Thứ ba 05/11/2024 05:39 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội / Nông thôn mới

Lộc Hà (Hà Tĩnh): Diện mạo vùng quê trên con đường về đích nông thôn mới

14:50 | 22/12/2023

(Xây dựng) - Sau 12 năm kiên trì, nỗ lực, hôm nay khi đặt chân đến mảnh đất huyện Lộc Hà, ta sẽ cảm nhận được niềm vui của đất và người tỏa ra từ phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM). Đổi thay của Lộc Hà là minh chứng cho sự quyết tâm, nỗ lực của chính quyền và sự đồng lòng, chung sức của người dân trong phong trào xây dựng NTM.

Lộc Hà (Hà Tĩnh): Diện mạo vùng quê trên con đường về đích nông thôn mới
Mô hình kinh tế đang mang lại thu nhập cho người dân ở thôn Quan Nam (xã Hồng Lộc).

Nâng cao cốt lõi giá trị văn hóa

Có thể nói, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM khơi dậy và tạo nên sự chuyển biến đầy khởi sắc ở một vùng quê mà những năm trước đây còn gặp bao gian khó. Nhìn những ngôi nhà khang trang, vườn tược xanh mướt, cơ sở hạ tầng kĩ thuật ngày càng đồng bộ… mới càng thấm thía hơn lời nói của đồng chí Chủ tịch UBND huyện Lộc Hà Nguyễn Việt Hùng: Nhờ có NTM mà Lộc Hà “thay da, đổi thịt” từng ngày, là tiền đề để huyện ghi tên mình về đích về đích NTM”.

Xây dựng NTM cốt lõi là đời sống người dân cả về vật chất lẫn tinh thần được nâng cao. Có lẽ vì thế, cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi đến nơi đây đó là khu dân cư, nhà sinh hoạt cộng đồng ở các thôn được xây cất khang trang, với những con đường hoa đầy sắc màu, những hàng cây xanh tít tắp thấm đượm lên nét thanh bình, yên ả của một vùng quê đáng sống: 82/82 thôn của 11/11 xã của huyện đều đã xây dựng phương án, dự toán và triển khai thực hiện xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu; trong đó, có 42 thôn đã đạt chuẩn.

Là vùng đất có truyền thống văn hóa lịch sử lâu đời, có hệ thống di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc đặc sắc (61 di tích đã được xếp hạng) và các hình thức hoạt động văn hóa phi vật thể như Dân ca ví dặm. Có dịp đến Lộc Hà, ta sẽ không thể bỏ qua các địa danh nổi tiếng, ta sẽ được đắm mình trong các lễ hội lớn được tổ chức trọng thể, thành kính, linh thiêng: Lễ hội đền Chiêu Trưng, lễ hội đền Mai Hắc Đế, lễ hội đền Cả, lễ hội chùa Chân Tiên, lễ hội chùa Kim Dung… để biết yêu và trân quý hơn những giá trị văn hóa được bà con gìn giữ.

Lộc Hà (Hà Tĩnh): Diện mạo vùng quê trên con đường về đích nông thôn mới
Nông thôn mới đã làm cho Lộc Hà thay đổi từng ngày, những con đường nông thôn mới khang trang, hiện đại.

Tập trung phát động, khuyến khích các tập thể và cá nhân thực hiện công tác sưu tầm các di sản văn hóa phi vật thể của các địa phương. Năm 2020, UBND huyện phối hợp với Bảo tàng tỉnh hướng dẫn, hỗ trợ và khánh thành Bảo tàng Hoa Cương tại xã Bình An (Bảo tàng tư nhân đầu tiên trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh) với gần 4.000 hiện vật có giá trị và hơn 4.000 đầu sách. Nhiều trò chơi dân gian, nghi lễ cổ truyền, các làn điệu dân ca đặc trưng đã được tìm kiếm, sưu tầm, phục dựng như trò Kiều, lẫy Kiều, trống bội, tuồng cổ, cà kheo. Qua đó góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, truyền thống cách mạng, truyền thống văn hóa, nâng cao ý thức giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, của quê hương cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.

Công tác bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung và di sản phi vật thể đại diện của nhân loại là Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, di sản Truyện Kiều nói riêng đã được quan tâm và triển khai bằng các chủ trương chính sách. Hiện nay, toàn huyện có 11 câu lạc bộ Dân ca Ví, Giặm, 1 câu lạc bộ trò Kiều và thành lập nhiều đội văn nghệ dân gian ở các khu dân cư.

Chị Lê Thị Huyền (xã Mai Phụ) chia sẻ: Nông thôn mới đã làm cho quê hương thay đổi từng ngày, những con đường nông thôn mới khang trang, hiện đại, cuộc sống của người dân no đủ, sung túc”.

Hạ tầng đồng bộ, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực

Hệ thống giao thông trên toàn huyện như khoác lên mình một màu áo mới với các công trình giao thông đồng bộ, hoàn thiện. Đến nay, Lộc Hà đã huy động khoảng 900 tỷ đồng, 816.242 ngày công đầu tư nâng cấp, làm mới hơn 580km đường giao thông nông thôn các loại và trồng hàng chục nghìn cây xanh, xây hàng chục km bồn hoa. Đường sá không chỉ mang đến sự thuận tiện việc giao thương, mà còn tạo ra sức bật mới trong sản xuất cho bà con nhân dân địa phương.

