Thành phố Đà Nẵng sở hữu nhiều điều kiện tốt về hạ tầng đô thị, chất lượng môi trường sống và các nhu cầu phát triển cơ bản, có lợi thế so với các đô thị khác trong cả nước và khu vực Đông Nam Á.
Thành phố Đà Nẵng bên bờ sông Hàn. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN) |
Tháng Ba vừa qua, thành phố Đà Nẵng đã có Tờ trình Thủ tướng Chính phủ với nội dung đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù để hình thành và xây dựng trung tâm tài chính quốc tế Đà Nẵng.
Đề xuất này nhằm khai thác lợi thế của thành phố Đà Nẵng đối với khu vực và thế giới, đón đầu xu hướng dịch chuyển các dòng vốn đầu tư từ các thị trường tài chính truyền thống. Đồng thời, giúp đa dạng của các sản phẩm tài chính gắn liền với phát triển kinh tế số, chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế theo tinh thần Nghị quyết 43-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị khóa XII.
Thành phố Đà Nẵng sở hữu nhiều điều kiện tốt về hạ tầng đô thị, chất lượng môi trường sống và các nhu cầu phát triển cơ bản, có lợi thế so với các đô thị khác trong cả nước và khu vực Đông Nam Á. Điều này góp phần xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế-xã hội lớn, là cơ sở để hình thành trung tâm tài chính quy mô khu vực.
Nhận diện thuận lợi và khó khăn
Theo Giám đốc Sở Tài chính thành phố Đà Nẵng Nguyễn Văn Phụng, những năm qua Đà Nẵng đã nỗ lực cải thiện nhiều tiêu chí về môi trường kinh doanh, thực hiện các kế hoạch thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh, phát triển khả năng ngoại ngữ và nguồn nhân lực chất lượng cao.
Ngoài ra, với hạ tầng công nghệ thông tin được thiết lập tốt, Đà Nẵng đang phấn đấu trở thành một trong 3 Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam; có khả năng gắn kết với các định chế tài chính trên cả nước. Bên cạnh các điều kiện đó, sự ổn định chính trị, môi trường kinh doanh thân thiện với nhà đầu tư, chất lượng cuộc sống tốt cũng đều là những yếu tố quan trọng để trung tâm tài chính quốc tế Đà Nẵng thu hút các nhà tài chính nước ngoài.
Để phục vụ cho việc thiết lập khu phức hợp trung tâm tài chính, Đà Nẵng đã quy hoạch sẵn khu đất rộng 6,17ha, với các điều kiện về vị trí kết nối, hạ tầng thuận lợi. Theo đó, có khu nằm ngay sát biển Mỹ Khê để hình thành một điểm nhấn kiến trúc mang tính biểu tượng cho trung tâm tài chính, với các dịch vụ đẳng cấp.
Thành phố cũng đang tiến hành chuyển đổi Khu công nghiệp Đà Nẵng (quận Sơn Trà) với diện tích hơn 62ha thành khu trung tâm kinh doanh. Tại đây sẽ hình thành khu phố tài chính, tạo thành một tổ hợp trung tâm tài chính đầy đủ về quy mô và không gian phát triển, gia tăng sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư chiến lược vào Đà Nẵng.
Bên cạnh các lợi thế, ông Nguyễn Văn Phụng cũng cho rằng, Đà Nẵng còn một số các điều kiện chưa đáp ứng về: mức độ tập trung các định chế tài chính, kinh doanh; mức độ phát triển của thị trường tài chính; quy mô thị trường tài chính… Để xây dựng trung tâm tài chính quốc tế, trước hết phải xây dựng hệ thống chính sách, luật pháp về tài chính ở tầm quốc gia như: chính sách tỷ giá, tín dụng, lãi suất, quản lý dòng vốn, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân...
Là người có nhiều năm nghiên cứu trong lĩnh vực tài chính quốc tế, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Võ Thị Thúy Anh, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế thuộc Đại học Đà Nẵng cho rằng Đà Nẵng có cơ hội phát triển trung tâm tài chính quốc tế, nhưng cần được sự ủng hộ từ Trung ương trong xây dựng cơ chế, chính sách. Hiện nay, khuôn khổ pháp lý tại các quốc gia luôn chậm hơn tốc độ phát triển của đổi mới sáng tạo, công nghệ tài chính.
