(Xây dựng) - Sau hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu đạt nhiều thành tựu, diện mạo nông thôn khang trang, hiện đại hơn; đời sống người dân được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người/năm đạt trên 46 triệu đồng/người/năm. Đặc biệt, huyện Tam Đường hướng tới xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển du lịch cộng đồng và đẩy mạnh sản xuất.
Đường lên Sì Thâu Chải được bê tông hóa kiên cố, khang trang. |
Xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển du lịch cộng đồng
Là “cửa ngõ” của tỉnh Lai Châu, với thiên nhiên hùng vĩ, cảnh quan đẹp và đa dạng sắc màu văn hóa, huyện Tam Đường có nhiều tiềm năng và phát triển mạnh du lịch, trong đó có du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới. Điển hình như bản Sì Thâu Chải (xã Hồ Thầu) đã hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, trở thành bản du lịch cộng đồng của xã. Chính quyền các cấp dành nhiều nguồn lực để đầu tư xây dựng đường nội bản, hàng rào đá, nhà văn hóa bản, đầu tư trồng cây ăn quả, cây cảnh tạo cảnh quan; tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện tốt phong trào xây dựng môi trường nông thôn xanh - sạch - đẹp; khôi phục lại các nghề thủ công truyền thống… để phát triển du lịch cộng đồng, nâng cao đời sống, thu nhập của người dân.
Anh Lý A Gôn, Bí thư Chi bộ bản Sì Thâu Chải cho biết: Thực hiện chủ trương xây dựng bản thành điểm du lịch, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, người dân trong bản đã vận động nhau hiến hàng nghìn mét đất, góp trên 500 ngày công để hoàn thành tuyến đường liên bản; đóng góp 100 ngày công phát quang đường đi, khảo sát chinh phục đỉnh núi Putaleng; hơn 3.000 ngày công mở đường ngắm đỉnh thác Tắc Tình; 200 ngày công xếp bờ kè đá; 200 ngày công phát dọn điểm bay dù lượn; xây dựng trên 2km hàng rào đá, trồng hơn 1.000 gốc địa lan… Những năm gần đây, người dân trong bản tập trung xây dựng, chỉnh trang nhà cửa, xây dựng nhà vệ sinh tự hoại, đảm bảo vệ sinh theo tiêu chuẩn… để đón du khách.
Ý thức việc giữ gìn bản sắc văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới và phát triển du lịch, Bí thư Gôn cho biết: Người dân giữ gìn văn hóa mặc qua trang phục truyền thống của người Dao đầu bằng, đồng thời giữ phong tục thờ cúng, giữ gìn các lễ hội như Tủ Cải, Nhẩy lửa... Bà con trong bản giúp nhau phát triển kinh tế, cùng làm du lịch cộng đồng, phát triển trồng trọt như trồng lan, lê, hồng, sơn tra, thảo quả... Nhờ đó, đời sống của người dân ngày càng được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người tăng…
Du khách nước ngoài dự một đám cưới tại bản Sì Thâu Chải. |
Sì Thâu Chải là một trong những bản làng thực hiện tốt xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển du lịch của huyện Tam Đường. Chủ trương của huyện Tam Đường là đẩy mạnh phát triển du lịch gắn với bản tồn các giá trị văn hóa dân tộc. Ngoài hỗ trợ xây dựng các homestay, chỉ đạo hướng dẫn, đôn đốc các điểm du lịch cộng đồng thực hiện tốt vệ sinh môi trường, chỉnh trang làng bản, đào tạo tập huấn nguồn nhân lực du lịch; những năm gần đây, huyện quản lý, khai thác hiệu quả loại hình du lịch khám phá tại các đỉnh: PuTaLeng, Tả Liên Sơn, Chu Va12; tăng cường quản lý, khai thác loại hình du lịch thể thao mạo hiểm dù lượn; tổ chức thành công Giải leo núi Putaleng huyện Tam Đường mở rộng lần thứ I năm 2024 “Chinh phục đỉnh Đỗ Quyên”; xác lập kỷ lục “Huyện có rừng hoa Đỗ Quyên cổ thụ tập trung trên núi PuTaLeng (độ cao 2.619m) với diện tích lớn nhất”… Nhờ đó, tổng lượng khách du lịch năm 2024 ước đạt 500.000 lượt khách (khách trong nước đạt 490.000 lượt; khách nước ngoài đạt 10.000 lượt), đạt 100% so với kế hoạch, tăng 17% so với năm 2023. Doanh thu từ du lịch đạt 186,4 tỷ đồng, đạt 100% so với kế hoạch, tăng 18% so với năm 2023.
Xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển sản xuất
Hiện nay, xã Bình Lư, huyện Tam Đường đang tập trung nâng cao chất lượng các tiêu chí hướng tới xây dựng nông thôn mới nâng cao, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. UBND huyện đã phê duyệt Đồ án quy hoạch chung xây dựng xã Bình Lư đến năm 2030; ban hành quy định quản lý quy hoạch chung xây dựng xã và tổ chức thực hiện theo quy hoạch. Đồng thời, chú trọng phát triển hạ tầng kinh tế, xã hội, cơ bản đồng bộ, hiện đại.
