(Xây dựng) – Ngày 7/3, Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị phản biện xã hội dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) và dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).
Các lãnh đạo tham gia chủ trì Hội nghị phản biện xã hội 2 dự án Luật. |
Về phía Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ Việt Nam), tham dự Hội nghị có Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh, Phùng Khánh Tài.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu tại Hội nghị. |
Về phía Bộ Xây dựng có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị; Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh và đại diện một số đơn vị trực thuộc Bộ. Bên cạnh đó còn có sự tham gia của các nhà khoa học, chuyên gia, đại diện một số Bộ, ngành liên quan và của thành phố Hà Nội.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh nêu rõ, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản được ban hành từ năm 2014 đã tạo ra hành lang pháp lý, thúc đẩy sự phát triển của thị trường bất động sản và nhà ở trong thời gian qua. Tuy nhiên, sau 8 năm đi vào cuộc sống, quá trình thực thi các Luật này đã bộc lộ những bất cập, hạn chế, có nhiều quy định chồng chéo với các luật liên quan, một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn.
Do đó, việc sửa đổi hai Luật này là rất cần thiết, nhằm đáp ứng các nhu cầu đang đặt ra từ thực tiễn cuộc sống. Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam đang thực hiện việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai theo Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, việc sửa đổi hai Luật này là cơ hội để tháo gỡ những nút thắt, chồng chéo, giúp cơ quan quản lý nhà nước tăng cường quản lý, đồng thời đảm bảo quyền lợi ích cho nhân dân.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, Bộ Xây dựng là cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Bộ đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tiến hành nghiên cứu, xây dựng 2 dự án Luật theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Đối với Luật Kinh doanh Bất động sản, Bộ Xây dựng đã chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan tiến hành các nội dung gồm tổng kết tình hình thi hành Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014; Tập trung nghiên cứu, xây dựng hồ sơ dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Thực hiện đăng tải hồ sơ dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, của Bộ Xây dựng và gửi lấy ý kiến góp ý của các bộ, ngành, UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức liên quan. Tổ chức Hội thảo tại 3 miền lấy ý kiến góp ý; Phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức Hội thảo; Tổ chức 2 cuộc họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập lấy ý kiến góp ý hồ sơ dự án Luật.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị tiếp thu ý kiến phản biện, góp ý 2 dự thảo Luật. |
Ngày 06/01/2023, Hội đồng thẩm định do Bộ Tư pháp chủ trì đã tổ chức họp thẩm định và có Báo cáo thẩm định đối với hồ sơ dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Trên cơ sở ý kiến góp ý, Bộ Xây dựng đã nghiên cứu, tiếp thu và hoàn thiện hồ sơ dự án Luật.
Ngày 30/01/2023, Bộ Xây dựng đã có Tờ trình số 13/TTr-BXD và Tờ trình tóm tắt số 14/TTr-BXD trình Chính phủ hồ sơ dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Ngày 13/02/2023 và 23/02/2023, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về dự án Luật và phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 02/2023.
Sau khi nghiên cứu các ý kiến góp ý của các thành viên Chính phủ, các thành viên tham dự cuộc họp, Kết luận của Thường trực Chính phủ và Nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 28/2/2023 về phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 02/2023, Bộ Xây dựng đã tiếp thu, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).
Bộ Xây dựng đã thể chế hóa 4 nhóm chính sách mà Chính phủ đã trình và được Quốc hội thông qua trong 11 Chương với 93 Điều của dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Trong đó, bao gồm những quy định chung như: phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; nguyên tắc kinh doanh bất động sản; áp dụng Luật Kinh doanh bất động sản và các luật có liên quan; các loại bất động sản đưa vào kinh doanh; chính sách của Nhà nước đối với đầu tư kinh doanh bất động sản; điều kiện của tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản...
Đối với Luật Nhà ở, Bộ Xây dựng đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tiến hành nghiên cứu, xây dựng dự án Luật Nhà ở (sửa đổi); tổng kết thi hành Luật Nhà ở 2014, xây dựng dự thảo, lấy ý kiến góp ý các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức Hội nghị, Hội thảo…
Dự thảo Luật cũng đã được Bộ Tư pháp thẩm định bảo đảm đúng quy định. Ngày 30/01/2023, Bộ Xây dựng đã có Tờ trình số 11/TTr-BXD trình Chính phủ về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).
