Khác với các không gian chức năng trong nhà, phòng vệ sinh dành cho người cao tuổi cần phải tuân theo một số tiêu chuẩn nhất định để đảm bảo an toàn.
Thực tế cho thấy, người cao tuổi khi sử dụng nhà vệ sinh thường có tỷ lệ té ngã cao. Những sự cố không mong muốn này có thể dẫn đến chấn thương nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khoẻ.
Mặt khác, vệ sinh cá nhân cần đến sự giúp đỡ của người khác được xem là nỗi khổ sở của không ít người cao tuổi. Tâm lý chung của họ là không muốn phụ thuộc nhiều vào người xung quanh, đặc biệt là chuyện vệ sinh cá nhân.
Phòng vệ sinh cho người cao tuổi cần đáp ứng một số tiêu chuẩn nhất định. (Ảnh minh hoạ) |
Để hạn chế tối đa những sự cố không đáng có cũng như giúp chủ động trong việc vệ sinh cá nhân, phòng vệ sinh dành cho người cao tuổi cần đáp ứng một số tiêu chuẩn nhất định.
Vị trí
Yếu tố quan trọng nhất khi thiết kế phòng vệ sinh cho người cao tuổi đó là vị trí. Thường nhà vệ sinh được đặt trong hoặc ngay bên cạnh phòng ngủ, đảm bảo thuận tiện cho người cao tuổi di chuyển.
Lối ra vào phòng vệ sinh không có vật cản, thông thoáng, ánh sáng đầy đủ, hệ thống công tắc đèn dễ tìm và dễ với tay. Cửa phòng vệ sinh phải đủ rộng, chiều ngang vừa chiếc xe lăn đi qua.
Sàn nhà
Phòng vệ sinh là nơi thường xuyên ẩm ướt, dễ trơn trượt. Do đó, khi lựa chọn gạch lát nền nên chọn loại gạch có khả năng chống trơn trượt, độ nhám cao. Cần giữ cho sàn phòng vệ sinh luôn sạch sẽ, khô ráo.
Nên sử dụng gạch lát phòng vệ sinh cho người cao tuổi có độ nhám cao. (Ảnh minh hoạ)
Gạch ốp tường nên chọn loại có màu sắc nhẹ nhàng, tránh những màu quá loè loẹt. Để người cao tuổi tránh nhầm lẫn, nên chọn phối màu gạch và tường tương phản với màu thiết bị vệ sinh.
Bồn rửa mặt
Bồn rửa mặt trong nhà vệ sinh cho người cao tuổi không nên đặt quá cao. Khoảng cách từ sàn đến bồn rửa mặt nằm trong khoảng từ 80cm đến 90cm là hợp lý.
Ghế tắm
Với người cao tuổi, ngồi tắm là tư thế an toàn và thoải mái nhất. Thị trường có rất nhiều loại ghế tắm để lựa chọn. Mặt ghế bằng nhựa, chân và thành ghế bằng nhôm. Có thể điều chỉnh độ cao của chân ghế cho phù hợp với người sử dụng.
Ngồi tắm là tư thế thoải mái và an toàn nhất cho người cao tuổi. Do vậy, nên có ghế tắm trong phòng vệ sinh. (Ảnh minh hoạ) |
Vòi hoa sen
Khóa và vòi hoa sen nên lắp đặt ở vị trí vừa tầm tay, thuận tiện khi tắt, mở. Vòi ở bồn rửa mặt cũng nên sử dụng các sản phẩm tay gạt dễ cầm nắm.
Tay vịn
Khác với phòng vệ sinh thông thường, phòng vệ sinh cho người cao tuổi nên có tay vịn. Bởi tay vịn là điểm tựa cần thiết để người cao tuổi dễ dàng di chuyển trong không gian này.
Phương án lắp đặt tay vịn trong phòng vệ sinh cho người cao tuổi. (Ảnh minh hoạ) |
Gia chủ nên gắn thêm tay vịn trên tường ở độ cao khoảng 1,3m tại các vị trí như bồn cầu, bồn tắm, khu vực vòi hoa sen… để hỗ trợ. Tay vịn nên chọn các sản phẩm có chất lượng tốt, chịu lực cao, chất liệu không gỉ.
Ghế bô
Với những người cao tuổi bị hạn chế trong việc tự vệ sinh cá nhân, gia chủ nên sử dụng ghế bô có bánh xe và chỗ để chân.
Gợi ý về tỷ lệ thiết bị vệ sinh trong phòng vệ sinh cho người cao tuổi. (Ảnh minh hoạ) |
Nếu không dùng ghế bô, có thể nâng chiều cao bồn cầu. Bởi với bồn cầu thông thường, người cao tuổi khá khó khăn trong việc hạ thấp cơ thể khi vệ sinh.
Kệ xà bông
Kệ đặt xà bông trong phòng vệ sinh cho người cao tuổi nên lắp đặt ở vị trí vừa tầm với. Tốt nhất nên sử dụng loại có hộp phía dưới để tránh xà bông chảy xuống sàn gây trơn trượt.
Hệ thống báo động
Nhằm kịp thời phát hiện những sự số không đáng có, trong phòng vệ sinh cho người cao tuổi, gia chủ nên lắp đặt hệ thống báo động hoặc chuông báo. Công tắc báo động nên đặt ở vị trí gần mặt sàn để người cao tuổi dễ dàng sử dụng trong trường hợp sự cố xảy ra.
Theo Phương Anh (tổng hợp)/Vietnamnet.vn