(Xây dựng) – Theo ACV, ngày 01/8, gói thầu 5.10 – gói lớn nhất tại sân bay Long Thành (SBLT) đã tìm được liên danh nhà thầu (có tên là Vietur) đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật. Từ đây, VNDIRECT tin rằng các doanh nghiệp xây lắp tham gia liên danh nhà thầu Vietur đang đứng trước cơ hội bứt phá kết quả kinh doanh mạnh mẽ trong giai đoạn 2023-2026.
Tiến độ lựa chọn nhà thầu tại gói thầu 5.10 thuộc dự án thành phần 3 Sân bay Long Thành giai đoạn 1. |
Thời điểm thi công Sân bay Long Thành đã đến gần
Ngày 01/8, ACV đã chính thức công bố liên danh nhà thầu đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của gói thầu 5.10. Theo đó, chỉ duy nhất liên danh Vietur (bao gồm 10 đơn vị: Tập đoàn Công nghiệp và Thương mại xây dựng IC Ictas – nhà thầu Thổ Nhĩ Kỳ - đứng đầu liên danh, CTCP Đầu tư Xây dựng Ricons, CTCP Đầu tư Xây dựng Newtecons, CTCP Đầu tư Xây dựng SOL E&C, TCT Xây dựng số 1 (CC1, UPCOM), CTCP Kết cấu ATAD, Tổng CTCP Xây dựng và Xuất nhập khẩu Việt Nam (VCG, HOSE), CTCP Xây dựng Phục Hưng Holdings (PHC, HOSE), CTCP Hawee Cơ điện và Tổng CT Xây dựng Hà Nội – CTCP (HAN, UPCOM)) đủ điều kiện đi tiếp vào vòng đánh giá năng lực tài chính (lễ mở hồ sơ sẽ được tổ chức trong ngày 04/08/2023). Mặc dù vẫn phải tiếp tục tham gia vòng chấm thầu về năng lực tài chính, tuy nhiên các chuyên gia của VNDIRECT tin rằng Vietur đang có khả năng lớn nhất giành được gói thầu này nhờ: Trong phiên họp của Ban chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông Vận tải ngày 13/07/2023, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo phải khởi công xây dựng nhà ga hành khách tại Sân bay Long Thành trong tháng 8/2023.
Bên cạnh đó, một số điều kiện về năng lực tài chính bao gồm: Nguồn vốn đối ứng của nhà thầu tham gia là 3.224 tỷ đồng; nhà thầu có giá trị tài sản ròng trong năm tài chính gần nhất so với thời điểm đóng thầu phải dương, doanh thu bình quân 5 năm tài chính gần nhất (không bao gồm thuế VAT) có giá trị tối thiểu 19.800 tỷ đồng.
VNDIRECT đánh giá các tiêu chí này đều không phải trở ngại quá lớn đối với liên danh Vietur. Việc gói thầu 5.10 đủ điều kiện thi công sẽ tạo tiền đề giúp Sân Bay Long Thành đẩy mạnh tiến độ trong thời gian tới. Động lực tăng trưởng cho doanh nghiệp xây lắp và đá xây dựng
Việc gói thầu 5.10 dự kiến được khởi công trong tháng 8/2023 cũng sẽ giúp các gói thầu khác sớm được triển khai trong thời gian tới. Theo ACV, Công ty kỳ vọng dự án sẽ hoàn thành trong năm 2026, chậm hơn kế hoạch ban đầu là năm 2025.
“Chúng tôi tin rằng Sân bay Long Thành sẽ là động lực tăng trưởng cho các doanh nghiệp xây dựng – vật liệu xây dựng trong giai đoạn 2023-2026. Sau khi hoàn thành, các doanh nghiệp cảng hàng không, dịch vụ hàng không và hãng hàng không cũng sẽ được hưởng lợi từ dự án”, các chuyên gia của VNDIRECT kỳ vọng.
Các doanh nghiệp kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ dự án thành phần 3 của Sân bay Long Thành. |
Với việc là liên danh duy nhất đáp ứng đủ điều kiện kỹ thuật tại gói thầu 5.10, các nhà thầu thuộc liên danh Vietur (bao gồm các doanh nghiệp niêm yết là VCG, CC1, PHC và HAN) đã chứng minh được năng lực thi công so với các đối thủ khác trong ngành và sẽ có nhiều cơ hội nhận được các gói thầu phát triển cơ sở hạ tầng lớn trong tương lai.
Nếu được lựa chọn tham gia thi công gói 5.10, các công ty kể trên sẽ có cơ hội bứt phá mạnh về kết quả kinh doanh trong giai đoạn 2023-2026 nhờ quy mô rất lớn của gói thầu so với doanh thu mảng xây lắp của các doanh nghiệp trong ngành.
Trong khi đó, VNDIRECT tin rằng C4G cũng sẽ là một trong “ứng cử viên” cho gói thầu Xây dựng đường cất hạ cánh và đường lăn sân bay tại Sân bay Long Thành (chưa mở thầu). Công ty đã có kinh nghiệm tham gia tại nhiều hạng mục thầu tương tự trong quá khứ tại các sân bay Tân Sơn Nhất, Cam Ranh, Phú Quốc…
Sân bay Long Thành sẽ là động lực tăng trưởng cho các doanh nghiệp xây dựng – vật liệu xây dựng trong giai đoạn 2023-2026. |
Do đặc thù của ngành Đá xây dựng, chi phí vận chuyển thường chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành thành phẩm. Tùy thuộc vào khoảng cách và loại hình vận chuyển, giá đá giao đến công trường có thể cao gấp đôi giá đá tại mỏ. Do đó, những mỏ đá nằm gần các công trình xây dựng (giao thông, khu công nghiệp, dân cư) hoặc gần sông (thuận tiện vận chuyển đường thủy – có chi phí thấp hơn vận chuyển đường bộ) sẽ được ưu tiên huy động nhờ lợi thế về giá bán và thời gian vận chuyển.
Từ đây, VNDIRECT dự báo cụm mỏ Tân Cang sẽ là nguồn cung cấp chính đá xây dựng cho dự án Sân bay Long thành nhờ sở hữu vị trí gần công trường nhất vfa chất lượng đá tốt. Nhiều doanh nghiệp niêm yết đang sở hữu mỏ tại cụm mỏ Tân Cang, trong đó đáng chú ý như CTCP Xây dựng và Sản xuất Vật liệu xây dựng Biên Hòa (Upcom, VLB) đang sở hữu mỏ Tân Cang 1 với công suất khai thác cấp phép lớn nhất là 1.500.000 m3/năm.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, nhu cầu đá xây dựng cho thi công Sân bay Long Thành giai đoạn 1 lên tới 18 triệu m3, tương đương 56% công suất khai thác được cấp phép hàng năm của tỉnh Đồng Nai. Do đó, VNDIRECT cho rằng dự án Sân bay Long Thành sẽ là cú hích lớn đối với các doanh nghiệp đá xây dựng trong thời gian tới.
Lê Trang
Theo