(Xây dựng) - Như tin đã đưa, trong 2 ngày 8 và 9/12, Hiệp hội Các nhà thầu Xây dựng Việt Nam chủ trì tổ chức Hội thi thợ giỏi ngành Xây dựng Việt Nam năm 2020.
Khác với các hội thi nghề từng được tổ chức trong ngành Xây dựng trước đây, lần đầu tiên tại Hội thi này, đề bài chính là các phần việc đang được triển khai trên công trường. Các thí sinh thi thật, làm thật, phần việc được nghiệm thu thật...
Các đại biểu thực hiện nghi lễ khai mạc Hội thi thợ giỏi ngành Xây dựng Việt Nam năm 2020. |
Lần đầu Hiệp hội tổ chức hội thi tay nghề giỏi
Ngày 8/12, tại công trường HD Mon (Hà Nội), Hiệp hội chính thức khai mạc Hội thi thợ giỏi ngành Xây dựng Việt Nam năm 2020.
Theo Ban tổ chức, hội thi thu hút gần 300 thí sinh đến từ 24 nhà thầu mạnh hàng đầu Việt Nam như: Coteccons, Delta, Newteccons… và các nhà thầu uy tín truyền thống như: Sông Đà, Vinaconex…
Thí sinh đều là những thợ giỏi, có tay nghề cao của các nhà thầu, tranh tài ở 8 nghề, gồm: Xây, trát, ốp lát, nhôm kính, lắp dựng cốt thép, điện, nước, hàn.
Lý giải về việc lần tiên Hiệp hội Các nhà thầu Xây dựng Việt Nam chủ trì hội thi thợ giỏi ngành Xây dựng, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội cho biết: Thời gian qua, cùng với sự phát triển chung của nền kinh tế đất nước, ngành Xây dựng Việt Nam không ngừng lớn mạnh, cả về số lượng và quy mô doanh nghiệp lẫn công nghệ áp dụng, chất lượng kỹ thuật, nâng suất lao động… Sản phẩm của ngành Xây dựng ngày càng to, đẹp hơn.
Để tôn vinh những người thợ đang ngày đêm góp phần làm đẹp cho đất nước thông qua các công trình xây dựng, đồng thời để động viên và thúc đẩy các doanh nghiệp tích cực đầu tư đào tạo nâng cao tay nghề công nhân, từ đó tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng các công trình xây dựng, Hiệp hội quyết tâm và nỗ lực tổ chức Hội thi.
Ông Hiệp cho biết, khá bất ngờ là ngay trong lần tổ chức đầu tiên, Hội thi nhận được sự tham gia của đông đảo các doanh nghiệp là thành viên Hiệp hội. Điều này cho thấy, Hội thi đã kích thích được sự ganh đua nhau giữa các doanh nghiệp nhà thầu về kỹ năng nghề. Các doanh nghiệp đều muốn khẳng định thương hiệu uy tín qua việc sở hữu các tay thợ giỏi, thợ lành nghề, có kỹ năng bài bản, chuyên nghiệp…
“Sự tham gia của các nhà thầu lớn là tín hiệu đáng mừng, cho thấy các doanh nghiệp ngành Xây dựng đều nhận thức rõ việc phải chú trọng nâng cao chất lượng tay nghề, nâng cao năng suất lao động bằng mọi biện pháp, để khẳng định thương hiệu của mình trong cơ chế thị trường cạnh tranh”, Ông Hiệp nhận định.
Lần đầu thi thợ giỏi tại công trường
Điểm khác biệt của Hội thi thợ giỏi ngành Xây dựng do Hiệp hội tổ chức là lần đầu tiên được tổ chức theo hình thức thi thật, làm thật và được nghiệm thu thật tại các công trường đang thi công. Đó là các công trường xây lắp cao tầng, hiện đại ở Hà Nội, gồm: Matrix One, HD Mon, The Nine Tower… Riêng nghề hàn, do đặc thù công việc, được tổ chức thi tại trường Cao đẳng nghề Việt Xô số 1, tại Xuân Hòa (Phúc Yên, Vĩnh Phúc).
