Thưa ông, ông có thể giới thiệu đôi nét về dự án mở rộng và hoàn thiện đường Láng - Hòa Lạc?
- Theo Quyết định của Bộ GTVT về việc phê duyệt đầu tư dự án thì Đường Láng - Hòa Lạc có tổng chiều dài tuyến là 29,264km qua địa giới hành chính các huyện Từ Liêm, Q.Cầu Giấy, TP Hà Nội; các huyện Hoài Đức, Quốc Oai, Thạch Thất, tỉnh Hà Tây (trước đây). Đường có điểm đầu: Km1 + 800 (nút giao Trung Hòa - giao với Đường Vành Đai 3, TP Hà Nội); Điểm cuối: Km31 + 064 (nút giao Hòa Lạc - giao với QL21A).
Đường Láng - Hòa Lạc theo quy hoạch có quy mô đường cao tốc (cấp 120), mặt cắt ngang 6 làn xe cùng với hai tuyến đường gom song hành (cấp 60). Mặt cắt ngang đại diện của tuyến đường bao gồm: Đường cao tốc, đường gom và các dải lưu không giữa đường cao tốc và đường gom. Chiều rộng nền đường tối thiểu bằng 140m. Dọc tuyến có tổng cộng trên 42 cầu lớn nhỏ.
Tổng mức đầu tư dự án hiện nay là 7.527.251.000.000 đồng (bảy ngàn năm trăm hai bảy tỷ, hai trăm năm mốt triệu đồng) được sử dụng từ hai nguồn vốn chính là vốn từ khai thác quỹ đất và vốn từ ngân sách Nhà nước.
Tại thời điểm phê duyệt đầu tư, dự án mở rộng và hoàn thiện Đường Láng - Hòa Lạc là một trong các dự án đường giao thông có quy mô lớn nhất Việt Nam.
Ông có thể cho biết lý do VINACONEX đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép được triển khai dự án mở rộng và hoàn thiện đường Láng - Hòa lạc?
- Đường Láng - Hòa Lạc có ý nghĩa chiến lược và vai trò ngày càng quan trọng với sự phát triển khu vực phía tây Thủ đô Hà Nội vì đây là con đường nằm ở vị trí đầu mối, nối đường Hồ Chí Minh qua địa bàn Thủ đô Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Trong những năm tới nó sẽ là huyết mạch nối Thủ đô Hà Nội với các trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học ở khu vực Hòa Lạc. Đây cũng là con đường đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển mở rộng Thủ đô Hà Nội về phía tây và tây nam tạo ra một Thủ đô hiện đại và văn minh.
Nhận thức được nhu cầu phát triển khu vực rộng lớn phía tây Thủ đô Hà Nội trong tương lai và vai trò của đường Láng - Hòa Lạc trong sự phát triển này, ngày 21/12/2001, TCty Vinaconex đã có Công văn số 2468 VC/ĐT gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất được đầu tư xây dựng và mở rộng đường Láng - Hòa Lạc theo hình thức sử dụng quỹ đất tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng.
TCty Vinaconex mong muốn dự án mở rộng và hoàn thiện Đường Láng - Hòa Lạc hoàn thành sẽ khơi dậy mọi tiềm năng và thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của một khu vực rộng lớn phía tây Thủ đô Hà Nội theo quy hoạch phát triển khu vực mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt.
Và cũng từ tư duy đó, TCty đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư dự án nước sạch Sông Đà - Hà Nội công suất 600.000m3/ngày đêm và có thể nâng công suất lên 1.200.000m3/ngày đêm để cấp nước cho vùng Thủ đô Hà Nội với tuyến ống chạy dọc theo tuyến đường Láng - Hòa Lạc. Hiện nay, dự án đã hoàn thành đầu tư Giai đoạn I công suất 300.000m3/ngày đêm, đang cấp nước sạch cho Thủ đô Hà Nội, giải quyết kịp thời một phần nhu cầu nước sạch cho người dân Thủ đô Hà Nội.
Trong thời gian qua, các thủ tục đầu tư dự án được triển khai như thế nào thưa ông?
- Trên cơ sở đề xuất của Vinaconex, ngày 25/12/2001, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 6304/VPCP gửi các bộ, UBND TP Hà Nội, UBND tỉnh Hà Tây và các cơ quan liên quan về chủ trương mở rộng và hoàn thiện đường Láng - Hòa Lạc.
