Thứ bảy 05/10/2024 04:01 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội / Nông thôn mới

Lào Cai: Xây dựng nông thôn mới – Thách thức và khó khăn

21:50 | 11/12/2022

(Xây dựng) - Để đáp ứng nhu cầu thực tiễn của phát triển hạ tầng đô thị và nông thôn, giai đoạn 2021 – 2025 Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới có một số thay đổi và nâng cao so với trước đây. Từ đó dẫn đến nhiều xã trên địa bàn tỉnh Lào Cai đăng ký phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới không “về đích” như kỳ vọng. Bằng sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, toàn tỉnh Lào Cai phấn đấu vượt qua khó khăn của thiên tai, dịch bệnh, định hướng hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ lao động, việc làm, đầu ra sản phẩm và thu nhập của người dân trên toàn tỉnh.

Lào Cai: Xây dựng nông thôn mới – Thách thức và khó khăn

Thiên tai, thời tiết, dịch bệnh diễn biến phức tạp ảnh hưởng lớn đến lao động, việc làm, đầu ra sản phẩm và thu nhập của người dân, khiến các xã đăng ký “khó về đích” nông thôn mới trong giai đoạn 2022 – 2025.

Năm 2021, toàn tỉnh có 15 xã đăng ký phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới. Điểm chung các xã qua nhiều năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới đều đạt từ 15 tiêu chí trở lên, một số xã đạt 18/19 tiêu chí. Tuy nhiên, đến hết quý II/2022, chỉ 5 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Như vậy, 10 xã lỡ hẹn “về đích”.

Xã Bản Liền (Bắc Hà) đã 2 năm liên tiếp lỡ hẹn “về đích” nông thôn mới. Nguyên nhân khách quan cho thấy, đây vốn là xã thuần nông, đời sống của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Xã có 13 thôn với 491 hộ, trong đó 98% là đồng bào dân tộc thiểu số. Cuối năm 2020 xã còn 90 hộ nghèo, chiếm 18,3% tổng số hộ. Nhưng tính theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025, tỷ lệ hộ nghèo của xã 342 hộ, chiếm 69,37%. Không những vậy, từ năm 2019 đến nay, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến hoạt động kinh doanh dịch vụ, tiêu thụ nông sản trên địa bàn gặp khó khăn. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến tiêu chí thu nhập. Hiện thu nhập bình quân của người dân đạt hơn 29 triệu đồng/người/năm, trong khi quy định chuẩn nông thôn mới phải đạt 39 triệu đồng/người/năm.

Tương tự, việc xây dựng nông thôn mới tại xã Sán Chải (Si Ma Cai) đối mặt với nhiều khó khăn. Năm 2020, xã đạt 16/19 tiêu chí, còn 3 tiêu chí chưa đạt là trường học, thu nhập, hộ nghèo. Thu nhập của người dân trong xã chủ yếu sản xuất nông nghiệp, trong đó nhiều hộ phát triển chăn nuôi đại gia súc. Nhưng từ cuối năm 2020 đến nay, giá trâu, bò giảm mạnh, không tiêu thụ được. Cùng với đó, dịch Covid-19 khiến nhiều lao động không đi làm tại các khu công nghiệp, thu nhập giảm. Hết năm 2021, thu nhập bình quân của người dân đạt 23,6 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều là 58,3%. Theo kết quả rà soát các tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, hiện nay xã chỉ đạt 11/19 tiêu chí.

Năm 2021, huyện Văn Bàn có 3 xã: Minh Lương, Chiềng Ken, Nậm Dạng đăng ký phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới. Tuy nhiên, qua rà soát thực tế, các địa phương này đều không đủ điều kiện công nhận đạt chuẩn do vướng tiêu chí thu nhập, hộ nghèo, giao thông, nước sinh hoạt...

Ngoài chịu ảnh hưởng chung bởi dịch Covid-19 thì việc thực hiện Quyết định 861 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 cũng tác động không nhỏ đến chương trình xây dựng nông thôn mới.

Trước đây, cả 3 xã đều thuộc vùng III, nhưng theo Quyết định 861 thì xã Chiềng Ken không còn là xã vùng III. Để đạt chuẩn nông thôn mới thì mức thu nhập bình quân của người dân phải đạt 44 triệu đồng/người/năm (trong khi thu nhập của xã hiện mới đạt gần 36 triệu đồng/người/năm), một số chỉ tiêu khác cũng cao hơn. Không những vậy, các chính sách hỗ trợ người dân xã vùng III như giáo dục, bảo hiểm y tế… bị cắt giảm.