Để bảo đảm công bằng, khách quan, đề thi được công bố trước để thí sinh hiểu rõ công việc và thí sinh được bốc thăm vị trí thi.
Đại diện Ban giám khảo, ông Trần Nhật Thành - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Tập đoàn Xây dựng Delta cho biết: Ban giám khảo không chỉ đánh giá sự khéo léo, sự giỏi nghề của thí sinh khi sản phẩm hoàn thiện mà chú trọng đánh giá trong suốt quá trình thi, từ trang bị bảo hộ lao động đến cách xử lý công việc, tác phong nghề nghiệp, năng suất công việc thực tế…
Điều mà Ban giám khảo quan tâm là thí sinh có tuân thủ quy trình làm việc chặt chẽ, bảo đảm an toàn và yếu tố môi trường hay không? Thí sinh có trình độ tổ chức mặt bằng tối ưu và phối hợp nhịp nhàng trong nhóm thợ như thế nào? Thí sính có thực sự hiểu vật liệu, các vật liệu phụ trợ và sử dụng vật liệu tiết kiệm, hiệu quả? Thí sinh có sử dụng thuần thục các thiết bị tiên tiến được trang bị tại công trường, để làm ra sản phẩm có chất lượng, độ chính xác cao, bảo đảm tiến độ yêu cầu? Bởi theo ông Thành, các yếu tố nói trên chính là kỹ năng cần có của người công nhân chuyên nghiệp thời hiện đại.
Ông Thành cho biết thêm, tiêu chí mà Ban giám khảo dùng để xét, chấm cho các danh hiệu Thợ giỏi, Bàn tay vàng tại cuộc thi này tương đương tiêu chuẩn, chất lượng, năng suất của thợ khu vực Đông Nam Á, châu Á.
Ban tổ chức kỳ vọng, thông qua Hội thi, các doanh nghiệp nhà thầu nhận thức tốt hơn nữa về việc đào tạo thợ tay nghề cao, chú trọng trang bị cho thợ các thiết bị phục vụ thi công hiện đại tiên tiến nhằm đạt được năng suất lao động cao nhất, chất lượng sản phẩm tốt nhất.
Đồng tình với quan điểm của Ban tổ chức, ông Phạm Minh Hà - Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Cục Giám định - Bộ Xây dựng) cho rằng: Việc nâng cao năng lực của các chủ thể tham gia vào hoạt động xây dựng, trong đó có thợ nghề đóng vai trò quan trọng và ảnh hưởng đến chất lượng công trình. Cục Giám định ủng hộ và đánh giá cao việc Hiệp hội chủ trì tổ chức Hội thi thợ giỏi, qua đó góp phần thúc đẩy việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao tay nghề thợ trong các doanh nghiệp. Cục trưởng hy vọng Hội thi sẽ tiếp tục được tổ chức thường xuyên, với quy mô nhiều nghề hơn, phạm vi rộng khắp trong cả nước.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà thầu Xây dựng Việt Nam cho biết: Với sự hưởng ứng tích cực của các doanh nghiệp, sau thành công của Hội thi lần thứ nhất, Hiệp hội sẽ rút kinh nghiệm và phát triển Hội thi tay nghề giỏi ngành Xây dựng trở thành hoạt động định kỳ, 2 năm/1 lần. Hội thi cũng nâng dần quy mô, phạm vi, tạo thành sân chơi hấp dẫn, cuốn hút cho tất cả các doanh nghiệp xây dựng trong cả nước.
Dưới đây là một số hình ảnh tại nghề thi ốp lát:
Đọc kỹ đầu bài luôn luôn cần thiết. |
Thảo luận về đề bài |
Kiểm tra hiện trường trước khi chính thức làm bài thi. |
Thước tia laser (tia màu xanh) được ứng dụng rộng rãi. |
Thợ thao tác trộn keo nhẹ nhàng với thiết bị đánh trộn keo. |
Công việc cắt đá cũng nhẹ nhàng nhờ thiết bị cắt hiện đại. |
Việc ốp lát bắt đầu. |
Toàn cảnh công trường HD Mon. |
Tâm Vũ
Theo