Thứ ba 05/11/2024 00:48 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh Thanh Hóa: Đại diện doanh nghiệp phản ánh khó khăn và đề xuất giải pháp hỗ trợ

11:07 | 18/07/2022

(Xây dựng) - Doanh nghiệp hoang mang vì “làm cũng chết, không làm cũng chết”, đó là nhận định của đại biểu Cao Tiến Đoan - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thanh Hóa trong phiên chất vấn Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang tại kỳ họp HĐND tỉnh lần thứ 7.

ky hop thu 7 hdnd tinh thanh hoa dai dien doanh nghiep phan anh kho khan va de xuat giai phap ho tro
Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng phát biểu tại kỳ họp HĐND tỉnh.

Mới đây, tại kỳ họp HĐND tỉnh lần thứ 7, Nghị trường tỉnh Thanh Hóa đã “dậy sóng” vì nhiều vấn đề nóng, được các đại biểu đặc biệt quan tâm, trong đó phải kể đến những tranh luận liên quan đến việc thu hồi dự án chậm tiến độ của doanh nghiệp.

Theo đó, tại buổi làm việc thứ 2, Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII với vai trò là tổ chức đại diện cho tiếng nói, quyền và lợi ích hợp pháp của cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh, ông Cao Tiến Đoan - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, cho biết, thời gian qua, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã tiếp nhận rất nhiều phản ánh, kiến nghị từ phía doanh nghiệp, liên quan đến những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

“Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có một số dự án chậm tiến độ, tuy nhiên nguyên nhân được xác định không phải lỗi của nhà đầu tư mà là do công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) của Nhà nước. Khi xảy ra tình trạng trì trệ trên, chậm giao mặt bằng sạch khiến cho nhiều nhà đầu tư bị thu hồi oan, gây thiệt hại về kinh tế và uy tín cho nhà đầu tư”, ông Đoan phát biểu.

Phản hồi ý kiến của ông Cao Tiến Đoan, ông Mai Nhữ Thắng - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng, thực tế có những dự án gặp khó khăn trong GPMB, nhưng dự án do GPMB chậm mà thu hồi thì không có.

“Chưa có dự án nào bị thu hồi oan, các dự án trước khi thu hồi, chúng ta đã thực hiện các quy trình thanh tra, kiểm tra chặt chẽ, đủ các hồ sơ, điều kiện thì mới tham mưu thu hồi được. Nếu có dự án nào đó bị thu hồi do liên quan đến chậm GPMB tôi chưa nắm hết thì đề nghị anh Đoan cung cấp lại thông tin, chúng tôi sẽ tiếp thu và báo cáo giải trình”, ông Thắng phát biểu.

Chưa thỏa mãn với câu trả lời của ông Mai Nhữ Thắng, ông Đoan nhiều lần nêu lên là có tình trạng doanh nghiệp thực hiện dự án theo quyết định chấp thuận chủ trương của tỉnh. Mà để có quyết định đó, các ngành, cấp đã thẩm định, tham mưu kỹ.

Thế nhưng đến khi thanh tra, kiểm tra lại chỉ ra nhiều điểm, khâu chưa phù hợp, chưa đúng luật. “Tình huống này doanh nghiệp rất hoang mang vì làm cũng chết không làm cũng chết”. Việc thu hồi dự án chậm tiến độ nhưng do lỗi của Hội đồng GPMB chứ không phải do lỗi của doanh nghiệp. Nếu cứ thu hồi thì có xử lý cán bộ tham mưu chấp thuận chủ trương và tham gia công tác giải phóng mặt bằng hay không?

Trả lời câu hỏi của đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp, ông Lê Đức Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã nêu cặn kẽ các quy định của Luật Đất đai, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng. Ông Giang cũng đề nghị nếu có các dự án trong diện phải thu hồi mà lỗi không phải do doanh nghiệp, thì Hiệp hội cứ làm đơn để UBND tỉnh nghiên cứu, xem xét cụ thể.

