Thứ năm 25/04/2024 18:22 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Làm gì để ngăn cá tra “bơi ngược” dòng?

10:51 | 25/08/2020

(Xây dựng) – Nghề nuôi cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long đã hơn 60 năm, còn nghề chế biến cá tra xuất khẩu đã hơn 25 năm. Cá tra Việt Nam có mặt trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ thế giới, với tổng kim ngạch xuất khẩu trên dưới 2 tỷ USD. Thế nhưng hiện nay đang diễn ra nghịch lý là cả người nuôi và doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra đang đối mặt với nhiều khó khăn. Người nuôi thua lỗ không tiền trả nợ ngân hàng, không khả năng nuôi tiếp phải treo ao, doanh nghiệp thua lỗ phá sản lâm vào vòng lao lý.

lam gi de ngan ca tra boi nguoc dong
Thu hoạch cá tra.

Xuất khẩu liên tục sụt giảm

Theo Tổng cục Thủy sản, các tháng đầu năm 2020, hoạt động sản xuất, chế biến, xuất khẩu cá tra có xu hướng giảm sút do tác động kép của đại dịch Covid-19 và xâm nhập mặn kéo dài. Trong khi đó, sản lượng cá tra năm 2019 đạt mức 1,42 triệu tấn dẫn đến nguồn cung dư thừa, tiêu thụ sản phẩm khó khăn. Sự phụ thuộc vào xuất khẩu đã khiến ngành hàng gặp nhiều khó khăn khi các đơn hàng bị đối tác hủy hoặc hoãn giao hàng do lệnh giãn cách xã hội ở hầu hết các quốc gia nhập khẩu.

Ngành Thủy sản liên tiếp gặp hàng loạt các khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến nhu cầu tiêu thụ thủy sản tại các thị trường giảm mạnh. Tình hình hạn hán, xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến nuôi trồng thủy sản. Ủy ban châu Âu tiếp tục giữ cảnh báo “thẻ vàng” đối với thủy sản khai thác của Việt Nam. Cá tra là mặt hàng thủy sản chịu tác động lớn nhất do dịch Covid-19 với sản lượng sụt giảm, chỉ đạt 578,3 nghìn tấn, bằng 86,5% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 36% so với kế hoạch năm 2020. Không chỉ giảm sản lượng, gặp khó khăn từ các thị trường xuất khẩu do dịch Covid-19 khiến giá cá tra nguyên liệu lại Đồng bằng sông Cửu Long liên tục giảm, đứng ở mức thấp, dao động trong khoảng 18.000 - 19.000 đồng/kg đối với loại 700-800 gram/con, trong khi giá thành sản xuất từ 21.000 - 22.000 đồng/kg, giảm 40% so với cùng thời điểm năm 2019.

Theo báo cáo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong 6 tháng đầu năm 2020, của cả nước ước đạt trên 3,5 tỷ USD, giảm 10,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, giảm sâu nhất là mặt hàng cá tra giảm 31,5%, cá ngừ và mực bạch tuộc đều giảm 20,5%, nhuyễn thể giảm 18,4% các loại cá biển khác giảm nhẹ 2%. Trong khi đó, hai mặt hàng tôm, các sản phẩm cua ghẹ và giáp xác vẫn có mức tăng trưởng dương. Trong đó, trong 6 tháng đầu năm xuất khẩu sản phẩm tôm tăng khiêm tốn đạt trên 1,478 tỷ USD tăng 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cá tra là ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn thứ 2 trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Do ảnh hưởng từ dịch Covid-19 đã làm cho kim ngạch xuất khẩu ngành này sụt giảm đáng kể. Tính đến ngày 15/7/2020, tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam đạt 723 triệu USD, giảm 30,7% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, thị trường giảm mạnh nhất là châu Âu giảm 35,8%; tiếp đến là Mỹ, giảm 24,3% và Trung Quốc (chiếm tỷ trọng xuất khẩu lớn nhất) giảm 19,8% . Những khó khăn về đầu ra trên thị trường quốc tế do chuỗi cung ứng toàn cầu bị lệnh phong tỏa dịch bệnh từ các nước trên thế giới và giá cá tra xuất khẩu giảm…

