Thứ bảy 14/12/2024 01:50 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bất động sản /

Luật Nhà ở 2023: Tạo đà thúc đẩy hoàn thành 1 triệu căn nhà ở xã hội

16:05 | 02/01/2024

(Xây dựng) - Việc Quốc hội thông qua Luật Nhà ở đã nhận được sự đánh giá rất cao của người dân, DN và các chuyên gia vì luật phù hợp thực tiễn, bảo đảm được tính đồng bộ, thống nhất của các quy định pháp luật. Đặc biệt lần này, Luật Nhà ở đã mở hơn về các điều kiện cơ chế nguồn lực để phát triển nhà ở xã hội (NƠXH).

Luật Nhà ở 2023: Tạo đà thúc đẩy hoàn thành 1 triệu căn nhà ở xã hội
Chủ đầu tư Khu nhà lưu trú tại Khu chế xuất Linh Trung II tổ chức Hội chợ Tết cho công nhân lao động, dịp Tết Quý Mão.

Bãi bỏ điều kiện cư trú

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM cho biết: Chương VI Luật Nhà ở 2023 về “chính sách về NƠXH” đã quy định đồng bộ các cơ chế chính sách để phát triển NƠXH, trước hết nhằm thực hiện đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030". Cụ thể, Điều 78 Luật Nhà ở 2023 đã bãi bỏ “điều kiện cư trú”, hoặc giao cho Chính phủ quy định “điều kiện về thu nhập” với đối tượng được mua, thuê mua NƠXH, hoặc quy định “đối tượng thuê NƠXH thì không phải đáp ứng điều kiện về nhà ở và thu nhập”. Điều này hợp tình, hợp lý, phù hợp với thực tế dịch chuyển lao động, thu hút lao động có trình độ, tay nghề cao giữa các vùng miền, địa phương và phù hợp với thực tiễn từng thời kỳ.

Trước kia, ở vùng giáp ranh như giữa TP.HCM với Bình Dương hay Đồng Nai, người lao động làm việc ở đâu thì chỉ được mua, thuê mua NƠXH ở tỉnh thành đó. Nếu muốn mua ở tỉnh thành kế bên thì “tìm cách lách” mới có thể mua hay thuê mua được NƠXH. Ví dụ, người lao động làm việc tại TP.HCM không thể mua NƠXH tại Bình Dương, mặc dù dự án giáp ranh với TP.HCM. Nay nhờ quy định mới này, người làm việc ở TP.HCM có thể mua NƠXH tại Bình Dương và ngược lại.

Cũng theo ông Châu, khoản 2 và khoản 3 Điều 83 Luật Nhà ở 2023 quy định “Tại các đô thị loại đặc biệt, loại I, loại II và loại III cho phép UBND cấp tỉnh quyết định bố trí quỹ đất NƠXH trong hoặc ngoài phạm vi dự án thương mại” là rất cần thiết, hợp tình hợp lý, sát thực tiễn. Điều này đã thực hiện chủ trương “xã hội hóa đầu tư”, huy động nguồn lực từ tất cả chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại để tham gia phát triển NƠXH. Đồng thời, khắc phục được các quy định “bất cập” của Luật Nhà ở 2014 và các Nghị định số 100/2015/NĐ-CP, Nghị định số 49/2021/NĐ-CP. Bởi thực tế, chủ đầu tư chỉ gánh vác “ban đầu”, mà chi phí này sẽ do người mua nhà ở thương mại gánh vác khi mua nhà theo truyền thống, “lá lành đùm lá rách”.

Đặc biệt Mục 3 và Mục 4 Chương VI Luật Nhà ở 2023 quy định “phát triển nhà lưu trú công nhân” và “phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang Nhân dân” đã bổ sung các cơ chế, chính sách quan trọng, thiết thực, để giải quyết nhu cầu NƠXH cho công nhân, lao động, cán bộ, viên chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân viên của lực lượng vũ trang.

Ông Bùi Xuân Cường - Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết: Luật Nhà ở 2023 sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua, đã có nhiều điểm thoáng hơn, để phát triển NƠXH. Đơn cử như quy định về điều kiện cư trú và thu nhập khi mua, thuê, thuê mua NƠXH, tại điểm a khoản 1 Điều 78 Luật Nhà ở sửa đổi quy định về điều kiện về nhà ở: Đối tượng mua, thuê mua NƠXH chỉ cần “chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có dự án NƠXH đó”, hoặc điểm b khoản 1 Điều 78 cũng quy định về điều kiện thu nhập “phải đáp ứng điều kiện về thu nhập theo quy định của Chính phủ”, thoáng hơn trước đây là không thuộc diện chịu thuế thu nhập thường xuyên. Đặc biệt, đã bãi bỏ điều kiện về cư trú.

