Thứ ba 10/12/2024 00:47 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Kỷ niệm 80 năm ngày thành lập chiến khu du kích Ngọc Trạo: “Ngọn lửa hang Treo” – Vang mãi bản hùng ca cách mạng

17:15 | 18/09/2021

(Xây dựng) – Đêm 19/9/1941, cách đây vừa tròn 80 năm, tại hang Treo, xã Ngọc Trạo, huyện Thạch Thành (Thanh Hóa), đội du kích Ngọc Trạo, tiền thân của lực lượng vũ trang Thanh Hóa, gồm 21 đội viên đã được thành lập. Mặc dù chỉ ra đời và hoạt động trong một thời gian ngắn, nhưng đội du kích chiến khu Ngọc Trạo đã ghi dấu chặng đường mới của phong trào cách mạng xứ Thanh, góp phần thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh cách mạng, cùng cả nước làm nên cuộc khởi nghĩa ngày 19/8/1945 giành chính quyền về tay nhân dân.

ky niem 80 nam ngay thanh lap chien khu du kich ngoc trao ngon lua hang treo vang mai ban hung ca cach mang
Di tích lịch sử cấp quốc gia chiến khu Ngọc Trạo.

Sau Hội nghị đại biểu Đảng bộ tỉnh tại làng Phong Cốc (Thiệu Hóa), đầu tháng 6 năm 1941, nhận thấy điều kiện đã chín mùi, Tỉnh ủy Thanh Hóa quyết định chọn Ngọc Trạo làm địa điểm xây dựng chiến khu cách mạng của tỉnh, nối liền các căn cứ cách mạng trong tỉnh và với tỉnh Ninh Bình. Trước đó, vào năm 1940, khi Đảng bộ Thanh Hóa bắt đầu liên lạc được với Xứ ủy Bắc Kỳ, Trung Kỳ, phong trào Phản đế cứu quốc tại Thạch Thành đã phát triển mạnh mẽ, rộng khắp.

Ngày 10/7/1941, chuẩn bị thành lập lực lượng vũ trang cho chiến khu Ngọc Trạo, 11 đội viên du kích các nơi trong tỉnh đã được điều về Ngọc Trạo để sẵn sàng cho Ban lãnh đạo chiến khu và cơ quan ấn loát về làm việc. Chỉ sau một thời gian ngắn khi chiến khu hình thành, nhiều làng mạc trong vùng đều có các Đội tự vệ cứu quốc hoạt động. “Đánh hơi” thấy sự xuất hiện của phong trào cách mạng tại đây, quan tri huyện Thạch Thành Sầm Văn Kim và đồn trưởng Bỉm Sơn người Pháp đã phái lính đến tuần tra và cho người do thám.

Để giữ bí mật, đánh lạc hướng kẻ thù, bảo vệ an toàn cho chiến khu, Ban lãnh đạo quyết định bí mật tạm dời lực lượng về hang Treo, cách Ngọc Trạo 12km về phía Tây Bắc. Sau khi về địa điểm mới, đêm 19/9/1941, tại hang Treo, trong ánh lửa đuốc bập bùng, dưới lá cờ Đảng, đội du kích Ngọc Trạo, do đồng chí Đặng Châu Tuệ làm đội trưởng gồm 24 chiến sỹ, được phiên chế thành 3 tiểu đội đã chính thức được thành lập.

Từ sau ngày thành lập, mặc dù khó khăn, thiếu thốn, nhưng đội du kích Ngọc Trạo vẫn hăng say luyện tập và mở rộng hoạt động, tạo tiếng vang và sự động viên lớn đối với phong trào cách mạng trong và ngoài tỉnh. Các cơ sở cách mạng trong và ngoài tỉnh như Hà Nam Ninh, Nghệ Tĩnh, Thái Bình… đã tuyển chọn, tập hợp các thanh niên nhiệt tình cách mạng tăng cường cho Ngọc Trạo. Chỉ trong một tuần, số lượng du kích quân Ngọc Trạo đã có tới 40 đội viên. Sau đó, Ban lãnh đạo chiến khu quyết định rời hang Treo, chuyển quân về đồi Ma Mầu, cách 7,8km về phía Tây Bắc để thuận tiện hơn cho việc hoạt động và phòng thủ.