Không chỉ riêng năm nay do dịch Covid-19 xuất khẩu cá tra bị sụt giảm mà mấy năm gần đây tình hình xuất khẩu cá tra đối mặt với nhiều thách thức như rào cản kỹ thuật, thuế suất... Năm 2019 kim ngạch xuất khẩu cá tra gần 2 tỷ USD, giảm 11,7% so với năm 2018. Sản lượng cá tra tăng từ năm 2018 và đầu năm 2019 dẫn đến dư thừa nguồn cung, một số hộ nuôi tôm gặp khó chuyển sang nuôi cá tra, dẫn đến giá cá nguyên liệu và giá xuất khẩu giảm trong thời gian gần đây. Xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ sụt giảm mạnh 49% còn 282 triệu USD, do lượng tồn kho tại thị trường cao, nhu cầu nhập khẩu giảm, giá xuất khẩu trung bình bị ép xuống mức thấp hơn 30-35% so với năm ngoái. Năm 2019, Mỹ chỉ còn chiếm 14% giá trị cá tra xuất khẩu của Việt Nam, tụt xa so với vị thế số 1 của Trung Quốc (chiếm trên 32%). Hơn nữa thuế CBPG giai đoạn POR14 ở mức cao khiến cho các doanh nghiệp khó thâm nhập thị trường.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thủy sản (tính đến hết tháng 6/2020, diện tích thả nuôi cá tra của cả nước ước đạt 4.530ha, bằng 95,7% so với cùng kỳ 2019). Diện tích thu hoạch là 1.536ha, bằng 78% so với cùng kỳ 2019. Sản lượng đến hết tháng 6, chỉ đạt hơn 583 ngàn tấn, 86,5% so cùng kỳ nhưng chỉ đạt 30% kế hoạch năm 2020. Dự kiến năm 2020, toàn vùng Đồng băng sông Cửu Long thả nuôi khoảng 6.600ha cá tra, với sản lượng ước khoảng 1,42 triệu tấn. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay giá cá tra thương phẩm dao động ở mức từ 19.000 đồng/kg trở xuống, thấp hơn chi phí giá thành nhiều. Nguyên nhân khiến cá tra sụt giảm là do diện tích thả nuôi tăng nhanh, trong khi đầu ra gặp khó khăn bởi ảnh hưởng dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở nhiều nước trên thế giới. Với tình hình khó khăn như hiện nay, năm 2020 sẽ khó đạt được kế hoạch nuôi 6.600ha cá tra.

lam gi de ngan ca tra boi nguoc dong
Thu mua cá tra xuất khẩu.

“Giá cá tra nguyên liệu đã sụt giảm từ giữa năm 2019 kéo dài đến tận hôm nay khiến người nuôi lỗ; vì vậy có rất nhiều hộ đã “treo ao” bởi không còn khả năng cầm cự. Điều đáng lo không kém là tình hình dịch Covid-19 ở nhiều nước còn phức tạp nên việc xuất khẩu ì ạch. Thế là nhiều doanh nghiệp chế biến đang “ôm” lượng lớn cá tra tồn kho mà chưa thể xuất được”, ông Dương Nghĩa Quốc - Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam chia sẻ.

Một số ngành Thủy sản tiếp tục tăng trưởng còn ngành Cá tra đang “bơi ngược” liên tục sụt giảm mạnh trong những năm gần đây. Các chuyên gia kinh tế cho rằng xuất khẩu cá tra đã qua rồi thời hoàng kim. Đó là những năm (1997-1998), giá cá tra xuất khẩu bình quân thời điểm này lên đến 4,93 USD/kg. Một trong những nguyên nhân chính là sau những năm vàng son, cá tra đã đem lại lợi nhuận bạc tỷ cho cả người nuôi và doanh nghiệp xuất khẩu, nhà nhà đua nhau đào ao nuôi cá tra. Doanh nghiệp đua nhau đầu tư xây dựng nhà máy chế biến cá tra xuất khẩu. Kết quả sự phát triển tự phát, không có quy hoạch, dẫn đến dư thừa nguồn cá nguyên liệu, các doanh nghiệp tranh nhau hạ thấp giá bán cá làm cho ngành Cá tra thiệt hại nặng nề.

