(Xây dựng) - Tại Tọa đàm “Cơ hội đầu tư bất động sản với Luật Đất đai sửa đổi” diễn ra sáng 12/4, các chuyên gia kinh tế và pháp lý đều đánh giá cao Luật Đất đai sửa đổi, đây là bước tiến lớn giúp hoàn thiện chính sách đất đai, khai thông những ách tắc trên thị trường.
PGS.TS Trần Quốc Toản - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. |
Bước tiến lớn hoàn thiện chính sách đất đai
Phát biểu tại Tọa đàm, PGS.TS Trần Quốc Toản - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đánh giá Luật Đất đai thông qua là bước tiến lớn giúp hoàn thiện chính sách đất đai.
Nhấn mạnh đất là vấn đề rộng lớn, tác động tới toàn bộ nền kinh tế, ông Toản cho rằng việc xây dựng hành lang pháp luật là vấn đề rất quan trọng để thực hiện chính sách đất đai hiệu quả.
“Từ góc độ đất đai trở thành hàng hóa, tham gia vào quan hệ thị trường dưới nhiều góc độ như mở hạn điền, tạo không gian cho bất động sản phát triển, phát triển chính sách liên quan tới nhà ở xã hội…, để hàng hóa này có thể phát huy được hiệu quả thì các chính sách cần được thể chế một cách cụ thể”, PGS.TS Trần Quốc Toản nêu quan điểm, đồng thời cho rằng các văn bản dưới Luật cũng nên tính tới việc dự báo được các tình huống phát sinh.
Tại Tọa đàm, ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), khẳng định đất đai là nguồn lực quan trọng cho sự phát triển của một quốc gia.
“Luật Đất đai các thời kỳ trước đã có những đóng góp quan trọng cho tăng trưởng ở các quốc gia. Tuy nhiên, theo thời gian, Luật Đất đai cũ đã bộc lộ nhiều hạn chế, cản trở quá trình xây dựng các dự án mới, gây ra hệ quả rất nghiêm trọng, làm ách tắc hàng nghìn dự án, kéo theo hệ lụy cho cả nền kinh tế với 38 ngành nghề bị ảnh hưởng”, ông Đính nhấn mạnh.
TS. Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS). |
“Nền kinh tế đã bị chững lại khi những dự án này bị ách tắc. Chính phủ đã nhận ra các vấn đề và có động thái tháo gỡ cho các dự án”, ông Đính nói. Với Luật Đất đai mới được ban hành, ông Đính kỳ vọng luật sẽ kích hoạt được nguồn lực đất đai, tháo gỡ các dự án đang được vướng mắc.
“Luật Đất đai có thể được thực hiện từ ngày 1/7 nhưng sẽ có những điều khoản bị lùi lại. Trước mắt, điều quan trọng nhất trong việc thực thi và thể chế Luật Đất đai là tháo gỡ hàng nghìn dự án đang bị mắc kẹt. Để làm được điều này, các văn bản dưới Luật cần được xây dựng cẩn thận, cụ thể và lấy ý kiến toàn thể người dân”, ông Đính cho hay.
Luật Đất đai sửa đổi khiến các cơ hội đầu tư trở nên khả thi hơn
Theo nhận định của TS. Ngô Công Thành - Liên Chi hội Tài chính khu công nghiệp thuộc VFCA, vẫn có rất nhiều cơ hội tồn tại trên thị trường bất động sản ngay từ trước khi có Luật Đất đai sửa đổi. “Tuy nhiên, sự xuất hiện của Luật Đất đai sửa đổi sẽ khai thông những ách tắc trên thị trường, biến những cơ hội đã tồn tại trở nên khả thi hơn”, ông nói.
Ông Thành cho hay, thị trường bất động sản đang được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố thuận lợi. Tăng trưởng kinh tế ổn định trong những năm qua và dự kiến sẽ đạt 6,5% trong năm nay sẽ là động lực kích thích cho thị trường bất động sản đi lên.
Bên cạnh đó, nhu cầu nhà ở tại thị trường đang rất lớn, đặc biệt ở khu vực Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Cùng với mục tiêu đô thị hóa của Chính phủ, nhiều biện pháp thúc đẩy, chính sách… sẽ được ban hành, từ đó mở ra thêm nhiều cơ hội mới cho thị trường.
TS. Ngô Công Thành - Liên Chi hội Tài chính khu công nghiệp thuộc VFCA. |
Ở phân khúc khu công nghiệp, dư địa của bất động sản khu công nghiệp cũng đang rất lớn, khuyến khích các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực này.
Tiếp đến là vốn đầu tư FDI vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản đang có dấu hiệu tăng trưởng mạnh. Trong 3 tháng đầu năm 2024, vốn FDI đầu tư vào bất động sản đạt 1,6 tỷ USD, tương đương 25% tổng vốn FDI vào Việt Nam, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là dấu hiệu cho thấy thị trường bất động sản trong nước đang có thêm nhiều “người chơi” lớn và việc thu hút nguồn đầu tư nước ngoài sẽ là yếu tố quan trọng có thể cứu vãn thị trường bất động sản trong bối cảnh khó khăn như hiện nay.
Chưa dừng lại ở đó, với việc Việt Nam nằm trong top đầu châu Á về phát triển cơ sở hạ tầng với hàng loạt dự án quan trọng như đường sắt, sân bay… các dự án khu đô thị sẽ được “lót đường” để phát triển mạnh mẽ hơn.
Tuy nhiên, TS. Ngô Công Thành cũng lo ngại rằng việc đưa Luật Đất đai sửa đổi vào thực tiễn từ 1/7 tới đây là khó có thể thực hiện được. “Theo quan điểm của tôi, việc đưa luật vào thực tiễn có thể chậm trễ hơn kế hoạch. Tuy vậy, chúng ta cũng không nên thực hiện quá nhanh, tránh việc làm nhanh, làm ẩu để rồi phải làm lại”, ông Thành nhận định.
Lê Trang
Theo