Trong khi chờ Trung ương tạo dựng môi trường pháp lý để phát triển, Đà Nẵng cần tập trung vào phương án khả thi là hình thành một trung tâm tài chính Offshore (OFC) cung cấp dịch vụ tài chính cho người không cư trú. Như vậy, chưa cần cải cách chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa nhưng vẫn đáp ứng nhu cầu phát triển trong giai đoạn đầu.
Khác biệt với Thành phố Hồ Chí Minh
Theo Tiến sỹ Trần Du Lịch (thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026), việc xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế là vấn đề mang tầm quốc gia và chọn thời cơ để phát triển hướng tới thị trường tài chính quốc tế.
Một góc Phố cổ Hội An đẹp lung linh về đêm. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN) |
Trước mắt, Quốc hội, Chính phủ đã chọn 2 địa phương là Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng để tổ chức như một cặp song sinh trung tâm tài chính. Vì vậy, khi xây dựng mô hình cần làm rõ các điểm khác biệt của hai địa phương để hỗ trợ nhau cùng phát triển, tránh chồng chéo.
Giám đốc Sở Tài chính thành phố Đà Nẵng Nguyễn Văn Phụng cho biết trung tâm tài chính quốc tế Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh có những sự khác biệt cơ bản về tầm nhìn, mục tiêu, tính chất, cấu phần chức năng và cả phạm vi hoạt động.
Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu trở thành một trung tâm tài chính được xếp hạng trong nhóm 50 trung tâm tài chính hàng đầu thế giới vào năm 2030 và trong nhóm 20 trung tâm tài chính hàng đầu thế giới vào năm 2045. Trong khi đó, thành phố Đà Nẵng xác định mục tiêu phát triển thành phố Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính quốc tế và gia nhập mạng lưới các trung tâm tài chính khu vực vào năm 2045.
Để đạt được điều này, trung tâm tài chính quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ có bước phát triển nhanh để vươn đến một trung tâm tài chính toàn cầu. Còn thành phố Đà Nẵng hướng đến thúc đẩy phát triển tài chính cho khu vực miền Trung-Tây Nguyên; hỗ trợ hoạt động tài chính, đầu tư cho khu vực hành lang kinh tế Đông-Tây và một số quốc gia khác trong khu vực. Trung tâm tài chính quốc tế tại Đà Nẵng vừa hỗ trợ, bổ sung, tăng cường sức cạnh tranh cho trung tâm tài chính quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Với lợi thế riêng, mô hình trung tâm tài chính quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh sẽ lấy các định chế tài chính, hệ thống ngân hàng trong nước làm chủ thể phát triển để hình thành các cụm ngành tài chính, các tập đoàn tài chính quốc gia và quốc tế, phát triển các sở giao dịch hàng hóa để phát triển thị trường hàng hóa phái sinh, thị trường mua bán và sáp nhập doanh nghiệp…
Trong khi đó, mô hình trung tâm tài chính quốc tế Đà Nẵng sẽ tập trung trước hết phát triển dịch vụ Offshore tài chính để có thể thu hút một phần giao dịch tài chính trong khu vực. Cùng đó, tham gia vào trung tâm tài chính quốc tế Đà Nẵng giai đoạn này sẽ chủ yếu là các định chế tài chính nước ngoài và đối tượng phục vụ chủ yếu là tổ chức, cá nhân ở nước ngoài.
Điểm khác biệt nhất là trung tâm tài chính quốc tế Đà Nẵng không chỉ gồm các hoạt động tài chính mà còn liên kết với các hoạt động và dịch vụ tiện ích đẳng cấp khác như dịch vụ nghỉ dưỡng, hội nghị, giải trí, tiện ích đẳng cấp. Từ đó, tạo thành một điểm đến đặc biệt, hấp dẫn cho du khách và nhà đầu tư quốc tế, tương tự các trung tâm tài chính tại Singapore, Dubai.../.
Theo Quốc Dũng (TTXVN/Vietnam+)