Thứ bảy 16/11/2024 07:21 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội / Nông thôn mới

Kỳ Anh (Hà Tĩnh): Thiếu tiêu chí sử dụng nước sạch, khó về đích nông thôn mới theo kế hoạch

09:53 | 14/12/2022

(Xây dựng) - Thực hiện chỉ đạo của Trung ương về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện, phấn đấu đến năm 2025 tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn tỉnh nông thôn mới (NTM), trong hai năm vừa qua, cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến huyện, xã, thôn xóm và mỗi người dân đều xác định phong trào xây dựng NTM là việc chung, không của riêng ai. Mỗi cá nhân, mỗi tập thể đều có vai trò, trách nhiệm vun đắp cho thôn xóm, làng quê của mình trở thành “nơi đáng sống”.

Kỳ Anh (Hà Tĩnh): Thiếu tiêu chí sử dụng nước sạch, khó về đích nông thôn mới theo kế hoạch
Nhiều khu dân cư ở huyện Kỳ Anh nước bị nhiễm phèn trầm trọng.

Tại huyện Kỳ Anh, trong các tiêu chí chưa đạt, mục 8.1 “Tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn từ hệ thống cấp nước tập trung” trong tiêu chí Chất lượng môi trường sống có nguy cơ không thể đạt chuẩn theo lộ trình. Cụ thể, bộ tiêu chí quy định, tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch tập trung tối thiểu đạt 18% nhưng đến nay, toàn huyện mới có 3.190/35.7140 hộ được sử dụng nước sạch tập trung (chiếm tỷ lệ 8,9%). Như vậy, còn khoảng hơn 32.000 hộ dân/20 xã của Kỳ Anh chưa có nước sạch sử dụng. Trong đó, có những xã như Kỳ Lạc, Lâm Hợp vào mùa hè thường xuyên khô hạn, thiếu nước, bà con phải đi gánh nước từ khe suối cách nhà đến 4-5km, cực kỳ vất vả.

Chia sẻ với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Hải - Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh cho biết: “Hiện tại, UBND tỉnh đã bố trí vốn thực hiện dự án cấp nước tập trung cho xã Kỳ Lạc (12 tỷ đồng) và Lâm Hợp (20 tỷ đồng) nhằm cấp nước cho gần 1.000 hộ dân. Song để hoàn thiện, đưa nước đến tận hộ gia đình, nhanh nhất cũng phải đến cuối năm 2024, như vậy sẽ chậm tiến độ huyện đạt chuẩn đã đề ra”.

Ông chia sẻ thêm, đối với dự án xã hội hóa nước sạch Kỳ Đồng và vùng phụ cận, sau 2 lần thu hút nhà đầu tư cũng chưa có nhà đầu tư nào đạt yêu cầu.

“Vì vậy, giải pháp tối ưu nhất, cấp bách nhất hiện nay là kiến nghị tỉnh vào cuộc, chỉ đạo Công ty cấp nước Hà Tĩnh mở rộng mạng lưới cấp nước từ hệ thống nhà máy nước thị xã Kỳ Anh, cấp nước cho các xã thuộc huyện Kỳ Anh như: xã Kỳ Thư, Kỳ Thọ, Kỳ Tân, Kỳ Văn, Kỳ Hải. Dự kiến số lượng hộ dân đăng ký sử dụng khoảng 2.800 hộ; trong đó Kỳ Thọ 500/1074 hộ, Kỳ Tân 1000/2263 hộ, Kỳ Văn 1000/1959 hộ, Kỳ Thư và Kỳ Hải 300/622 hộ chưa sử dụng”, ông Nguyễn Thanh Hải cho biết.

Là một trong hàng vạn hộ dân huyện Kỳ Anh chưa được tiếp cận nguồn nước sạch tập trung, chị Nguyễn Thị Nam, xã Kỳ Hải (huyện Kỳ Anh) cho hay, khu vực chị sinh sống nguồn nước nhiễm mặn nặng nên gia đình thường phải hứng nước mưa để phục vụ ăn uống, sinh hoạt. Hiện tại, đường ống cấp nước của Nhà máy nước Hà Tĩnh đã lắp đặt đến xã. Tuy nhiên, việc đấu nối đến tận hộ dân chưa được Công ty cấp nước Hà Tĩnh ưu tiên.

“Để người dân sớm được sử dụng nước đảm bảo vệ sinh, an toàn cho sức khỏe, cùng với đó, chung tay giúp huyện đạt chuẩn NTM, người dân Kỳ Hải tha thiết mong muốn tỉnh, huyện và Công ty cấp nước Hà Tĩnh kéo đường ống, cấp nước cho chúng tôi trong thời gian sớm nhất”, chị Nam nói thêm.

Còn xã Kỳ Đồng - trung tâm hành chính của huyện Kỳ Anh, sau 6 năm điều chỉnh địa giới hành chính huyện Kỳ Anh, người dân Kỳ Đồng cũng như toàn bộ cán bộ, nhân viên các cơ quan hành chính đóng trên địa bàn đang phải dùng nước giếng khoan hoặc nước mưa để nấu ăn, tắm giặt.

Kỳ Anh (Hà Tĩnh): Thiếu tiêu chí sử dụng nước sạch, khó về đích nông thôn mới theo kế hoạch
Người dân thiếu nước sạch phải dùng nước nhiễm phèn.

“Nước ngầm ở khu vực thôn Đồng Tiến (xã Kỳ Đồng) bị nhiễm phèn. Quần áo giặt vài nước là chuyển màu vàng. Ngoài ra, thôn nằm giữa bốn bề là đồng ruộng nên dư lượng thuốc bảo vệ thực vật ngấm vào đất, vào các mạch nước ngầm rất lớn. Mong muốn của người dân nơi đây là sớm có nhà máy nước sạch để sử dụng, đảm bảo sức khỏe” - ông Trần Đặng Hậu - Trưởng thôn Đồng Tiến cho hay.

Trước nhu cầu bức thiết của người dân, năm 2020, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có chủ trương kêu gọi đầu tư dự án xây dựng nhà máy nước sạch xã Kỳ Đồng và vùng phụ cận. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh, sau khi kêu gọi xã hội hóa đã có nhà đầu tư quan tâm. Tuy nhiên, việc đầu tư nhà máy nước sạch vùng nông thôn gặp khá nhiều trắc trở, nhất là về hiệu quả đầu tư. Vì vậy đến nay, sau 2 năm kêu gọi chưa có nhà đầu tư nào đáp ứng yêu cầu. Nếu tỉnh Hà Tĩnh không có chính sách đặc thù, hỗ trợ đầu tư bằng nguồn ngân sách để xây dựng hệ thống xử lý nước sạch Kỳ Đồng và vùng phụ cận thì dự án này sẽ rất khó thành công.

Đến thời điểm này, 11/13 huyện, thị xã, thành phố của Hà Tĩnh đã đạt chuẩn huyện NTM, đô thị văn minh. Còn 2 huyện Hương Khê, Kỳ Anh đang phấn đấu hoàn thành trước năm 2023. Tuy nhiên, tại huyện Kỳ Anh, trong các tiêu chí chưa đạt, mục 8.1 “Tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn từ hệ thống cấp nước tập trung” trong tiêu chí Chất lượng môi trường sống đang khó nhằn nhất và có nguy cơ không thể đạt chuẩn theo lộ trình.

Uyên Uyên

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load