tổ chức và hoạt động ở chung cư.
Từ những vấn đề nêu trên, Luật Nhà ở sửa đổi lần này phải quy định cơ chế, chính sách về vai trò giám sát của nhân dân trong xây dựng nhà ở, trong tổ chức và hoạt động ở chung cư và vai trò giám sát và phản biện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội, trên cơ sở của các chính sách pháp luật nêu trên.
Ánh Dương
Theo