(Xây dựng) - Long Khánh (Đồng Nai) đang tích cực thu hút kêu gọi vốn đầu tư FDI phát triển ngành dịch vụ thương mại, xuất nhập khẩu và logistics cho vùng phía Nam giai đoạn 2022 - 2026. Đặc biệt, thành phố tập trung vào mở rộng các lĩnh vực trọng điểm như công nghiệp công nghệ cao: điện - điện tử và hệ thống logictics kết nối toàn vùng.
Nhiều doanh nghiệp FDI lớn chọn Đồng Nai làm điểm dừng chân
Nhiều năm nay, Đồng Nai trở thành một trong năm tỉnh, thành đứng đầu cả nước về phát triển công nghiệp, thu ngân sách nhà nước, xuất khẩu, xuất siêu, thu nhập bình quân đầu người, trong đó có sự góp sức từ những doanh nghiệp FDI đã đầu tư vào tỉnh.
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, hiện dòng vốn đầu tư từ nước ngoài (FDI) vào tỉnh trên 32,5 tỷ USD và vốn đầu tư trong nước hơn 300.000 tỷ đồng. Năm 2022 tỉnh phấn đấu thu hút đầu tư nước ngoài khoảng 1,1 tỷ USD. Trong đó, riêng các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn thu hút khoảng 700 triệu USD và ngoài KCN thu hút 400 triệu USD.
Khu công nghiệp Suối Tre - trọng điểm thu hút đầu tư FDI vào Đồng Nai tọa lạc tại phường Bảo Vinh, thành phố Long Khánh. |
Trong 5 năm tiếp theo, Đồng Nai vẫn được đánh giá là nơi được nhiều tập đoàn có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài chọn làm nơi đầu tư mới hoặc mở rộng đầu tư vào một số lĩnh vực như: công nghiệp, thương mại dịch vụ, hạ tầng kỹ thuật… Hiện nay, nhiều tập đoàn FDI đang chờ hoàn thành hạ tầng KCN, các công trình giao thông, sân bay Long Thành… để kết nối xin cấp phép đầu tư các dự án.
Theo bà Nguyễn Thị Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, năm 2021 mặc dù gặp khó khăn do dịch Covid-19 nhưng hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Đồng Nai đạt mức xuất siêu 3.154 triệu USD. Trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Đồng Nai, khoảng 75% của DN FDI. Đơn cử như 3 tháng đầu năm 2022, Đồng Nai xuất khẩu hơn 6,2 tỷ USD thì gần 4,7 tỷ USD của DN FDI. Đồng thời, trong 3 tháng đầu năm, Đồng Nai xuất siêu hơn 1,5 tỷ USD, riêng DN FDI là 1,1 tỷ USD.
Bà Nguyễn Thị Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai phát biểu lại hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp đầu tư FDI tại Việt Nam. |
Đồng Nai hiện xếp thứ 4 cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài. |
Ông Kang Myongil - Tổng lãnh sự Hàn Quốc tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Đồng Nai là điểm đến được nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc lựa chọn để đầu tư mới và tăng vốn mở rộng sản xuất.
Các thương hiệu lớn trên thế giới cũng lần lượt đến Việt Nam và chọn Đồng Nai làm điểm dừng chân để phát triển sản xuất, kinh doanh như: Kao, Samsung, Nestlé, Kolon, Chrysler, C.P., Cargill, Amata, Hyosung, Formosa, Lixil, Phong Thái, Shingmark, Meggitt, Schaeffler, Changshin, Taekwang, Sojitz, Forval, Bosch… Nhiều doanh nghiệp FDI sau khi đầu tư vào tỉnh một thời gian hoạt động hiệu quả đã mở rộng đầu tư tăng vốn lên gấp nhiều lần so với ban đầu như: Hyosung, Nestlé, Amata, C.P., Changshin, Formosa…
Thành phố Long Khánh - xung lực phát triển mới ở Đông Nam Bộ
Thành phố Long Khánh có tổng diện tích tự nhiên gần 192km2, dân số trên 170 nghìn người, có nhiều thuận lợi để phát triển khi nằm cửa ngõ huyết mạch về giao thông của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với tuyến Quốc lộ 1A và đường sắt Bắc Nam.
Từ Long Khánh đi Thành phố Hồ Chí Minh được rút ngắn khoảng cách khi có tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. Trong tương lai không xa, Long Khánh còn có thêm nhiều thuận lợi mới khi tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, cao tốc Dầu Giây - Liên Khương - Đà Lạt hoàn thành. Đặc biệt Long Khánh cũng như nhiều địa phương khác đang mong chờ những tác động tích cực của dự án Cảng hàng không sân bay quốc tế Long Thành để tăng tốc thu hút đầu tư phát triển.
Thành phố Long Khánh là điểm nhấn phát triển của khu vực Đông Nam Bộ. |
Hiện nay, Thành phố Long Khánh đã chủ động triển khai các giải pháp đồng hành cùng doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp sớm phục hồi sản xuất kinh doanh sau 2 năm đại dịch Covid-19; tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư triển khai dự án trên địa bàn…
KCN Long Khánh với tổng diện tích quy hoạch hơn 764ha có tỷ lệ lấp đầy lên đến hơn 70% với các thương hiệu như lớn Samsung, Hyosung, Bosch… |
Với những thuận lợi sẵn có cộng với những chính sách cởi mở, hiện thành phố đã thu hút được hàng tỷ USD đầu tư vào các KCN như Suối Tre, KCN Long Khánh.
Đặc biệt, lĩnh vực các doanh nghiệp FDI rót vốn vào nhiều là công nghiệp hỗ trợ, sản xuất nguyên phụ liệu cho ngành xơ sợi, dệt may, phụ tùng máy móc, linh kiện điện tử…
Ngoài ra để phát triển ngành dịch vụ thương mại, xuất nhập khẩu và logistics cho toàn vùng, trong giai đoạn 2022 - 2026, Thành phố Long Khánh đã chủ trương đẩy mạnh hàng loạt dự án hạ tầng giao thông có tính chất kết nối vùng và liên vùng: Đường liên cảng Phú Hữu - Phước Khánh; đường 319 nối dài từ cảng Phước An qua các KCN đến đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây; đường nối từ vành đai 3 đến cao tốc bến Lức - Long Thành; đường kết nối sân bay với cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết. Khi các công trình này hoàn thành hứa hẹn sẽ tạo ra đòn bẩy phát triển cho các dịch vụ về logistics cho cảng Cái Mép và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Ninh Nhi