Ngày 23/02/2023 Chính phủ đã họp để thảo luận về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) và ngày 28/02/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 27/NQ-CP về Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 2/2023. Theo đó, Chính phủ cơ bản thống nhất với các nội dung của dự thảo Luật và đề nghị Bộ Xây dựng tiếp tục hoàn thiện nội dung của dự thảo Luật.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh giới thiệu một số điểm quan trọng của dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). |
Trên cơ sở các yêu cầu của Nghị quyết số 27/NQ-CP, ý kiến góp ý của các Thành viên Chính phủ, Bộ Xây dựng đã hoàn thiện lại và xin báo cáo Hội nghị những nội dung cơ bản của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi). Bộ Xây dựng đã thể chế hóa 8 nhóm chính sách mà Chính phủ đã trình Quốc hội trong 13 Chương của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) với 196 Điều cụ thể.
Trong đó, bao gồm những quy định chung; Sở hữu nhà ở; Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh; Phát triển nhà ở; Cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; Phát triển nhà ở xã hội; Tài chính cho phát triển nhà ở...
Các đại biểu tham dự tại Hội nghị cơ bản nhất trí với sự cần thiết phải sửa đổi Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản. Nhiều ý kiến cho rằng, hai dự án Luật này khi sửa đổi sẽ có những tác động rộng rãi đến đời sống xã hội, liên quan đến nhiều Luật khác như Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Xây dựng…
Đối với Luật Nhà ở (sửa đổi), các đại biểu tập trung trao đổi về các nội dung như sở hữu nhà chung cư, sử dụng quản lý nhà chung cư; các quy định về phân quyền, cơ chế kiểm soát quyền lực trong quản lý, phát triển nhà ở; quy định chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư...
Với Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), các đại biểu góp ý chủ yếu vào các nội dung như các hành vi bị cấm trong kinh doanh bất động sản; yêu cầu đối với các dự án bất động sản; thực hiện giao dịch kinh doanh bất động sản; thanh toán trong mua, bán thuê mua bất động sản...
Tiếp thu các ý kiến phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định, Ban soạn thảo 2 dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) sẽ tiến hành rà soát tổng thể để chỉnh lý, bổ sung sao cho đáp ứng các yêu cầu đặt ra và sẽ hoàn thiện theo hướng thể chế hóa các chủ trương của Đảng, Trung ương, Bộ Chính trị.
Đồng thời, Ban soạn thảo sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung hợp lý, bảo đảm tính hợp hiến, thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật có liên quan; bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người dân; hài hòa lợi ích nhà nước, cộng đồng, doanh nghiệp. Đặc biệt, các quy định sẽ có tính khả thi, điều tiết được các hoạt động của các chủ thể có liên quan, tuân thủ các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật…
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị mong muốn trong thời gian tới, các chuyên gia, nhà khoa học tiếp tục có ý kiến đóng góp để Ban soạn thảo sớm hoàn thiện 2 dự án luật theo đúng kế hoạch đã đề ra.
Toàn cảnh Hội nghị. |
Kết luận Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến đánh giá cao sự chỉ đạo, vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Bộ Xây dựng - cơ quan chủ trì soạn thảo 2 dự án luật này. Bộ đã bám sát thực tiễn, tham vấn nhiều ý kiến đóng góp.
Những ý kiến góp ý tại Hội nghị cho thấy Ban soạn thảo 2 dự án Luật đã có sự tiếp thu tốt trước đó, truyền tải được thông tin của cơ quan soạn thảo và về 2 dự thảo Luật.
Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) về cơ bản giải quyết được nhiều nội dung đặt ra trong thực tiễn, tuy nhiên vẫn còn nhiều nội dung cần quan tâm và nghiên cứu thêm.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, rà soát thêm một số nội dung tại các chương, điều, khoản dự thảo Luật; các vấn đề như: nhà trọ sinh viên, nhà trọ công nhân; hợp tác cải tạo xây dựng chung cư trên nền chung cư cũ; công khai minh bạch thông tin và bảo đảm quyền lợi của người mua chung cư; thời điểm ban hành Luật sao cho phù hợp...
Yến Mai – Ánh Dương
Theo