(Xây dựng) – Thực hiện Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021 – 2030 và Đề án phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) giai đoạn 2021 – 2030, tỉnh Thái Bình phấn đấu đến năm 2025, hoàn thành xây dựng khoảng 11.100 căn NƠXH. Trong đó, cùng với quy hoạch và phát triển thêm nhiều khu công nghiệp (KCN) mới, nhu cầu nhà ở dành cho công nhân ngày càng cao, đòi hỏi sự tham gia vào cuộc của các cấp ngành địa phương với các giải pháp về quỹ đất, chính sách khuyến khích, hỗ trợ nhà đầu tư triển khai đầu tư phát triển nhà ở công nhân (NƠCN)...
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Quang Hưng cũng cho biết, tỉnh Thái Bình đã quy hoạch 60 vị trí phát triển NƠXH với tổng diện tích khoảng 136ha, trong đó có 6 vị trí dành riêng cho công nhân trong các KCN. (ảnh Phương Liên) |
Quy hoạch vị trí nhà ở dành riêng cho công nhân
Theo tính toán, nhu cầu NƠXH trên địa bàn tỉnh Thái Bình khá lớn. Trong giai đoạn 2021 – 2025, tổng nhu cầu khoảng trên 53.600 người, khoảng 1,1 triệu m2 sàn, với trên 17.400 căn. Tuy nhiên, đến nay tỉnh Thái Bình mới có 8 dự án NƠXH đã đi vào hoạt động, với tổng số 2.000 căn hộ.
Riêng KCN, hiện Thái Bình đang có 7 KCN và 35 cụm công nghiệp thu hút gần 120.000 lao động, trong đó công nhân làm việc tại các KCN khoảng 63.700 người. Tỉnh Thái Bình cũng đang quy hoạch và phát triển thêm nhiều KCN mới, kéo theo nhu cầu NƠXH cho công nhân ngày càng gia tăng.
Theo Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Green i-Park Bùi Thế Long, tại KCN Liên Hà Thái, chỉ tính riêng các dự án đã cấp phép, khi đi vào hoạt động ổn định, nhu cầu lao động sẽ lên tới khoảng 40.000 người. Nếu KCN được lấp đầy, nhu cầu lao động có thể lên tới từ 70.000 – 80.000 người. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc xây dựng các khu NƠXH, NƠCN, để tạo điều kiện ổn định cuộc sống và giữ chân người lao động lâu dài.
Các chuyên gia tham gia Tọa đàm “Phát triển NƠXH dành cho người lao động trong KCN – Từ chính sách đến thực tiễn”. (ảnh Kim Oanh) |
Mục tiêu của tỉnh là đến năm 2030, sẽ xây dựng khoảng 22.000 căn NƠXH, trong đó có 12.000 căn dành cho công nhân. Trong đó bám sát với mục tiêu Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030"của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh đã xây dựng cụ thể lộ trình cũng như quỹ đất để phát triển loại hình NƠXH, NƠCN.
Phát triển NƠXH từ chính sách đến thực tiễn
Thực tế, các KCN không chỉ là động lực phát triển kinh tế mà còn là nơi hàng triệu người lao động đặt niềm tin vào cuộc sống tương lai. Tuy nhiên, vấn đề NƠXH cho người lao động trong KCN vẫn là bài toán khó. Việc đáp ứng nhu cầu về nhà ở an toàn, tiện nghi và phù hợp với khả năng tài chính của người lao động không chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan quản lý Nhà nước mà còn là trách nhiệm của các doanh nghiệp và cộng đồng xã hội.
Được biết, tỉnh Thái Bình hiện đang triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ, tháo gỡ những “nút thắt” để phát triển, tạo quỹ nhà ở cho các đối tượng được hưởng chính sách xã hội, người có thu nhập thấp, cho công nhân, người lao động tại các khu, cụm công nghiệp. (ảnh Phương Liên) |
Về vấn đề trên, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Green i-Park Trần Thế Long chia sẻ, hiện doanh nghiệp đang tích cực tìm kiếm các giải pháp từ công tác quy hoạch, thiết kế tới ứng dụng công nghệ xây dựng, vật liệu mới... nhằm giảm giá thành NƠXH, phù hợp với mức thu nhập của người lao động, tạo điều kiện cho người lao động có thu nhập thấp, khó khăn về nhà ở có cơ hội tiếp cận, mua, thuê mua NƠXH.
Tại Tọa đàm về “Phát triển NƠXH dành cho người lao động trong KCN, từ chính sách đến thực tiễn” do UBND tỉnh Thái Bình phối hợp với Bộ Xây dựng và Công ty Cổ phần Green i-Park tổ chức mới đây tại Thái Bình, các chuyên gia đã cùng nhau thảo luận làm rõ những vấn đề, nội dung còn vướng mắc trong quá trình thực hiện các thủ tục đầu tư cũng như triển khai xây dựng NƠXH. Đồng thời, bàn giải pháp tháo gỡ, đề xuất các cơ chế, chính sách, giải pháp để người lao động dễ dàng tiếp cận chính sách, sở hữu nhà ở trong thời gian tới.
Tại buổi tọa đàm, Cục trưởng Cục Quản lý nhà ở và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Tống Thị Hạnh cho biết, Bộ Xây dựng sẽ đồng hành cùng với địa phương, doanh nghiệp trong việc hướng dẫn, phổ biến chính sách, pháp luật về NƠXH và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện trên thực tế.
Nếu KCN được lấp đầy, nhu cầu lao động có thể lên tới từ 70.000 – 80.000 người. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc xây dựng các khu NƠXH, NƠCN, để tạo điều kiện ổn định cuộc sống và giữ chân người lao động lâu dài. |
Địa phương này đã ban hành Đề án phát triển NƠXH trên địa bàn giai đoạn 2021 – 2025 và 2026 – 2030 để nghiên cứu đánh giá, xác định các vị trí, đưa ra giải pháp phù hợp thúc đẩy thu hút đầu tư các dự án NƠXH.
Theo đại diện Sở Xây dựng Thái Bình, ngay từ khi triển khai thực hiện chương trình, Sở đã tham mưu cho Tỉnh quy hoạch các khu NƠXH, nhà ở cho công nhân. Việc triển khai thực hiện khu NƠXH trong giai đoạn tới về quy hoạch cũng được triển khai thực hiện theo quy định của Luật Nhà ở năm 2023. Nghĩa là ngoài quy định các khu đô thị loại 1, loại 2 phải bố trí quỹ NƠXH 20% trong các dự án nhà ở thương mại, thì tỉnh sẽ quy định cụ thể những khu vực phải bố trí NƠXH ngoài khu đô thị loại 2, loại 3.
Sở cũng đã tham mưu cho tỉnh ban hành Quyết định 36/QĐ-UBND. Trong Quyết định 36/QĐ-UBND cũng quy định cụ thể đối với những khu quy hoạch các dự án nhà ở thương mại liền kề với các KCN. Với quy mô 10ha, phải bố trí NƠXH trong quỹ đất 20%. Khu vực còn lại, với dự án quy mô trên 2 ha, phải bố trí NƠXH. Như vậy, ngay từ chính sách và quy định đó, bắt buộc trong bước lập quy hoạch phải bố trí khu nhà ở này.
Ngoài các cơ chế ưu đãi theo Luật Nhà ở 2023, tỉnh Thái Bình cũng đưa ra nhiều hỗ trợ khác cho các dự án NƠXH, bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi thu hồi đất, chi phí san lấp mặt bằng và xây dựng hạ tầng kỹ thuật.
Kim Oanh
Theo