Miến dong là nghề truyền thống ở xã Bình Lư. |
Ngoài tập trung phát triển đồng bộ hạ tầng, xã còn tuyên truyền bà con chủ động chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, thâm canh tăng vụ, khai thác triệt để quỹ đất đưa vào sản xuất, đồng thời chủ động tìm kiếm, thu hút các nguồn vốn, lồng ghép các chương trình, dự án để đầu tư, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, chăn nuôi theo hướng tập trung. Bà con trong xã đang nhân rộng nhiều mô hình theo chuỗi liên kết giá trị sản xuất theo hướng hàng hóa như: Lúa chất lượng cao, dong riềng, bí xanh, rau VietGAP. Xã liên kết chặt chẽ với các công ty, doanh nghiệp đưa lao động địa phương đi đào tạo ngắn hạn và làm việc tại các tỉnh, thành trong nước, góp phần tăng thu nhập cho người dân.
Bà Nguyễn Thị Hà (bản Thống Nhất) cho biết: Mấy chục năm gắn bó với nghề truyền thống được truyền từ đời cha ông là sản xuất, chế biến miến dong, giúp gia đình gia tăng được thu nhập và nâng cao đời sống. Từ sản xuất thủ công, đến nay có sự hỗ trợ của máy móc, gia đình tôi xây dựng khu chế biến miến dong có bể chứa nước, chất thải, tránh ô nhiễm. Mỗi năm, sản xuất miến dong giúp gia đình thu lãi trên 100 triệu đồng.
Về Bình Lư hôm nay, diện mạo nông thôn mới khang trang, sạch đẹp, văn minh, hiện đại; cơ sở hạ tầng thiết yếu được xây dựng kiên cố. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 14,85%. Xã phấn đấu cuối năm 2024 mức thu nhập bình quân đạt 45 triệu đồng/người/năm.
Phấn đấu huyện nông thôn mới đạt 9/9 tiêu chí
Cuộc sống người dân bản Sì Thâu Chải hay xã Bình Lư có nhiều thay đổi từ khi có chương trình xây dựng nông thôn mới. Phát triển du lịch cộng đồng, phát triển sản xuất kinh doanh sản phẩm làng nghề truyền thống giúp người dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, tăng thu nhập. Hạ tầng kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn được đầu tư đồng bộ, kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng tăng dần giá trị, nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất, nhất là các sản phẩm thế mạnh của huyện, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Phát triển giao thông nông thôn được xác định là khâu đột phá, người dân đồng thuận và tự nguyện đóng góp ngày công lao động, hiến đất làm đường. Hiện 119,147/123,327km đường xã được nhựa hóa, bê tông hóa, đạt 97%; 36,743/36,943km đường thôn, bản và đường liên thôn, bản được cứng hóa, đạt 99%; 73,958/83,496km đường ngõ, xóm được cứng hóa, đạt 89%; 165,744/255,105km đường trục chính nội đồng được cứng hóa, đạt 65%. Lập kế hoạch sửa chữa công trình thủy lợi bị hư hỏng, đảm bảo nước tưới cho sản xuất. Đến nay, toàn huyện hiện có 160 công trình với 435,5km kênh mương thủy lợi (kênh kiên cố 272,8km, kênh đất 162,7km), phục vụ tưới tiêu cho 648,9ha lúa vụ chiêm, 3.676,65ha lúa vụ mùa, 584,6ha hoa màu và 111,68ha thủy sản. Tập trung huy động các nguồn vốn để đầu tư hạ tầng lưới điện tới các xã và điểm dân cư.
Thực hiện tốt lồng ghép các nguồn vốn đầu tư trên địa bàn huyện để thực hiện chương trình nông thôn mới. Năm 2024 hỗ trợ xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao cho nhà văn hóa bản trên địa bàn 8 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới. Thực hiện phong trào điện sáng nông thôn 126 bản, xây dựng 73 bản có môi trường xanh, sạch, đẹp.
Những năm qua, chính quyền các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền, quán triệt, triển khai các văn bản của Trung ương, của tỉnh và huyện về xây dựng nông thôn mới đến toàn thể cán bộ, Đảng viên và nhân dân; Huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị tham gia xây dựng nông thôn mới; Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý, chỉ đạo điều hành; Phát huy vai trò, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, phát huy tính chủ động, năng động, linh hoạt, sáng tạo trong tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ.
Theo ông Phong Vĩnh Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Đường, năm 2025, huyện phấn đấu huyện nông thôn mới đạt 9/9 tiêu chí; Số xã đạt chuẩn nông thôn mới 12/12 xã (công nhận thêm 03 xã: Nà Tăm, Giang Ma, Tả Lèng); Số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao 02/12 xã (xã Bản Bo và xã Sơn Bình); số bản đạt chuẩn nông thôn mới 20 bản (công nhận thêm 10 bản); Phấn đấu thu nhập bình quân đầu người đạt trên 50 triệu đồng/năm, giảm 5% tỷ lệ hộ nghèo.
Xác định quy hoạch là khâu quan trọng để xây dựng nông thôn mới, huyện Tam Đường đã tập trung hoàn thiện: Quy hoạch vùng huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu đến năm 2040 được Sở Xây dựng thẩm định, được Ban Cán sự Đảng tỉnh Lai Châu thông qua; Hiện có 12/12 xã đã phê duyệt đồ án quy hoạch chung xây dựng xã, được công khai đúng thời hạn; Xã Bản Bo (xã nông thôn mới nâng cao) đã có Quyết định phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn, tỷ lệ 1/500.
Hữu Trung
Theo