(Xây dựng) – UBND tỉnh Lạng Sơn vừa ban hành Quyết định số 275/QĐ-UBND về việc thành lập Đoàn kiểm tra và ban hành Kế hoạch kiểm tra các dự án đầu tư năm 2024.
Lạng Sơn thành lập Đoàn kiểm tra các dự án đầu tư năm 2024. |
Mục đích thành lập Đoàn kiểm tra là để kiểm tra các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc chấp hành quy định về quản lý dự án đầu tư theo quy định hiện hành. Nâng cao tinh thần trách nhiệm của chủ đầu tư, cơ quan quản lý Nhà nước, tổ chức tư vấn, nhà thầu thi công trong quản lý dự án đầu tư ở tất các khâu từ chủ trương đầu tư đến bàn giao, quản lý sử dụng. Kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh; tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án; phát hiện và chấn chỉnh các sai phạm trong quản lý dự án (nếu có) nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện, tiến độ giải ngân vốn và nâng cao chất lượng công trình; hạn chế thất thoát, lãng phí, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước.
Cụ thể, theo Quyết định, Đoàn kiểm tra số 1 do lãnh đạo UBND tỉnh phụ trách lĩnh vực xây dựng cơ bản làm Trưởng đoàn. Các thành viên là lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh và đại diện các Sở, ngành gồm: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn và lãnh đạo các huyện, thành phố có công trình trên địa bàn.
Đoàn kiểm tra số 2 do Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư làm Trưởng đoàn. Các thành viên là đại diện các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Y tế, Giáo dục và Đào tạo và lãnh đạo UBND các huyện, thành phố có công trình trên địa bàn.
UBND tỉnh Lạng Sơn yêu cầu Đoàn công tác kiểm tra dự án đầu tư phải tuân thủ trình tự, thủ tục kiểm tra dự án đầu tư xây dựng; thực hiện kiểm tra dự án, kiểm tra tuân thủ quy định về quản lý dự án, quản lý chất lượng công trình, công tác lựa chọn nhà thầu thực hiện, công tác lập hồ sơ thanh toán, quyết toán dự án… theo quy định hiện hành của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật.
Đối với các dự án đã được kiểm tra, việc tổ chức kiểm tra từ lần thứ hai trở lên chỉ tập trung nội dung kiểm tra về tiến độ, chất lượng, những nội dung bổ sung, phát sinh, những khó khăn, vướng mắc cần xử lý và kiểm tra việc khắc phục theo kết luận của các đoàn kiểm tra trước, kết luận của thanh tra, kiểm toán Nhà nước.
Kết quả kiểm tra phải phản ánh được tính trung thực, khách quan, có tác dụng khuyến khích đối với các chủ thể tham gia thực hiện. Quản lý tốt và chấn chỉnh đối với các chủ thể thực hiện chưa tốt.
Phượng Nguyễn
Theo