Nhận thấy nguy cơ từ Ngọc Trạo, sau một thời gian dò la, lùng sục, giặc Pháp đã huy động một lực lượng lớn mật thám, binh lính về Thạch Thành, chuẩn bị cho một cuộc bao vây, tấn công quy mô lớn. Ngày 16/10/1941, chúng cho quân tiến hành phong tỏa, bao vây chiến khu Ngọc Trạo.

Tiếp đó, lợi dụng tình hình mưa lụt, quân du kích lâm vào cảnh khó khăn, thiếu thốn lương thực, thuốc men do tắc đường và bị bao vây. Sáng sớm ngày 19/10/1941, giặc Pháp đã huy động lực lượng binh lính lớn, trang bị súng ống tối tân, dưới sự chỉ huy của tên Phờ - Lơ- Tô, Chánh mật thám Bắc Kỳ, cùng các quan Chánh mật thám Trung kỳ, Chánh mật thám Thanh – Nghệ - Tĩnh, Thanh tra mật thám Đông Dương … chia làm 3 mũi ồ ạt tấn công Ngọc Trạo.

Mặc dù tương quan lực lượng lớn, lại chỉ có vũ khí thô sơ, đối chọi với lực lượng tinh nhuệ, thiện chiến được trang bị đầy đủ sống ống hiện đại. Nhưng với tinh thần quật cường, anh dũng. Các chiến sỹ du kích Ngọc Trạo đã xung phong đánh giáp lá cà, dùng kiếm, mác chém bị thương một tên lính Pháp và đẩy lui nhiều đợt tấn công của địch. Trước sự đánh trả quyết liệt của các chiến sỹ du kích, quân giặc đã huy động hỏa lực, bắn xối xả nhiều đợt vào đội hình du kích. Sau mấy tiếng đồng hồ quần thảo với quân du kích, đến 8h sáng cùng ngày, quân Pháp phải rút quân khỏi chiến khu Ngọc Trạo.

Về phía du kích quân, ba chiến sỹ ưu tú là Phạm Văn Hinh, Hoàng Văn Môn và Đỗ Văn Tước đã anh dũng hy sinh. Tối 19/10, sau khi làm Lễ truy điệu, an táng các chiến sỹ hy sinh, cất dấu tài liệu và chỉ đạo kế hoạch chống khủng bố cho cơ sở cùng nhân dân Ngọc Trạo, Ban lãnh đạo chiến khu đã quyết định rút quân về làng Cẩm Bào, thuộc xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc. Sau đó, phân tán lực lượng tỏa về các cơ sở cách mạng trong tỉnh, tiếp tục xây dựng, củng cố lực lượng, tham gia phong trào cách mạng tại các địa phương, chờ thời cơ mới.

Tuy chỉ ra đời và hoạt động trong thời gian ngắn, nhưng Đội du kích Chiến khu Ngọc Trạo đã hoàn thành nhiệm vụ được Trung ương và Tỉnh ủy giao phó, tạo nên sự tiếp nối của các cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, Nam Kỳ là nguồn cổ vũ đối với phong trào cách mạng của Thanh Hóa nói riêng và cả nước nói chung; Để lại bài học kinh nghiệm trong công tác xây dựng lực lượng vũ trang và chiến tranh du kích, kết hợp đấu tranh chính trị với sức mạnh vũ trang, khởi nghĩa từng vùng, tiến tới chớp thời cơ tổng khởi nghĩa, làm nên thành công của Cách mạng tháng tám 1945, mở ra một kỷ nguyên mới – kỷ nguyên độc lập - tự do cho đất nước.

