Thứ sáu 26/04/2024 15:54 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Lấn chiếm vỉa hè, lòng – lề đường: Chuyện không bao giờ cũ

15:24 | 10/12/2018

(Xây dựng) - Không gian công cộng đô thị bao gồm: Đường phố, vỉa hè, quảng trường, trung tâm mua sắm, bãi đậu xe, công viên… là những nơi diễn ra sự tương tác, giao tiếp giữa người với người, trong đó vỉa hè được coi là không gian mở tiếp cận miễn phí và dễ dàng nhất mỗi khi chúng ta bước chân ra khỏi nhà. Tuy nhiên, trong quá trình đô thị hóa tại các thành phố lớn đất chật người đông như Hà Nội, TP Hồ CHí Minh… thì phần không gian này lại đang bị co hẹp dần.


Lấn chiếm vỉa hè, lòng – lề đường để kinh doanh buôn bán tại những khu phố trên địa bàn Hà Nội diễn ra từ ngày này qua ngày khác mà không có bất cứ xử lý quyết liệt nào từ cơ quan chức năng.

Bệnh mãn tính

Sự quá tải về hạ tầng, thiếu sự quy hoạch, kết nối đồng bộ giữa đường giao thông với vỉa hè và các khu vực xung quanh; tình trạng lấn chiếm vỉa hè để trông giữ xe, buôn bán diễn ra thường xuyên, chưa được xử lý triệt để… đã tạo nên bộ mặt vỉa hè nhếch nhác, lộn xộn, không đáp ứng được mục đích, chức năng vốn có của nó là không gian dành cho người đi bộ, nhất là tại những tuyến phố khu vực trung tâm.

Hiện nay, việc lấn chiếm vỉa hè lòng lề đường đang là tình trạng rất phổ biến tại các đô thị lớn trong cả nước. Vỉa hè được sử dụng để đỗ xe, để các bảng hiệu, bàn ghế hàng ăn, giải khát, thậm chí là trải các mặt hàng ra để bán một cách lộn xộn với đủ muôn hình vạn trạng.

Mặc dù, từ tháng 3/2017, chiến dịch trả lại vỉa hè cho người đi bộ được triển khai cụ thể tại nhiều địa phương trên cả nước, trong đó quyết liệt nhất là TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, nhưng khi thực hiện còn nhiều bất cập, chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Và thực tế sau hơn 1 năm thực hiện, vỉa hè tại các tuyến phố trung tâm lại tiếp tục bị “tái chiếm”.

Khảo sát nhanh các tuyến phố ở Hà Nội như tuyến đường La Thành (quận Đống Đa), cả hai bên vỉa hè đều bị các hộ gia đình sử dụng làm nơi buôn bán vật liệu xây dựng, hàng ăn, hành nghề cơ khí, bán nội thất gỗ; đường Lê Đại Hành, Thái Phiên…(quận Hai Bà Trưng) kinh doanh hàng ăn, cà phê kín vỉa hè, khiến người đi bộ thường xuyên phải đi xuống lòng đường dẫn tới tình trạng lộn xộn, mất an toàn giao thông.

Đặc biệt, tại các tuyến đường khu vực phố cổ, tình trạng lấn chiếm vỉa hè càng rõ rệt hơn vào buổi tối. Hàng quán bày la liệt, kín hết vỉa hè, còn lòng lề đường được trưng dụng làm chỗ để xe cho khách.

Tương tự, ở các chợ cóc, việc lấn chiếm vỉa hè diễn ra phổ biến, thậm chí ôm trọn lòng đường khiến người dân gặp khó khi di chuyển. Cụ thể, đoạn gần ngã tư Tố Hữu – Vạn Phúc (quận Hà Đông) còn xuất hiện hàng loạt các xe chở hoa quả, người bán hàng chiếm dụng hết vỉa hè. Đường Nguyễn Xiển cũng thường xuyên xuất hiện các hàng hoa quả lớn nhỏ bán dưới lòng đường…

Điều đáng nói là việc lấy vỉa hè, lòng đường để kinh doanh buôn bán tại những khu phố trên diễn ra từ ngày này qua ngày khác mà không có bất cứ xử lý quyết liệt nào từ cơ quan chức năng. Và các chủ kinh doanh ngang nhiên bày biện, làm khu trông giữ xe ngay cả khi có biển cấm bán hàng rong, cấm kinh doanh trên vỉa hè.