Lộc Hà (Hà Tĩnh): Diện mạo vùng quê trên con đường về đích nông thôn mới
Hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ động lực cho phát triển kinh tế, giao thương.

11/11 xã trên địa bàn huyện Lộc Hà đều có chợ nông thôn nằm trong quy hoạch, kế hoạch phát triển chợ. Hiện nay, 11 chợ hạng III đã được đầu tư nâng cấp, cải tạo, tổng nguồn vốn đầu tư chợ từ trước đến năm 2022 là 65,8 tỷ đồng.

Huyện đã thực hiện tốt chính sách nhà ở cho người nghèo, người có công với cách mạng, người sống trong khu vực chịu ảnh hưởng của thiên tai có khó khăn về nhà ở: toàn huyện xóa bỏ 2.230 nhà tạm, nhà dột nát; xây dựng 4.417 nhà ở đạt chuẩn; tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động xây mới, cải tạo, nâng cấp nhà ở, công trình phụ trợ, công trình vệ sinh đảm bảo sinh hoạt của người dân. Toàn huyện không còn nhà tạm, nhà dột nát, tỷ lệ hộ có nhà ở kiên cố hoặc bán kiên cố trên địa bàn 11 xã đạt 94,0% (18.306/19.480 nhà).

Từ khi triển khai thực hiện chương trình nông thôn mới đến nay, bên cạnh một số chính sách hỗ trợ của tỉnh, huyện Lộc Hà đã ban hành đồng bộ hệ thống các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới nhằm hỗ trợ, kích cầu tạo động lực mạnh mẽ giúp các địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới và nâng cao thu nhập người dân.

“Là một vùng đất giáp biển, Lộc Hà tận dụng những lợi thế để phát triển sản xuất hàng hóa cũng như nuôi trồng thủy sản bên cạnh phát triển trồng trọt, chăn nuôi. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản toàn huyện đạt con số ấn tượng với 510ha, đã quy hoạch 18 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung với diện tích trên 450ha. Tổng số phương tiện tàu thuyền khai thác thủy sản trên biển: 349 chiếc, đã đóng mới được 2 tàu vỏ thép có công suất trên 800CV theo Nghị định 67 của Chính phủ. Cảng biển Cửa Sót được Chính phủ đưa vào quy hoạch cảng cá loại II và đang nạo vét, mở rộng để đảm bảo các tàu chiều dài 24m ra vào thuận lợi.

Trên địa bàn huyện không có khu công nghiệp mà chỉ quy hoạch 4 cụm công nghiệp, trong đó: 02 cụm CN-TTCN tập trung đã được quy hoạch, xây dựng; 2 cụm mới là cụm CN-TTCN An Thịnh tại xã Bình An và xã Thịnh Lộc với diện tích khoảng 50ha, Cụm CN-TTCN Hồng - Tân với diện tích 60ha tại xã Hồng Lộc” - Phó chánh Văn phòng điều phối NTM huyện Phan Bá Ninh cho biết.

Bên cạnh sự hỗ trợ vốn của các ngành nhằm giúp người dân thoát nghèo, hiện bà con còn biết truy cập thông tin qua mạng, học hỏi kinh nghiệm, ứng dụng vào thực tiễn sản xuất. Đây là một nét mới, thể hiện sự thay đổi về nhận thức của người dân Lộc Hà trong xây dựng NTM.

Xây dựng NTM là một chương trình lớn, phát triển tổng hợp cả về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường. Bắt tay thực hiện NTM, tiêu chí đạt khó ở Lộc Hà là môi trường, công trình hợp vệ sinh, thu gom rác, thu phí trong dân… không phải chuyện dễ. Nhưng nay đã không còn cảnh “bạ đâu, xả đó” nữa, việc thu gom, xử lý các loại chất thải rắn trên địa bàn đảm bảo đúng quy định với 1 lò đốt rác đủ công suất xử lý rác, đảm bảo vệ sinh môi trường...

Ông Nguyễn Việt Hùng - Chủ tịch UBND huyện Lộc Hà chia sẻ: Phát huy dòng chảy của mảnh đất giàu truyền thống văn hóa và lịch sử, những gì đã đạt được hôm nay sẽ là tiền đề, động lực để chính quyền và bà con nhân dân huyện nhà tiến về phía trước. Xây dựng NTM có điểm bắt đầu nhưng không có điểm kết thúc, từ thành công này, chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì, đồng sức, đồng lòng, phát huy tối đa mọi nguồn lực để đưa huyện huyện nhà thành huyện NTM, vươn mình lên tầm phát triển”.

Vừa qua, UBND tỉnh Hà Tĩnh có Văn bản số 6857/UBND-NL5, về việc công bố huyện Lộc Hà đủ điều kiện đề nghị xét, công nhận đạt chuẩn huyện NTM năm 2023 và lấy ý kiến dự thảo báo cáo kết quả thẩm tra hồ sơ và mức độ đạt chuẩn NTM.

Phương Dung - Ảnh Lê Đức

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load