Sau khi xem xét ý kiến của các bộ, ngành, ngày 1/3/2002, Thủ tướng Chính phủ có công văn số 224/CP-CN gửi các bộ, các cơ quan chức năng liên quan và TCty Vinaconex về việc đầu tư dự án mở rộng và hoàn thiện đường Láng - Hòa Lạc và giao cho Bộ GTVT lập dự án mở rộng và hoàn thiện đường Láng - Hòa Lạc đồng thời chọn TCty Vinaconex là đơn vị thực hiện đầu tư theo phương thức sử dụng quỹ đất tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng.
Ngày 18/6/2003, Thủ tướng Chính phủ có Công văn số 828/CP-CN về việc đầu tư dự án mở rộng và hoàn thiện đường Láng - Hòa Lạc theo hình thức sử dụng quỹ đất tạo vốn xây dựng. Giao TCty Vinaconex thực hiện đầu tư theo phương thức sử dụng quỹ đất tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng (gọi tắt là nhà đầu tư).
Ngày 11/7/2003, Bộ GTVT đã có Quyết định số 2013/QĐ-BGTVT phê duyệt dự án mở rộng và hoàn thiện đường Láng - Hòa Lạc. Theo quyết định này, chủ đầu tư dự án là Bộ GTVT, Nhà đầu tư là TCty CP Vinaconex, đơn vị lập báo cáo nghiên cứu khả thi là TCty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI).
Ngày 17/10/2003, Bộ GTVT đã có Công văn số 4741/CV-BGTVT về cơ chế triển khai dự án mở rộng và hoàn thiện đường Láng - Hòa Lạc, theo văn bản này TCty CP Vinaconex là nhà đầu tư dự án mở rộng và hoàn thiện đường Láng - Hòa Lạc là tổng thầu xây lắp dự án.
Để tận dụng năng lực tài chính, kinh nghiệm đầu tư và quản lý các KĐTM quy mô lớn tầm cỡ quốc tế, TCty đã báo cáo và đề xuất Thủ tướng cho phép TCty được hợp tác với Tập đoàn POSCO E&C của Hàn Quốc để triển khai xây dựng đường Láng - Hòa Lạc và đầu tư dự án KĐTM Bắc An Khánh nhằm tạo vốn xây dựng đường Láng - Hòa Lạc.
Ngày 24/7/2006, Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn số 1149/TTg-QHQT về chủ trương hợp tác đầu tư với các đối tác nước ngoài thực hiện dự án mở rộng đường Láng - Hòa Lạc và KĐTM Bắc An Khánh. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận về chủ trương TCty VINACONEX hợp tác với Cty POSCO E&C (Hàn Quốc) để thực hiện các dự án mở rộng và hoàn thiện đường Láng - Hòa Lạc và KĐTM Bắc An Khánh. Đối với dự án xây dựng KĐTM Bắc An Khánh, các bên lập dự án và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật hiện hành.
Ngày 11/10/2007, do thay đổi quy mô của dự án và có tính đến yếu tố trượt giá đồng thời được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã có Quyết định số 3072/QĐ-BGTVT về việc phê duyệt điều chỉnh dự án mở rộng và hoàn thiện Đường Láng - Hòa Lạc, theo quyết định này Bộ GTVT giao Liên danh giữa TCty CP VINACONEX và POSCO E&C là tổng thầu xây lắp dự án mở rộng và hoàn thiện Đường Láng - Hòa Lạc.
Để chủ động trong công tác quản lý, điều hành và sau khi xem xét năng lực thực tế của TCty Vinaconex, ngày 24/10/2007, Bộ GTVT có Quyết định số 3198/QĐ-BGTVT phê duyệt điều chỉnh dự án mở rộng và hoàn thiện đường Láng - Hòa Lạc, tại quyết định này Bộ GTVT đã hiệu chỉnh Điều 2, điểm 2.3 của Quyết định số 3072/QĐ-BGTVT từ tổng thầu xây lắp là Liên danh Tổng thầu VINACONEX-POSCO E&C thành tổng thầu xây lắp là TCty CP VINACONEX.
Ông có thể cho biết tình hình thi công Dự án đến thời điểm hiện nay như thế nào?
