Thứ bảy 27/04/2024 09:22 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV kết thúc thành công

14:34 | 29/07/2021

(Xây dựng) – Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV diễn ra 9 ngày (20 - 28/9/2021) và kết thúc thành công đã tạo tiền đề, động lực và mở ra khởi đầu tốt đẹp của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Kết quả kỳ họp khẳng định trách nhiệm, sự nỗ lực, quyết tâm khắc phục mọi khó khăn để chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo các nội dung trình Quốc hội cũng như các điều kiện bảo đảm và tổ chức kỳ họp theo đúng quy định của pháp luật.

ky hop thu nhat quoc hoi khoa xv ket thuc thanh cong
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc kỳ họp.

Những định hướng lớn

Trong bài phát biểu tại kỳ họp, đồng chí Nguyễn Phú Trọng – Tổng Bí Thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã gợi mở, nhấn mạnh những định hướng lớn, quan trọng để Quốc hội khóa XV tiếp tục đổi mới, hoàn thiện, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động.

Tại kỳ họp, Quốc hội đã ban hành 29 Nghị quyết, trong đó có 17 Nghị quyết về tổ chức bộ máy và nhân sự; 11 Nghị quyết chuyên đề (về các kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025: phát triển kinh tế - xã hội, tài chính quốc gia và vay, trả nợ công, đầu tư công trung hạn; phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2019; hai chương trình mục tiêu quốc gia; chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, chương trình giám sát của Quốc hội, thành lập Đoàn giám sát chuyên đề năm 2022) và Nghị quyết kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.

Xem xét các báo cáo về tổng kết công tác bầu cử và kết quả xác nhận tư cách của đại biểu Quốc hội khóa XV; đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện 6 tháng cuối năm 2021; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020; tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.

Kết quả Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV được thể hiện trên một số nội dung chủ yếu như: Báo cáo kết quả tổng kết bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 và kết quả xác nhận tư cách của đại biểu Quốc hội khóa XV; công tác tổ chức, nhân sự; kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước; chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội; Nghị quyết Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; và Về tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân.

Theo đó, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã thành công và bầu được 499 đại biểu Quốc hội, 266.022 đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

Phê chuẩn 50 chức danh lãnh đạo cấp cao của Nhà nước

Quốc hội đã quyết định số lượng thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (gồm Chủ tịch Quốc hội, 04 Phó Chủ tịch Quốc hội, 13 Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội); cơ cấu tổ chức của Chính phủ (gồm 18 Bộ và 04 cơ quan ngang Bộ); cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ (gồm Thủ tướng Chính phủ, 4 Phó Thủ tướng Chính phủ và 22 bộ trưởng, thành viên khác của Chính phủ).

Quốc hội đã bầu, phê chuẩn 50 chức danh lãnh đạo cấp cao của Nhà nước (Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch nước, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm 09 Ủy ban của Quốc hội, Tổng kiểm toán Nhà nước, 04 Phó Thủ tướng Chính phủ, 18 Bộ trưởng, 04 Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, 01 Phó Chủ tịch, 04 Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh). Đồng thời, phê chuẩn 04 Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Sau khi được bầu, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã tuyên thệ trước Quốc hội, trước đồng bào, cử tri cả nước theo quy định của Hiến pháp, thể hiện rõ trách nhiệm, cam kết mạnh mẽ, quyết tâm cao hoàn thành trọng trách mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, đáp ứng kỳ vọng của cử tri và nhân dân.

Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách

Quốc hội đã thảo luận, xem xét các báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện 6 tháng cuối năm 2021; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020.