Tiếp nối truyền thống lịch sử của một vùng quê cách mạng, trong suốt 80 năm qua, cùng với cả nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Thạch Thành đã muôn người như một, đóng góp sức người, sức của cho tiền tuyến, góp phần đưa cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ của đất nước đến thắng lợi cuối cùng, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Sau chiến tranh, bước vào thời kỳ hòa bình, xây dựng đất nước, nhất là trong những năm hội nhập, đổi mới, Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân Thạch Thành đã phấn đấu đạt được những thành tựu vượt bậc trong phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. Đặc biệt, trong giai đoạn 2015-2020, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVI về phát triển kinh tế - xã hội, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức do diễn biến phức tạp của thời tiết, dịch bệnh, nhất là dịch Covid -19… nhưng do có những giải pháp phù hợp trong chỉ đạo, điều hành, sự nỗ lực, đoàn kết của cán bộ, đảng viên và nhân dân Thạch Thành đã đạt được nhũng thành quả toàn diện trên các lĩnh vực với 26/28 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết đề ra.

ky niem 80 nam ngay thanh lap chien khu du kich ngoc trao ngon lua hang treo vang mai ban hung ca cach mang
ky niem 80 nam ngay thanh lap chien khu du kich ngoc trao ngon lua hang treo vang mai ban hung ca cach mang
Cổng vào nông trại Chung Thủy và vườn cam sản xuất công nghệ cao của nông trại Chung Thủy quy mô 50ha tại huyện Thạch Thành.

Theo đó, trong 5 năm 2016 - 2020, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất (GO) đạt bình quân 15,6 %/năm; tổng giá trị sản xuất đạt 47.277 tỷ đồng, gấp 3,09 lần 5 năm trước đó. Trong đó, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt 6.861 tỷ đồng, gấp 3,8 lần giai đoạn 2010-2015. Nhờ chủ trương tích tụ đất đai, áp dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây, con, quy hoạch các vùng chuyên canh sản xuất quy mô lớn, thu hút các cá nhân, tổ chức đầu tư vào sản xuất nông nghiệp… đến nay, Thạch Thành đã xây dựng và phát triển vùng cây ăn quả có múi 500ha, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP, tạo chuỗi liên kết sản xuất ứng dụng công nghệ cao, gắn với tiêu thụ sản phẩm. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng 16 cánh đồng lớn tại các vùng trọng điểm lúa, đưa tổng sản lượng lương thực có hạt bình quân hàng năm đạt gần 60.000 tấn, xây dựng cánh đồng lớn trồng mía nguyên liệu thâm canh, cơ giới hóa đồng bộ 820 ha, năng suất 110 tấn/ha. Nâng giá trị trên 1ha trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt 105,2 triệu đồng/ha (năm 2020).

ky niem 80 nam ngay thanh lap chien khu du kich ngoc trao ngon lua hang treo vang mai ban hung ca cach mang
Mô hình trồng thanh long cho thu nhập cao tại thị trấn vân Du (Thạch Thành).

Cùng với nông, lâm nghiệp, sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng cũng có bước tăng trưởng, chuyển biến mạnh mẽ, với giá trị sản xuất ngành Công nghiệp giai đoạn 2016 - 2020 đạt 15.128 tỷ đồng, gấp 2,6 lần 5 năm trước. Đáng chú ý, lĩnh vực thu hút đầu tư cũng đạt được những kết quả tích cực, góp phần giải quyết đáng kể việc làm cho hàng vạn lao động địa phương. Trong đó có các dự án lớn về may xuất khẩu như Nhà máy may Thạch Tượng, dây chuyền 3 nhà máy S&H Vina; các cơ sở chế biến gỗ, tinh bột nghệ, tinh dầu xả, cucumin, chế biến thực phẩm, thức ăn chăn nuôi…

Về thương mại – dịch vụ, tổng giá trị sản xuất trong 5 năm 2016-2020 ước đạt 17.145 tỷ đồng, gấp 2,46 lần 5 năm trước, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 18,6%, tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa đạt 372,5 triệu USD, vượt 148,3% Nghị quyết. Công tác thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn luôn vượt dự toán và tăng trưởng cao, đạt bình quân 112 tỷ đồng/năm, vượt 77,3% dự toán tỉnh giao. Cùng với sự tăng trưởng về kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân cũng không ngừng được cải thiện, nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 41 triệu đồng/ người, gấp 1.46 lần năm 2015.

Phát huy những thành tựu đã đạt được, bước sang năm 2021, bất chấp những khó khăn, thách thức, nhất là đại dịch Covid-19, Thạch Thành vẫn thực hiện có hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phát triển kinh tế - xã hội, vừa chống dịch, giữ vững “vùng xanh” an toàn trong dịch bệnh.

Đào Nguyên

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load