Ngoài vấn đề thu hồi dự án, đại biểu Cao Tiến Đoan còn nêu ý kiến về phản ánh của một số nhà đầu tư. Theo ông, khi doanh nghiệp được Chủ tịch UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, doanh nghiệp đã chấp thuận theo đúng quy định, tuy nhiên khi có đoàn thanh tra, kiểm tra lại đưa ra kết luận ý kiến lựa chọn chủ trương đầu tư không đúng quy trình, đề xuất thu hồi dự án vi phạm.

ky hop thu 7 hdnd tinh thanh hoa dai dien doanh nghiep phan anh kho khan va de xuat giai phap ho tro
Đại biểu Cao Tiến Đoan - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thanh Hóa trong phiên chất vấn Kỳ họp HĐND tỉnh lần thứ 7.

Việc này gây bức xúc nhiều cho nhà đầu tư, hoang mang trong cộng đồng doanh nghiệp, khiến cho các doanh nghiệp lúng túng không biết thực hiện theo quy trình nào là đúng, do đó ông đề nghị UBND tỉnh làm rõ trách nhiệm của những tổ chức, cá nhân có liên quan khi tham mưu, để xảy ra những tình trạng nêu trên.

Về vấn đề này, ông Mai Nhữ Thắng trả lời ông Đoan rằng: “Khi thanh tra, kiểm tra thì chúng ta phát hiện quy trình chưa đảm bảo, chúng tôi không dám nói là không đúng quy định, nhưng có lẽ là không đảm bảo ở khâu nào đó. Qua theo dõi, chúng tôi cho rằng, đến hiện nay, cơ bản các văn bản tham mưu chấp thuận đảm bảo các quy trình, quy định. Khi mà thanh tra, kiểm tra thì có một khâu nào nó có thể sơ suất trong quy trình hoặc do câu chữ, do nội dung nào đó, chúng tôi sẽ rà lại, tiếp thu nếu có thì chấn chỉnh, tham mưu cho UBND tỉnh”.

Đồng ý với ý kiến của ông Mai Nhữ Thắng, ông Lê Đức Giang cũng cho biết, hàng năm UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương đầu tư hàng trăm dự án nhưng chưa có dự án nào như phản ánh của ông Cao Tiến Đoan.

Theo ông Giang, doanh nghiệp khi thực hiện dự án phải thực hiện theo chủ trương đầu tư. Nếu có sai phạm về trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương do thanh tra, kiểm tra kết luận thì xử lý người có liên quan. Vì vậy, ông Giang mong ông Đoan về nói với cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh là “không nên hoang mang gì cả”.

Tại kỳ họp, ông Cao Tiến Đoan cũng đề xuất, trong bối cảnh giá nguyên vật liệu tăng cao, doanh nghiệp càng làm càng lỗ, trong khi đó cơ quan quản lý Nhà nước chưa kịp thời có cơ chế bù giá, ông đề nghị Nhà nước có cơ chế hỗ trợ tạo điều kiện cho doanh nghiệp thi công đúng tiến độ, đảm bảo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, vấn đề cải cách thủ tục hành chính cũng là vấn đề được đại diện của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa nêu lên. Ông Đoan cho rằng, cải cách thủ tục hành chính trong tỉnh vẫn còn nhiều bất cập, nhiều thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp như thủ tục đầu tư, giấy phép xây dựng. Ngoài ra, còn tồn tại năng lực và thái độ của một số bộ phận cán bộ, công chức hạn chế gây bức xúc cho doanh nghiệp.

Qua đó cho thấy, chất lượng kỳ họp và quan điểm ông Cao Tiến Đoan chất vấn đến cùng là mang tính xây dựng vì sự phát triển kinh tế, chính trị tăng trưởng bền vững của tỉnh. Đồng thời, thấy rõ chất lượng, trí tuệ của vị Chủ tịch này, vừa thể hiện vai trò bảo vệ quyền, lợi ích của doanh nghiệp hội viện sau hậu Covid-19, vừa có ý thức xây dựng vì sự phát triển của tỉnh. Tiêu chí là công chức Nhà nước, doanh nghiệp và người dân trong tỉnh đoàn kết đồng lòng thực hiện thắng lợi Nghị Quyết 58 của Bộ chính trị về phát triển Thanh Hóa đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị Quyết Đảng bộ tỉnh thứ 19 nhiệm kỳ 2020-2025.

Tiến Anh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load