- Dự án mở rộng và hoàn thiện Đường Láng - Hòa Lạc được khởi công từ ngày 20/3/2005. Tuy nhiên, do dự án có quy mô lớn gồm nhiều hạng mục thi công, trải dài qua 2 tỉnh, TP là Hà Nội và Hà Tây (tại thời điểm phê duyệt dự án) nên việc GPMB dự án rất khó khăn, sự không kịp thời trong công tác thiết kế, điều chỉnh thiết kế và phê duyệt dự toán, đơn giá thi công... nên thực tế việc thi công dự án chỉ được triển khai chủ yếu từ năm 2008, 2009. Đặc biệt dự án bị gián đoạn thi công một thời gian do cơn lũ lịch sử cuối năm 2008. Đến nay, khoảng 85% khối lượng công việc của dự án đã cơ bản hoàn thành và mục tiêu đề ra là dự án kịp hoàn thành cơ bản vào đầu tháng 10/2010 để chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Có thể nói, cho đến nay, việc Thủ tướng quyết định đầu tư dự án mở rộng và hoàn thiện Đường Láng - Hòa Lạc trên cơ sở đề xuất của VINACONEX là hoàn toàn đúng đắn, có tầm chiến lược, góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ cho khu vực rộng lớn phía tây Thủ đô Hà Nội cũng như tạo sự liên kết kinh tế giữa Thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận.
Xin ông cho biết những thuận lợi của VINACONEX trong việc triển khai Dự án này?
- Thuận lợi lớn nhất của VINACONEX trong việc triển khai Dự án là VINACONEX luôn nhận được sự ủng hộ và động viên to lớn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương có liên quan ngay từ thời điểm đề xuất dự án cho đến khi triển khai đầu tư xây dựng. Sự ủng hộ này được thể hiện ở chỗ ngay từ thời điểm VINACONEX đề xuất triển khai dự án và trong quá trình triển khai dự án, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ và các bộ ban ngành đã kịp thời ban hành các văn bản phê duyệt và hướng dẫn triển khai thực hiện, tạo điều kiện thuận cho quá trình đầu tư và thi công Dự án.
Thuận lợi tiếp theo của VINACONEX là đơn vị có năng lực với trên 40 đơn vị thành viên hoạt động trong lĩnh vực xây dựng dân dụng, công nghiệp, giao thông... Trong thời gian qua VINACONEX đã tham gia xây dựng nhiều công trình hạ tầng giao thông lớn của đất nước như: Cầu Quý Cao, cầu Bãi cháy, cầu Thanh Trì, đường R10 Nam Định, đường Hồ Chí Minh, đường cao tốc Sài Gòn - Trung Lương, đường cao tốc Cầu Rẽ - Ninh Bình... Điều này đã giúp VINACONEX tự tin hơn trong việc đề xuất triển khai đầu tư và thi công dự án.
Vậy còn những khó khăn thưa ông?
- Khó khăn trước tiên mà VINACONEX gặp phải là tại thời điểm VINACONEX đề xuất dự án, các quy định liên quan đến việc triển khai đầu tư các dự án theo phương thức "sử dụng quỹ đất tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng" chưa được quy định và hướng dẫn đầy đủ dẫn đến việc triển khai của các cơ quan còn gặp nhiều khó khăn. Việc xác định vai trò của VINACONEX là nhà đầu tư, chủ đầu tư, chủ dự án hay tổng thầu xây dựng còn lúng túng. Điều này dẫn đến việc VINACONEX không thể hiện được hết vai trò cũng như triển khai ý tưởng của mình trong dự án này.
Khó khăn thứ hai mà VINACONEX gặp phải là công tác GPMB. Do dự án có quy mô lớn, diện tích chiếm đất lớn, trải dài qua hai tỉnh, TP là Hà Nội và Hà Tây (cũ) nên công tác đền bù, GPMB của dự án là rất phức tạp và khó khăn, ảnh hưởng đến người dân địa phương nơi dự án đi qua. Để thúc đẩy tiến độ triển khai công tác GPMB, Bộ GTVT giao cho VINACONEX với tư cách đại diện chủ dự án phối hợp với chính quyền các địa phương triển khai thực hiện. Trong thời gian qua, mặc dù đã có nhiều nỗ lực, và cố gắng từ phía chính quyền địa phương, chủ đầu tư và VINACONEX nhưng một số hạng mục của công tác GPMB, đến nay vẫn chưa được hoàn thành, ảnh hưởng rất lớn đến tiện độ triển khai dự án.
Khó khăn thứ ba là công tác thiết kế, điều chỉnh thiết kế, phê duyệt đơn giá, dự toán thi công các hạng mục của dự án. Trong thời gian qua, công tác thiết kế, lập dự toán và phê duyệt đơn giá chưa theo kịp tiến độ thi công của dự án. Sự không kịp thời trong công tác thiết kế, phê duyệt dự toán, điều chỉnh đơn giá đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thi công của dự án, làm TCty và các nhà thầu không chủ động được trong việc tổ chức thi công, huy động máy móc thiết bị và làm phát sinh những thiệt hại về tài chính không đáng có cho các nhà thầu.