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết điều chỉnh dự toán chi ngân sách Nhà nước và phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2019, trong đó, tổng số thu cân đối ngân sách Nhà nước là 2.139.639.446 triệu đồng; tổng số chi cân đối ngân sách Nhà nước là 2.119.541.763 triệu đồng; bội chi ngân sách Nhà nước là 161.490.730 triệu đồng, bằng 2,67% tổng sản phẩm trong nước (GDP). Yêu cầu Chính phủ tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước; cải cách chính sách thu - chi; chấn chỉnh tình trạng trốn thuế, nợ đọng thuế; chỉnh đốn công tác quản lý chi đầu tư; quản lý chặt chẽ các khoản chi chuyển nguồn, xử lý nghiêm các trường hợp để nợ đọng xây dựng cơ bản, chuyển nguồn, tạm ứng ngân sách sai quy định, đồng thời có giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; tăng cường kiểm soát nợ công, đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Kiểm điểm làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm, kịp thời các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước. Nghiên cứu rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán ngân sách Nhà nước so với hiện hành để trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước hàng năm vào kỳ họp cuối năm tiếp theo, góp phần quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực tài chính - ngân sách của Nhà nước.

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 với 23 chỉ tiêu và 12 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, như: Tập trung thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, căn cứ vào tình hình thực tế và địa bàn cụ thể có sự lựa chọn ưu tiên để vừa bảo đảm sức khỏe, tính mạng của nhân dân vừa bảo đảm an sinh xã hội. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025. Trong đó, phấn đấu tổng thu ngân sách Nhà nước cả giai đoạn khoảng 8,3 triệu tỷ đồng; tổng chi ngân sách Nhà nước khoảng 10,26 triệu tỷ đồng, tỷ trọng chi đầu tư phát triển hàng năm đạt 28%, tỷ trọng chi thường xuyên bình quân khoảng 62-63% tổng chi ngân sách Nhà nước; và yêu cầu trong tổ chức thực hiện, cần phấn đấu tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển đạt khoảng 29%, giảm tỷ trọng chi thường xuyên xuống khoảng 60%; tỷ lệ bội chi ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021-2025 bình quân 3,7% GDP, trong tổ chức thực hiện, phấn đấu giảm tỷ lệ này xuống dưới 3,7% GDP.

Tổng mức vay trong giai đoạn 2021-2025 của ngân sách Trung ương khoảng 3,068 triệu tỷ đồng. Nợ công hàng năm không quá 60% GDP, nợ Chính phủ không quá 50% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP; nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ (không bao gồm cho vay lại) không quá 25% tổng số thu ngân sách Nhà nước; nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia (không bao gồm nghĩa vụ trả nợ gốc ngắn hạn dưới 12 tháng) không quá 25% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ.

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Trong đó, tổng mức vốn đầu tư trung hạn nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021-2025 là 2.870.000 tỷ đồng (vốn ngân sách Trung ương là 1.500.000 tỷ đồng, vốn cân đối ngân sách địa phương là 1.370.000 tỷ đồng); trong đó, bố trí 100.000 tỷ đồng để thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia; 65.795,847 tỷ đồng để tiếp tục thực hiện 03 dự án quan trọng quốc gia, 38.738 tỷ đồng để đầu tư dự án quan trọng quốc gia đường bộ cao tốc Bắc - Nam tuyến phía Đông giai đoạn 2021-2025.

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu trên cả nước có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

ky hop thu nhat quoc hoi khoa xv ket thuc thanh cong
Các đại biểu Quốc hội tại phiên bế mạc kỳ họp.

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Trong đó đã giao Chính phủ trong quá trình điều hành tiếp tục chỉ đạo rà soát, bảo đảm không để trùng lặp, bỏ sót nội dung, đối tượng hỗ trợ; có cơ chế lồng ghép chính sách, tích hợp nguồn lực giữa các Chương trình mục tiêu quốc gia, bảo đảm hiệu quả nguồn lực đầu tư.

Xây dựng luật, pháp lệnh

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021.

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát và thành lập 02 Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2022, trong đó Quốc hội sẽ tiến hành giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch được ban hành” tại Kỳ họp thứ 3.

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV. Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước.

Thanh Nga

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load