Ngày 29/4/2022, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 894 ban hành Bộ tiêu chí xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao tỉnh Lào Cai giai đoạn 2022 - 2025. Bộ tiêu chí có 19 tiêu chí lớn và 58 tiêu chí thành phần. So với giai đoạn trước (2016 - 2021), bộ tiêu chí mới có một số chỉ tiêu, tiêu chí đòi hỏi sự phấn đấu rất cao, như tỷ lệ đường xã được bảo trì hằng năm, đảm bảo sáng - xanh - sạch - đẹp và có các hạng mục cần thiết như biển báo, biển chỉ dẫn, chiếu sáng, gờ giảm tốc, cây xanh bóng mát; tỷ lệ diện tích cây trồng chủ lực của địa phương được tưới tiên tiến, tiết kiệm nước đạt trên 30%; thu nhập bình quân của người dân đạt từ 43 đến 59 triệu đồng/người/năm; có ít nhất 1 mô hình thôn, xã thông minh (hiện chưa có hướng dẫn hoặc quy định nào về khái niệm mô hình mới này)…

Những năm gần đây, do tác động từ nhiều yếu tố bất lợi, nhất là dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên các xã trên địa bàn tỉnh đăng ký phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới không thể “về đích” như kỳ vọng. Thời gian tới, chương trình xây dựng nông thôn mới còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức hơn, như Bộ tiêu chí nông thôn mới các cấp giai đoạn 2022 - 2025 nâng cao hơn trước, các xã phấn đấu “về đích” nông thôn mới trong giai đoạn này là các xã đặc biệt khó khăn (khu vực III), đồng thời nguồn lực đầu tư cũng hạn chế.

Có thể nói, để xây dựng nông thôn mới hiệu quả, các địa phương cần nỗ lực, chủ động hơn nữa trong thực hiện các tiêu chí. Các sở, ngành phụ trách tiêu chí cần có hướng dẫn cụ thể, theo dõi sát sao việc thực hiện tiêu chí tại các địa phương. Theo bộ tiêu chí mới, các huyện, xã cần điều chỉnh đề án, kế hoạch xây dựng nông thôn mới cho phù hợp; tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân và cộng đồng tham gia xây dựng nông thôn mới. Phấn đấu hoàn thành 100% các xã đạt chuẩn trong giai đoạn 2022 – 2025.

Thảo Phương

Theo

Cùng chuyên mục
  • Nghệ An: Thẩm tra huyện Nam Đàn đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao năm 2024

    (Xây dựng) - Sáng 3/10, UBND tỉnh Nghệ An đã tổ chức Hội nghị thẩm tra huyện Nam Đàn đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao năm 2024.

  • Thanh Hóa: Công nhận thêm 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới

    (Xây dựng) – UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có Quyết định số 3942/QĐ-UBND về việc công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới và xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2024 cho các xã trên địa bàn tỉnh.

  • Tân Phước (Tiền Giang): Xã Hưng Thạnh nỗ lực xây dựng nông thôn mới nâng cao

    (Xây dựng) - Trong những năm gần đây, xã Hưng Thạnh (huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang) đã tạo dựng được nhiều thành tựu đáng kể trên con đường xây dựng nông thôn mới (NTM). Sau khi xuất sắc đạt chuẩn NTM vào cuối năm 2020, xã đã không ngừng củng cố và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM, đặt quyết tâm cao độ trong việc trở thành xã đạt chuẩn NTM nâng cao trong năm 2024.

  • Tam Dương (Vĩnh Phúc): Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh

    (Xây dựng) - Thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp trên địa bàn huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc) đã phát huy vai trò nòng cốt, tích cực xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

  • Tây Sơn (Bình Định): Phát triển nông thôn mới một cách bền vững

    (Xây dựng) – “Huyện Tây Sơn, Bình Định từ một vùng đất nghèo, có địa hình phức tạp, không được thuận lợi nhưng đã xây dựng được 14/14 xã đạt 100% xã nông thôn mới. Đây là một thắng lợi bước đầu nhưng hết sức to lớn, đánh dấu một kỳ tích của huyện”, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh tại buổi lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Tây Sơn đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023.

  • Sơn La: Yêu cầu cao hơn về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025

    (Xây dựng) - Thời gian qua, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh Sơn La tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện khá đồng bộ, được đông đảo nhân dân quan tâm, đồng tình hưởng ứng, đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load