(Xây dựng) - Ngày 13/5, UBND tỉnh Lào Cai ký ban hành Văn bản số 2378/UBND-KT yêu cầu một số Sở, ban, ngành tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường quản lý hoạt động của mạng lưới chợ trên địa bàn tỉnh.
Tăng cường kiểm tra công tác quản lý chợ trên địa bàn và xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có). |
Theo đó, UBND tỉnh Lào Cai yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh thực hiện chức năng giám sát, đánh giá dự án đầu tư đối với các dự án chợ đã được chấp thuận đầu tư; đôn đốc các chủ đầu tư thực hiện dự án đúng tiến độ; tham mưu, kiến nghị với UBND tỉnh tạm ngừng hoặc chấm dứt hoạt động đầu tư dự án chậm tiến độ (nếu đủ điều kiện); quá trình giám sát, đánh giá nếu phát hiện vi phạm, kịp thời phối hợp với các cơ quan đơn vị có liên quan xem xét, xử lý hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định.
Công an tỉnh thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước về an ninh trật tự; triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, các hành động xâm phạm an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội tại các chợ trên địa bàn tỉnh.
Tập trung thực hiện tốt công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật và hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về giao thông, phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tại các chợ; nhất là công tác thẩm duyệt, nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy, các hoạt động lấn chiếm lòng, lề đường gây ảnh hưởng đến giao thông đường bộ.
UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ tình hình thực tế tăng cường tuyên truyền, vận động và đề ra các giải pháp thu hút thương nhân tham gia tại các chợ có nhiều điểm kinh doanh còn trống. Nghiên cứu chuyển đổi công năng hoạt động đối với các chợ không hoạt động nhằm tránh lãng phí nguồn vốn đầu tư báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định. Nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động của các Ban quản lý chợ, Tổ quản lý chợ. Tăng cường kiểm tra công tác quản lý chợ trên địa bàn và xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có).
Khi đầu tư xây dựng mới các chợ trên địa bàn phải khảo sát kỹ nhu cầu hoạt động kinh doanh hàng hóa của nhân dân trên địa bàn. Tham vấn ý kiến các Sở, ngành liên quan và đặc biệt là của cộng đồng dân cư và các hộ kinh doanh xung quanh khu vực chợ. Gắn chợ với nét văn hóa cộng đồng, đậm đà bản sắc dân tộc, thành điểm tham quan du lịch, tạo điểm tích cực trong công tác kêu gọi đầu tư.
Cùng với đó, chú trọng đầu tư, thiết kế các công trình chợ ưu tiên về cơ sở vật chất khu vực kinh doanh thực phẩm, khu vực kinh doanh không thường xuyên, hạng mục phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ… nhằm đảm bảo hiệu quả trong sử dụng, tránh lãng phí các công trình được đầu tư quy mô nhưng hiệu quả khai thác thấp.
Tập trung chỉ đạo xóa bỏ hoặc di dời các chợ tự phát, các điểm mua bán lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ… gây ô nhiễm môi trường, mất an ninh, trật tự và làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị. Đồng thời, khi thiết kế đầu tư xây dựng chợ phải dành quỹ đất hợp lý, để bố trí khu vực riêng cho những người buôn bán nhỏ, người tự sản xuất hàng hóa nông sản có địa điểm bán hàng tại các chợ.
Chỉ đạo Công an các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, yêu cầu các đơn vị quản lý chợ giải quyết dứt điểm những tồn tại trong công tác đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tại các chợ để đảm bảo an toàn trong hoạt động kinh doanh, tạm ngừng hoạt động đối với các khu vực chợ không đáp ứng đủ yêu cầu, điều kiện về đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy.
Huy Trung
Theo