Thứ bảy 23/11/2024 03:14 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Long An: Nhiều dư địa để phát triển kinh tế

20:58 | 08/06/2023

(Xây dựng) – Long An là tỉnh có vị trí địa lý đặc biệt, cửa ngõ giao thoa giữa vùng ĐBSCL và vùng Đông Nam Bộ, giáp ranh với Campuchia và TP.HCM. Với lợi thế còn nhiều dư địa để đầu tư xây dựng hạ tầng, phát triển kinh tế, Long An luôn tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư.

Long An: Nhiều dư địa để phát triển kinh tế

Chú trọng phát triển giao thông liên kết vùng

Thời gian qua, tỉnh Long An đạt kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội: Quy mô kinh tế đứng đầu vùng ĐBSCL, chiếm hơn 13% trên tổng quy mô của vùng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh và bứt phá ở khu vực công nghiệp; tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) giai đoạn 2015 - 2020 đạt hơn 9%/năm.

Long An tập trung đầu tư hoàn thiện hàng loạt dự án giao thông trọng điểm và tiếp tục đầu tư đồng bộ các dự án giao thông kết nối thông suốt giữa các địa phương trong tỉnh, kết nối liên vùng.

Mục tiêu của Long An là trở thành tỉnh phát triển công nghiệp khu vực phía Nam. Tổng diện tích được quy hoạch để phát triển công nghiệp là 15 nghìn ha, với 37 KCN, 59 cụm công nghiệp đã được phê duyệt. Trong đó, 18 KCN và 23 cụm công nghiệp đang hoạt động, với tổng diện tích 4.000 ha. Đến nay, Long An đã tiếp nhận 1.184 dự án FDI, tổng đăng ký trên 10,357 tỷ USD.

Đạt được kết quả như vậy là nhờ những năm qua, Long An vừa tận dụng điều kiện thuận lợi, vừa đặc biệt quan tâm công tác cải cách hành chính, nằm trong nhóm các tỉnh đi đầu cả nước về nỗ lực cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, cạnh tranh…

Cấu trúc không gian tỉnh gồm 2 hành lang, 1 trung tâm, 1 vùng

Với tầm nhìn chiến lược và nhất quán về đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, Long An đã hợp tác với tập đoàn tư vấn hàng đầu thế giới để xây dựng quy hoạch tỉnh, tạo nền tảng vững chắc gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vượt bậc và làm cơ sở định hướng thu hút đầu tư trong thời gian tới.

Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 đề ra mục tiêu xây dựng Long An là trung tâm phát triển kinh tế năng động, hiệu quả và bền vững của khu vực phía Nam; Trở thành cửa ngõ trên tuyến hành lang kinh tế đô thị - công nghiệp của vùng ĐBSCL; Kết nối với TP.HCM và vùng Đông Nam Bộ; Đầu mối hợp tác, giao thương quan trọng với Campuchia; Hình thành các hành lang kinh tế, vùng, trung tâm phát triển và đô thị động lực; Thích ứng với biến đổi khí hậu. Quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Người dân có cuộc sống phồn vinh, văn minh và hạnh phúc.

Mục tiêu cho giai đoạn 2021 - 2030 gồm: Tốc độ tăng trưởng đạt khoảng 9 -9,5%/năm; Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa; Quy mô nền kinh tế đến năm 2030 gấp 2 - 2,5 lần so với năm 2021; Thu nhập bình quân đầu người đạt 180 triệu đồng/người/năm.

Cấu trúc không gian tỉnh Long An được dựa trên các hành lang kinh tế chính liên kết với TP.HCM, vùng ĐBSCL và điều kiện phát triển của địa phương, gồm 2 hành lang, 1 trung tâm, 1 vùng.

Trong đó, 2 hành lang là Vành đai 3 - 4 và TP.HCM - Long An - Tiền Giang tạo thành khu vực phát triển kinh tế, đô thị giáp TP.HCM và ven biển. 1 trung tâm là TP Tân An chuyển đổi số trở thành trung tâm hành chính và công nghệ cao. 1 vùng là vùng nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, sinh thái và kinh tế cửa khẩu phía Tây, liên kết giao thông tốt với 2 hành lang và trung tâm Tân An.

Quy hoạch vùng không gian kinh tế tỉnh Long An được xác định 3 vùng rõ rệt. Vùng 1, định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái và kinh tế cửa khẩu, là vùng đảm bảo an ninh lương thực và cung cấp nguồn nguyên liệu phục vụ phát triển công nghiệp chế biến. Vùng 2 là vùng đệm giữa vùng 1 và vùng 3, được bao bọc bởi 2 dòng sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây, định hướng phát triển các dự án năng lượng tái tạo và đô thị sinh thái ven sông, khu trung chuyển nội tỉnh. Vùng 3, gồm các huyện tiếp giáp với TP.HCM, được quy hoạch phát triển đô thị và công nghiệp. Quỹ đất dành cho phát triển công nghiệp và đô thị và dịch vụ đến năm 2030 của tỉnh Long An dự kiến tăng 4 - 4,3 lần.

Với hàng loạt các dự án tầng giao thông đang và sẽ triển khai như cao tốc Bến Lức - Long Thành kết nối với cao tốc TP.HCM - Trung Lương; Đường Vành đai 3 (khởi công tháng 6/2023); đường Vành đai 4 (đang trong giai đoạn báo cáo tiền khả thi); đường sắt cao tốc TP.HCM - Cần Thơ, trục giao thông hành lang ven biển, Cảng quốc tế Long An… Long An tiếp tục có lợi thế đặc biệt, là địa điểm hấp dẫn nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.v

Trương Văn Liếp
Quyền Giám đốc Sở KH&ĐT Long An

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load