Cuối cùng là khó khăn trong việc thu xếp vốn cho dự án. Với đề xuất triển khai dự án theo phương thức "sử dụng quỹ đất tạo vốn xây dựng hạ tầng", TCty đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) về việc xin phép lập quy hoạch chi tiết, xây dựng phương án sử dụng quỹ đất KĐT An Khánh, bắc Quốc Oai, Ngọc Liệp để tạo vốn đầu tư xây dựng trục đường Láng - Hòa Lạc. Ngoài ra, TCty cũng có văn bản gửi UBND TP Hà Nội xin giới thiệu địa điểm xây dựng KĐTM theo phương thức sử dụng quỹ đất tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, tỉnh Hà Tây (trước thời điểm sáp nhập vào TP Hà Nội) mới chỉ xác định được quỹ đất tại dự án KĐTM Bắc An Khánh để tạo vốn xây dựng Đường Láng - Hòa Lạc. Do đó, đến nay, vốn cho dự án Đường Láng - Hòa Lạc vẫn đang được các cơ quan chức năng của Chính phủ và Thủ đô Hà Nội tiếp tục thu xếp để đảm bảo tiến độ thi công dự án.
Tình hình huy động và sử dụng nguồn vốn từ quỹ đất được thực hiện như thế nào thưa ông?
- Ngày 11/7/2003, Bộ GTVT có Quyết định số 2013/QĐ-BGTVT phê duyệt đầu tư mở rộng và hoàn thiện đường Láng - Hòa Lạc theo hình thức sử dụng quỹ đất để tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng. Tại mục 1.5 về vốn đầu tư và nguồn vốn trong quyết định này nêu rõ: Nguồn vốn được huy động từ kinh phí thu được qua dự án đổi đất lấy hạ tầng do TCty Vinaconex thực hiện.
Ngày 17/12/2003, Thủ tướng Chính phủ có Công văn số 1726/CP-NN về việc triển khai dự án mở rộng và hoàn thiện Đường Láng - Hòa Lạc, theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì làm việc với UBND tỉnh Hà Tây, UBND TP Hà Nội, TCty Vinaconex lựa chọn các khu đất trong quy hoạch phát triển đô thị - khu dân cư đã được bổ sung và phê duyệt tại Quyết định số 855/QĐ-TTg ngày 27/9/2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt định hướng quy hoạch chung xây dựng tuyến đường Láng - Hòa Lạc đến năm 2020 để xác định các khu đất dự kiến dành để trả cho nhà đầu tư xây dựng dự án mở rộng và hoàn thiện đường Láng - Hòa Lạc. Ủy quyền cho UBND tỉnh Hà Tây, UBND TP Hà Nội ra quyết định thu hồi và tạm giao cho chủ đầu tư một phần diện tích đất nhất định trong các khu đất đã được xác định nêu trên để chủ đầu tư tổ chức việc đền bù, GPMB, triển khai dự án theo tiến độ.
Theo đó, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, ngày 4/2/2005 UBND tỉnh Hà Tây đã có Quyết định số 144 QĐ/UB ngày 4/2/2005 giao cho TCty VINACONEX 264,4ha tại các xã An Khánh, Lại Yên, Song Phương, Vân Canh huyện Hoài Đức để thực hiện dự án đầu tư xây dựng KĐTM Bắc An Khánh nhằm tạo vốn xây dựng đường Láng - Hòa Lạc
Ngày 16/1/2006, tại cuộc họp của liên ngành của tỉnh Hà Tây: Tài chính - TN&MT - Xây dựng - GTVT - Cục thuế và TCty Vinaconex đã lập Biên bản thống nhất kết quả xác định giá đất KĐTM Bắc An Khánh để Vinaconex tạo vốn hoàn thiện, mở rộng đường Láng - Hòa Lạc. Căn cứ đề nghị của liên ngành, ngày 21/2/2006, UBND tỉnh Hà Tây có Quyết định số 298/QĐ-UBND về việc phê duyệt giá đất KĐTM Bắc An Khánh để tạo vốn làm đường Láng - Hòa Lạc mở rộng. Theo đó: Giá đất được xác định trên toàn bộ diện tích 264,4ha của dự án; tổng số vốn tạo ra được từ đất dự án KĐTM Bắc An Khánh để làm đường và hạ tầng KĐT là: 3.392.790.000.000 đồng, trong đó vốn được tạo từ đất để đầu tư xây dựng và mở rộng đường Láng - Hòa Lạc sau khi trừ đi chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng của KĐT Bắc An Khánh và lãi suất chiết khấu là 1.472.231.000.000 đồng. Toàn bộ số tiền này đã được chuyển để làm Đường Láng - Hòa Lạc.
