(Xây dựng) – Nhân dịp kỷ niệm 30 năm Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em, nhìn lại những thành tựu đã đạt được, xác định những thách thức cần giải quyết và thể hiện cam kết bảo đảm thực hiện quyền cho tất cả trẻ em, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp với UNICEF Việt Nam và các đối tác phát triển, các doanh nghiệp tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Cần hành động mạnh mẽ hơn nữa, tăng cường bảo vệ trẻ em khỏi xâm hại và đảm bảo giải quyết một cách có hiệu quả những nguy cơ vi phạm quyền trẻ em (Ảnh: Unicef.org). |
Tại Hà Nội, các hoạt động kỷ niệm sẽ diễn ra trên phố đi bộ ở hồ Hoàn Kiếm vào ngày 16 -17/11/2019 bao gồm Lễ kỷ niệm, triển lãm ảnh Thắp sáng nụ cười Việt Nam; Khai trương thư viện tìm hiểu Công ước về quyền trẻ em (tại Cung Thiếu nhi Hà Nội); Các sân chơi tìm hiểu Công ước về quyền trẻ em.
Đặc biệt, tại Tháp Bút và cầu Thê Húc, những biểu tượng của Hà Nội sẽ được thắp sáng với màu xanh thể hiện hy vọng cũng như cơ hội cho trẻ em và mọi người.
Tại trường UNIS Hà Nội, sự kiện Tìm kiến giải pháp quốc gia cũng sẽ được diễn ra với sự tham gia của trẻ em ở một số tỉnh, thành phố. Các em sẽ cùng thảo luận và xây dựng các giải pháp cho những vấn đề mà trẻ em đang phải đối mặt.
Còn tại thành phố Hồ Chí Minh, tòa tháp Landmark 81 – tòa nhà cao nhất Việt Nam cũng sẽ đăng tải hình ảnh những nụ cười trẻ em nhằm truyền cảm hứng cho trẻ em và các gia đình cùng tham gia, cùng thắp sáng hy vọng và tạo cơ hội cho trẻ em phát triển an toàn, lành mạnh.
Được biết, vào năm 1989, các nhà lãnh đạo thế giới đã đưa ra cam kết mang tính lịch sử cho trẻ em bằng việc thông qua Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em – một bộ luật quốc tế cho trẻ em. Đến nay, đã được 196 quốc gia phê chuẩn, Công ước đã trở thành một văn kiện về quyền con người được phê chuẩn rộng rãi nhất trong lịch sử.
Công ước về quyền trẻ em (CRC) chứa đựng nhiều ý tưởng sâu sắc: Trẻ em không chỉ là một con người bé nhỏ thuộc về cha mẹ hoặc thuộc về người lớn trong quá trình trưởng thành của các em. Hơn hết, các em là con người, là cá nhân với những quyền của riêng mình. Công ước yêu cầu phải đảm bảo cho tất cả trẻ em không bị phân biệt đối xử dưới bất kỳ hình thức nào, đều được hưởng các dịch vụ xã hội, được bảo vệ, được lớn lên trong môi trường an toàn, vệ sinh, được hỗ trợ, chăm sóc và lắng nghe cũng như được tham gia vào các hoạt động xã hội.
30 năm qua, những điều được quy định trong Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em vẫ vẹn nguyên giá trị thực tiễn. Đến nay, Công ước vẫn có giá trị kêu gọi đẩy mạnh thực hiện quyền trẻ em. Cần hành động mạnh mẽ hơn nữa trên phạm vi toàn cầu cũng như ở Việt Nam, để không chỉ quyền của trẻ em được thực hiện mà các mục tiêu Phát triển bền vững cho trẻ em, tăng cường bảo vệ trẻ em khỏi xâm hại và đảm bảo giải quyết một cách có hiệu quả những nguy cơ vi phạm quyền trẻ em.
Tuệ Minh
Theo