Tìm giải pháp cho cá tra phát triển bền vững

Ông Nguyễn Ngọc Hải - Thới An, quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ đã có hàng chục năm gắn bó với nghề nuôi cá tra, trăn trở: “Hiện nay, người nuôi và doanh nghiệp cùng đi trên một thuyền, đang gặp sóng to gió lớn. Nếu không hợp tác ra sức chống chèo để vượt qua bão táp mà để cảnh nông dân và doanh nghiệp đối đầu đang diễn ra như hiện nay chẳng khác nào như hai con hổ gầm gừ nhau trên chiếc thuyền, thì chắc chắn chiếc thuyền sẽ nhanh chóng bị chìm”.

Tổng Giám đốc một doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra hàng đầu của Đồng bằng sông Cửu Long, cũng cho rằng: Để cứu con cá tra thoát khỏi nguy cơ như hiện nay, không gì khác hơn là phải quy hoạch cả diện tích nuôi trồng và doanh nghiệp xuất khẩu. Việc phát triển cá tra nuôi cá tự phát như thời gian qua làm cho nguồn cá tra nguyên liệu không ổn định, lúc thừa, lúc thiếu. Việc quá nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá tra dẫn đến phá giá nhau làm thiệt hại nặng nề cho ngành Cá tra. Nghĩ rằng, phải sớm sắp xếp lại doanh nghiệp xuất khẩu cá tra. Doanh nghiệp nào có đủ điều kiện, năng lực (tài chính, nhà máy chế biến, vùng nuôi) như điều kiện doanh nghiệp xuất khẩu gạo hiện nay thì mới được phép xuất khẩu cá tra. Có như vậy, tình trạng bán phá giá chấm dứt, thị trường ổn định, giá cá tra xuất khẩu sẽ được cao hơn, ngành Cá tra có cơ hội phát triển hơn.

Ông Doãn Tới - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Nam Việt, bộc bạch: “Ngành Cá tra đang trong giai đoạn khó từ trong nước lẫn xuất khẩu, nhưng Nam Việt vẫn nỗ lực duy trì sản xuất nhằm giải quyết việc làm cho hàng ngàn công nhân, không để ai nghỉ việc. Tuy nhiên, nếu thị trường xuất khẩu còn ảm đạm kéo dài thì nhiều doanh nghiệp sẽ đuối sức”.

Mặc dù đang đối đầu với nhiều thách thức như dịch bệnh, thị trường xuất khẩu cá tra nhưng doanh nghiệp xuất khẩu cá tra vẫn lạc quan. Ông Lê Thanh Thuấn - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Sao Mai (An Giang), Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Đa quốc gia (I.D.I), cho biết: “Tình hình dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn tới tình hình phát triển kinh tế, các doanh nghiệp đang cố gắng giữ vững hoạt động. Con cá tra ảnh hưởng rất lớn và nặng nề. Do năm 2017, lợi nhuận cá tra quá cao đến 50%, nông dân bùng nổ mở rộng vùng nuôi nên sau đó bị khủng hoảng thừa rất nguy hiểm như bây giờ. Khi khủng hoảng thừa rồi sẽ đến khủng hoảng thiếu, sẽ thiếu nguyên liệu”. Ông Lê Thanh Thuấn cho biết, để góp phần giải quyết lượng cá tra đang tồn đọng trong ao của người dân và để chuẩn bị nguồn hàng cho xuất khẩu cá tra trong tương lai, Tập đoàn Sao Mai đã và đang triển khai kế hoạch đầu tư xây dựng kho dự trữ hơn 10 ngàn tấn cá tra...

lam gi de ngan ca tra boi nguoc dong
Chế biến cá tra xuất khẩu.