Vậy tâm nguyện lớn nhất của VINACONEX sau khi hoàn thành Dự án này là gì, thưa ông?
- Với những nỗ lực và cố gắng không mệt mỏi của Chính phủ, các bộ ban ngành, chính quyền địa phương và VINACONEX, đến nay, dự án mở rộng và hoàn thiện đường Láng - Hòa Lạc đã cơ bản hoàn thành. Ý nghĩa và tầm quan trọng của dự án này càng được nhân lên gấp bội khi tỉnh Hà Tây được sáp nhập vào Thủ đô Hà Nội và Hà Nội đang gấp rút chuẩn bị Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Có thể nói tại thời điểm hiện nay, dự án mở rộng và hoàn thiện đường Láng - Hòa Lạc được coi là xương sống cho sự phát triển của Thủ đô Hà Nội về phía Tây với quy hoạch Thủ đô mới đang được Chính phủ trình Quốc hội thông qua.
Tâm nguyện lớn nhất của VINACONEX sau khi hoàn thành dự án đường Láng - Hòa Lạc là mong muốn nhận được sự động viên, khích lệ của cơ quan Nhà nước, của xã hội để sẻ chia những khó khăn vất vả mà TCty đã trải qua từ khi đề xuất dự án cho đến khi triển khai thi công xây dựng, hoàn thành dự án. TCty mong muốn tiếp tục đóng góp nhiều hơn vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và đất nước thông qua những dự án hạ tầng giao thông quan trọng, ghi dấu của những người lao động VINACONEX, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì sự phát triển Thủ đô và đất nước.
Ngoài Dự án mở rộng và hoàn thiện đường Láng - Hòa Lạc, VINACONEX có đề xuất dự án giao thông nào với Chính phủ và TP Hà Nội trong thời gian tới không?.
- Bên cạnh việc triển khai dự án đường Láng - Hòa Lạc, VINACONEX đang đề xuất Chính phủ, Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội được triển khai tiếp dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến nam Hồ Tây - Ngọc Khánh - Láng Hòa Lạc - Ba Vì nối từ khu vực nam Hồ Tây đến Ba Vì (Hà Nội) (Tuyến số 5) dọc theo tuyến đường Láng - Hòa Lạc theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT) với mục tiêu là tăng năng lực vận tải hành khách của hệ thống giao thông Thủ đô, phù hợp quy hoạch phát triển giao thông đô thị của Thủ đô Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, giảm tải lưu lượng vận chuyển hành khách trong nội đô. TCty mong muốn Chính phủ, Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội cho phép TCty phối hợp với các cơ quan có liên quan triển khai lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án trình các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trong thời gian tới, góp phần vào việc phát triển mạng lưới giao thông Thủ đô trong tương lai.
Ông có thể kể tên một số công trình lớn mà VINACONEX đã thi công và hoàn thành trong 2009 và dự kiến hoàn thành trong năm 2010?
- Trong năm 2009, TCty đã hoàn thành việc xây dựng Cụm Công trình Thủy Lợi - Thủy điện Cửa Đạt tại tỉnh Thanh Hóa (Công suất 97MW), công trình Thủy điện Buôn Kuốp (công suất 280MW) tại Đắklắc, công trình Thủy Điện Buôn Tua Shar (công suất 86MW) tại tỉnh Đắc Nông. Đặc biệt, hiện nay TCty đang gấp rút triển khai các công trình trọng điểm của Thủ đô Hà Nội để chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội như: Công trình Bảo tàng Hà Nội, Trường PTTH Hà Nội Amstecdam, khách sạn Hà Nội Plaza, Nhà thi đấu trong nhà .... Dự kiến hoàn thành trước tháng 10/2010. Ngoài ra, VINACONEX và các đơn vị thành viên cũng đang triển khai hàng nghìn công trình khác trên cả nước với mong muốn góp một phần công sức vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và đất nước.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Nhật Anh (thực hiện)
Theo baoxaydung.com.vn