Giải pháp thúc đẩy sớm hoàn thiện đề án 1 triệu căn NƠXH

Theo báo cáo của UBND TP.HCM, giai đoạn 2016 - 2020, thành phố hoàn thành, đưa vào sử dụng 19 dự án NƠXH với 1,23 triệu m2 sàn, tương ứng 14.954 căn hộ. Giai đoạn 2021 - 2025, trên địa bàn thành phố có 91 dự án xây dựng NƠXH, tổng diện tích đất 210,4 ha, quy mô dự kiến 98.685 căn hộ, tương đương 6,6 triệu m2 sàn xây dựng. Đến năm 2025, Thành phố phấn đấu hoàn thành các thủ tục pháp lý đầu tư xây dựng khoảng 35.000 căn NƠXH, tương ứng 2,5 triệu m2 sàn. Trong đó, hoàn thành đưa vào sử dụng khoảng 12.000 căn, tổng mức đầu tư 11.500 tỷ đồng, tương đương 1,15 triệu m2 sàn. Để hoàn thành mục tiêu trên, TP.HCM đưa ra các giải pháp về đầu tư, quy hoạch, đất đai, xây dựng, tài chính và tổ chức thực hiện.

Ông Cường cho biết, giải pháp về đầu tư là rút ngắn thủ tục hành chính trong thủ tục đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án nhà ở, dự án xây dựng NƠXH, nhà ở công nhân theo quy định của pháp luật. Về quy hoạch, khẩn trương hoàn thành việc lập và phê duyệt Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, trong đó có quy hoạch xây dựng NƠXH, nhà lưu trú công nhân. Đồng thời, rà soát, lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bảo đảm đủ quỹ đất để triển khai thực hiện các dự án xây dựng NƠXH, nhà ở công nhân theo quy định. Ban hành quy trình giải pháp cụ thể, rút ngắn thủ tục hành chính về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa và một số loại đất khác (không phải đất ở) sang mục đích thực hiện dự án đầu tư xây dựng NƠXH.

“Nhằm đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng NƠXH, nhà ở công nhân trên địa bàn, UBND Thành phố đã giao Sở Xây dựng là đơn vị đầu mối tổng hợp, phân loại, báo cáo, đề xuất UBND Thành phố các khó khăn, vướng mắc, để kịp thời tháo gỡ. Đồng thời, giao nhiệm vụ, thời gian thực hiện cụ thể cho các Sở ngành và các cơ quan liên quan giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính. Trong quá trình thực hiện, nếu khó khăn vướng mắc thì kịp thời báo cáo UBND Thành phố xem xét, giải quyết theo thẩm quyền. Trường hợp pháp luật chưa quy định, hoặc quy định chưa rõ ràng thì báo cáo đề xuất các Bộ, ngành Trung ương và Thủ tướng Chính phủ xin ý kiến giải quyết” - ông Cường nói.

Đại diện DN cho biết, bất cập việc phải giành quỹ đất 20% trong dự án nhà ở thương mại để làm NƠXH là vị trí, phân khúc sản phẩm và nhu cầu. Bởi nhu cầu của người thu nhập thấp, làm việc xa trung tâm nên không thể chi trả chi phí lớn trong khu vực nhà ở thương mại.

“Luật Nhà ở sửa đổi đã giải quyết cơ chế về vị trí, giải phóng được nguồn lực ách tắc liên quan quỹ đất phát triển NƠXH. Luật cho phép vị trí bố trí quỹ đất phát triển NƠXH tại các dự án thương mại được linh hoạt hơn. Mong muốn cuối là thực thi, với cơ chế này thì sắp tới sẽ có sự chuyển đổi rất mạnh về nguồn cung NƠXH, đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho người lao động, giúp DN mạnh dạn hơn trong việc tìm và bố trí quỹ đất để phát triển NƠXH. Đồng thời, góp phần chống tiêu cực trong mua bán NƠXH, được đúng đối tượng, chính sách an sinh xã hội của Nhà nước được đảm bảo” - đại diện DN nói.

Là DN phát triển NƠXH, ông Nguyễn Văn Lợi - Công ty Thiên Phát cho biết: Luật Nhà ở sửa đổi 2023 có nhiều điểm “cởi trói” cho DN mạnh dạn hơn trong đầu tư phát triển NƠXH. Khoản 2 Điều 85 Luật Nhà ở 2023 quy định “chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng NƠXH” không phải bằng vốn ngân sách Nhà nước được hưởng các ưu đãi như trước đây, mà còn được dành tối đa 20% tổng diện tích đất ở trong phạm vi dự án đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để đầu tư xây dựng công trình kinh doanh dịch vụ, thương mại, nhà ở thương mại. Hoặc 20% tổng diện tích sàn nhà ở của dự án để kinh doanh dịch vụ, thương mại được hạch toán riêng, không tính chi phí này vào giá thành NƠXH và được hưởng toàn bộ lợi nhuận đối với phần diện tích kinh doanh dịch vụ, thương mại này.

“Điều này rất cần thiết, hợp tình hợp lý, đáp ứng nguyện vọng của chủ đầu tư dự án NƠXH, tạo điều kiện thu hút các DN, nhà đầu tư tham gia phát triển NƠXH, nhằm thực hiện đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030" - ông Lợi nhận xét.

Cao Cường

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load