Các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đang kỳ vọng về Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã chính thức được thực thi từ ngày 1/8, các chuyên gia trong ngành Thủy sản nhận định sẽ là cú hích lớn cho ngành Thủy sản, bởi đây là một hiệp định thế hệ mới mang tính toàn diện, đặc biệt về ưu đãi thuế quan. Bởi thị trường EU chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra là thị trường đứng thứ 4 về tiêu thụ sản phẩm cá tra Việt Nam, với hơn 235 triệu USD (năm 2019). Khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực sẽ có gần 50% số dòng thuế đang có thuế suất cơ sở 0-22%, trong đó phần lớn thuế cao từ 6-22%, sẽ được giảm về 0% (khoảng 840 dòng thuế). Khoảng 50% số dòng thuế còn lại có thuế suất cơ sở 5,5-26% sẽ được về về 0% sau từ 3 đến 7 năm. Đối với sản phẩm cá tra lộ trình giảm thuế 3 năm, riêng cá hun khói lộ trình 7 năm.

Song song với thị trường xuất khẩu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương cùng với các hiệp hội ngành hàng đã và đang tích cực phối hợp tạo điều kiện kết trong kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp siêu thị, hệ thống phân phối trong nước để sản xuất, phân phối tiêu thụ mặt hàng cá tra tại thị trường nội địa, để ngành cá tra không bị lệ thuộc và chịu áp lực vào các thị trường xuất khẩu, để nhằm “giải cứu” tình trạng tồn đọng cá tra cá tra hiện nay.

Cá tra vùng Đồng bằng sông Cửu Long tập trung 5 tỉnh thành có diện tích nuôi cá tra từ lâu nay vẫn là Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Bến Tre và Vĩnh Long. Các tỉnh, thành vùng nuôi cá tra Đồng bằng sông Cửu Long trong mấy năm gần đây đã và đang có nhiều động thái tích cực để phát triển cá tra bền vững. UBND các tỉnh thành vùng nuôi cá tra Đồng bằng sông Cửu Long rà soát lại diện tích nuôi trồng cá tra; đồng thời khuyến cáo người nuôi chỉ nuôi khi đã có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, khuyến khích người nuôi và doanh nghiệp thiết lập cơ chế chia sẻ lợi nhuận, chia sẻ rủi ro, hỗ trợ nhau trong sản xuất kinh doanh. Khuyến khích liên doanh liên kết giữa các hộ nuôi nhỏ lẻ để hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất, tăng cường sự gắn kết giữa người nuôi với các doanh nghiệp chế biến, doanh nghiệp sản xuất thức ăn và thuốc, giảm đầu mối trung gian để hạ giá thành sản phẩm.

Đồng Tháp là tỉnh dẫn đầu về diện tích nuôi trồng và sản lượng cá tra (năm 2019 nuôi trên dưới 2.500ha, sản lượng hơn 500 ngàn tấn/năm) đã có nhiều giải pháp tốt cho ngành Cá tra. Từ năm 2015, UBND tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch chi tiết vùng nuôi, chế biến cá tra tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020 tầm nhìn 2030. Năm 2016, ngành Nông nghiệp tỉnh tiếp tục phát triển sản xuất thủy sản theo hướng ổn định, bền vững, trên cơ sở đầu tư một cách có hiệu quả các vùng sản xuất thủy sản tập trung; phát triển sản xuất giống, nuôi, tiêu thụ sản phẩm thủy sản gắn liền với việc đảm bảo thực hiện các quy định của pháp luật hiện hành về điều kiện tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; chú trọng việc ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật tiên tiến để giảm giá thành, nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm thủy sản, bảo vệ môi trường và an toàn bệnh dịch trên thủy sản nuôi.