Chưa kể, vào giờ cao điểm thường xảy ra ùn tắc giao thông, người đi xe máy đua nhau lao lên vỉa hè không chỉ khiến không gian lưu thông của người đi bộ bị thu hẹp lại mà còn khiến hạ tầng bị hư hại nghiêm trọng, liên tục phải sửa chữa, bảo trì…

Liên quan đến vấn đề trên, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện cho rằng, vi phạm về trật tự đô thị như lấn chiếm lòng đường, vỉa hè… ở Hà Nội đều là những tồn tại đã diễn ra trong nhiều năm nhưng việc giải quyết vẫn chưa triệt để.

Việc xử phạt vi phạm trật tự đô thị như “ném gạch xuống ao bèo”, khi lực lượng chức năng ra quân thì hết sức sạch sẽ nhưng đến khi dừng lại thì đâu lại vào đấy. Khi có lực lượng Cảnh sát, Đội tự quản đi kiểm tra thì người kinh doanh dọn hết vào trong nhưng khi vừa đi qua thì họ lại chạy ra để kinh doanh.

Hài hòa mỹ quan đô thị với kinh tế vỉa hè

Theo đại diện Hiệp hội Vận tải Hà Nội, đối với bất kỳ một đô thị văn minh nào, người đi bộ đều được dành riêng cho một phần đường trên vỉa hè.

Nhưng trên thực tế tại một vài tuyến phố nội đô, chúng ta đều nhìn thấy một thực trạng chung là người dân, khách du lịch đều phải đi xuống lòng đường và điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an toàn giao thông.

Nếu cứ để tình trạng tùy hứng, để xe lộn xộn không theo quy định, buôn bán tràn lan trên vỉa hè… sẽ làm mất đi sự ngăn nắp, quy củ của đô thị.

Trách nhiệm của các nhà quản lý các cấp chính là mấu chốt để giải bài toán chấm dứt nạn lấn chiếm vỉa hè lòng đường hiện nay ở các đô thị trong cả nước.

Dưới góc nhìn của các chuyên gia quy hoạch, vỉa hè hiện nay đã trở thành không gian văn hóa đặc sắc và trở thành những điểm du lịch thú vị. Việc gìn giữ và quản lý ở mức độ như thế nào cho phù hợp luôn là vấn đề nan giải.

Chức năng ban đầu cơ bản nhất của vỉa hè là để dành cho người đi bộ. Nhưng, nếu hiểu vỉa hè một cách đơn giản là tất cả các vỉa hè trong đô thị đều phải trống thoáng hoàn toàn, tuyệt đối không có các hoạt động khác như buôn bán, đậu xe… thì ở một chừng mực nào đó, vô hình chung đã triệt tiêu các hoạt động đô thị gắn liền với vỉa hè. Tạo ra những vỉa hè thiếu sức sống, không đáp ứng nhu cầu phong phú của đô thị, từ đó phát sinh mâu thuẫn không thể giải quyết giữa mục tiêu quản lý và thực tế đô thị.

Do đó, cần phải nhìn nhận những tính chất khách quan của vỉa hè trong cuộc sống đô thị. Bên cạnh chức năng chính là không gian đi bộ, vỉa hè còn là không gian của cây xanh, thảm cỏ, là nơi lắp đặt các thiết bị đường phố: Đèn chiếu sáng, thùng rác, biển báo…; là một phần nơi chốn sinh hoạt đô thị và hoạt động kinh tế vỉa hè… 

Thực trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng, đường sẽ là “chuyện không bao giờ cũ” nếu chúng ta không giải quyết được những vấn đề nội tại giữa nhu cầu mưu sinh, không gian vỉa hè và việc thực thi pháp luật…

Linh Đan

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load