Đến nay, tỉnh Đồng Tháp đã cấp mã số nhận diện vùng nuôi với gần 100% diện tích nuôi cá tra thương phẩm; trong đó, 60% diện tích thả nuôi cá tra đạt chuẩn quốc tế. Việc quy định cụ thể cấp mã số nhận diện giúp xác định vị trí, tọa độ vùng nuôi này chuyển sang xác định vị trí, tọa độ từng ao nuôi khác, từ đó giúp công tác quản lý được tốt hơn. Việc quy định về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm đối với sản phẩm cá tra chế biến tạo điều kiện thuận lợi đối với doanh nghiệp trong việc xuất khẩu. Các tổ chức, cá nhân nuôi, chế biến, xuất khẩu sản phẩm cá tra phải thực hiện lưu trữ hồ sơ truy xuất nguồn gốc với thời gian 24 tháng kể từ ngày thu hoạch hoặc xuất bán, giúp dễ dàng hơn trong việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Cá tra Đồng Tháp được khách hàng nước ngoài ưa chuộng, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu thị trường khó tính như: Mỹ, châu Âu…

Năm nay, UBND tỉnh Đồng Tháp đã gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị hỗ trợ đầu tư dự án liên kết sản xuất cá tra giống chất lượng cao giữa hai tỉnh Đồng Tháp và An Giang. Mục tiêu của dự án là nhằm hình thành vùng trọng điểm sản xuất cá tra giống ứng dụng đồng bộ khoa học công nghệ mới nhằm tạo ra nguồn con giống chất lượng cao cung cấp cho các vùng nuôi thương phẩm phục vụ chế biến xuất khẩu.

An Giang một trong những tỉnh dẫn đầu cá tra vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong những năm qua tích cực tìm các giải pháp để phát triển cá tra bền vững. Mới đây, trong buổi làm việc với đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến làm Trưởng đoàn đã làm việc với UBND tỉnh An Giang bàn giải pháp kết nối sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cá tra ra thị trường miền Bắc và xuất khẩu sang thị trường Nga. Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho biết, để ngành hàng cá tra của tỉnh phát triển mang tính ổn định và bền vững, tỉnh đang tiếp tục chú trọng ưu tiên hoạch định ngành hàng này theo hướng tiếp tục hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật thông qua Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Bình Phú (Châu Phú) với diện tích khoảng 1.000ha để khép kín quy trình sản xuất. Từ năm 2018, UBND tỉnh An Giang đã phê duyệt vùng nuôi thủy sản tập trung tham gia theo Quyết định số 2353 phê duyệt “Đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng Đồng bằng sông Cửu Long” đến năm 2020 và định hướng đến 2030 trên địa bàn tỉnh An Giang.

Cuối năm 2018, khu sản xuất cá tra giống công nghệ cao của Tập đoàn Việt - Úc đã chính thức được khánh thành và đi vào hoạt động với diện tích 100ha, công suất mong muốn 1 tỷ con giống/năm tại cồn Vĩnh Hòa (ấp Vĩnh Bường, xã Vĩnh Hòa, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang). Với việc đầu tư khu sản xuất giống công nghệ cao cùng sự làm việc miệt mài của các chuyên gia trong nước và quốc tế, bước đầu Tập đoàn đã chọn lọc được đàn cá bố mẹ thế hệ G1 với các tính trạng vượt trội: nguồn cá hoàn toàn sạch bệnh; tỷ lệ tăng trưởng nhanh… Các sản phẩm cá tra giống của Tập đoàn có sức sống và tăng trưởng tốt, qua đó cải thiện được năng suất và chất lượng cá tra thành phẩm. Không chỉ sản xuất cá tra bố mẹ giống, cá tra giống, Tập đoàn Việt - Úc còn đang đẩy mạnh đầu tư xây dựng thêm cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất thương mại cá tra giống. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn An Giang thực hiện thành công mô hình sản xuất giống cá tra 3 cấp được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đánh giá cao, đã góp phần nâng cao chất lượng cá tra thương phẩm, đáp ứng tốt cho thị trường xuất khẩu cá tra...

Với những nỗ lực chính quyền, doanh nghiệp và nông dân tích cực đang tìm các giải pháp phát triển cá tra bền vững, cùng những hiệp định thương mại tự do đang hiệu lực, kỳ vọng sẽ tiếp sức cho ngành cá tra thêm sức mạnh vượt qua được những thách thức khó khăn, tăng trưởng trở lại như một thời vàng son.

Huỳnh Biển

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load