Thứ năm 25/04/2024 19:16 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Cấp nước sinh hoạt nông thôn ở tỉnh Lào Cai

Kỳ 1: Chỉ có 3,7% công trình hoạt động bền vững

15:13 | 14/03/2022

(Xây dựng) – Cả tỉnh Lào Cai hiện có hơn 800 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn, nhưng khoảng 60% công trình đang hoạt động kém bền vững, hoặc thậm chí là không còn hoạt động.

ky 1 chi co 37 cong trinh hoat dong ben vung
Cả tỉnh Lào Cai hiện chỉ có 32 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung hoạt động bền vững.

Số lượng cao, nhưng chất lượng thấp

Số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Lào Cai cho biết, tính đến tháng 1/2022, cả tỉnh có 859 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn.

Tuy nhiên, nếu xét theo 5 tiêu chí đánh giá mức độ bền vững của công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn ban hành kèm Quyết định số 4826/QĐ-BNN-TCTL ngày 07/12/2018 của Bộ NN&PTNT, cả tỉnh Lào Cai hiện chỉ có 32 công trình hoạt động bền vững, chiếm tỷ lệ 3,7%. Đây là các công trình được đầu tư hệ thống xử lý, khử trùng và nước sau xử lý đạt QCVN 02:2009/BYT; có tổ chức trực tiếp quản lý, vận hành, bảo trì; cấp nước thường xuyên và có thu tiền sử dụng nước.

Số lượng công trình được đánh giá hoạt động tương đối bền vững là 238, chiếm tỷ lệ 27,7%. Đó là các công trình được các tổ quản lý do người dân địa phương bầu chọn trực tiếp quản lý, vận hành, bảo trì, cấp nước thường xuyên và thu tiền sử dụng nước, nhưng mức thu rất thấp.

Trong khi đó, các công trình chỉ được tổ chức quản lý theo tính hình thức, vận hành công trình hoạt động không hiệu quả và không thu được tiền sử dụng nước chiếm tới 55,8%, cụ thể là 479 công trình đang hoạt động kém bền vững. Thậm chí, 110 công trình còn không hoạt động liên tục ít nhất 90 ngày, tính đến thời điểm đánh giá vào tháng 1/2022.

Ông Nguyễn Quang Ngọc, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi thuộc Sở NN&PTNT tỉnh Lào Cai cho biết: “Cấp nước sinh hoạt nông thôn ở tỉnh Lào Cai có sự tương đồng với các địa phương ở miền núi phía Bắc. Dân số ở đây phân bổ phân tán do đặc thù địa hình miền núi bị chia cắt. Công tác cấp nước nông thôn trước nay đều do Nhà nước đầu tư kinh phí. Hầu hết các công trình có quy mô nhỏ, lẻ. Một số công trình chỉ cấp nước cho 20 hộ dân.

Công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung lớn nhất của tỉnh hiện nay cũng chỉ cung cấp nước cho khoảng 800 hộ dân. Công tác quản lý, vận hành vẫn là một thách thức lớn vì các công trình này vẫn mang nhiều tính công ích, người dân vẫn chưa có thói quen phải trả tiền để dùng nước”.

Quản lý công trình chủ yếu dựa vào cộng đồng

Hiện nay, tỉnh Lào Cai đang áp dụng một số hình thức quản lý, khai thác và vận hành các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn. Trong đó, chủ yếu các công trình do cộng đồng quản lý.

ky 1 chi co 37 cong trinh hoat dong ben vung
Các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung ở tỉnh Lào Cai chủ yếu có quy mô nhỏ và phân bổ phân tán.

Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi Nguyễn Quang Ngọc chia sẻ: “Do số lượng công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn trên địa bàn tỉnh rất nhiều, nhưng phân bổ phân tán nên chưa có đơn vị nào đứng ra quản lý tập trung. Chính vì vậy, chính quyền cơ sở đã quyết định bàn giao việc quản lý cho các tổ hợp tác, hoặc các hợp tác xã do chính người dân chọn ra. Nói cách khác là người dân sẽ tự đứng ra quản lý, vận hành các công trình và cơ quan quản lý Nhà nước chỉ có hỗ trợ về mặt kỹ thuật.

Tuy nhiên, qua nhiều năm quản lý theo mô hình này, các công trình xuống cấp rất nhanh. Người dân sử dụng chủ yếu không nộp tiền nước, từ đó dẫn đến việc không có kinh phí chi trả công cho người quản lý và duy tu, bảo dưỡng công trình thường xuyên”.

Hiện nay, Lào Cai có 766 tổ hợp tác và cộng đồng quản lý, vận hành 810 công trình, chiếm đến 94,3% tổng số công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, mô hình này chỉ có 229 công trình thu được tiền sử dụng nước, phần lớn cũng chỉ thu tiền ở mức thấp, chưa theo mức quy định của tỉnh và không có đủ kính phí chi trả công cho 2.000 người đang tham gia quản lý vận hành và duy tu, bảo dưỡng công trình.

Để khắc phục tình trạng nêu trên, từ năm 2018, UBND tỉnh Lào Cai đã giao cho Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn trực thuộc Chi cục Thủy lợi thực hiện nhiệm vụ quản lý, khai thác thí điểm một số công trình cấp nước có quy mô tương đối lớn.

Đến năm 2020, UBND tỉnh Lào Cai tiếp tục hướng dẫn các đơn vị sự nghiệp tại các huyện, thị xã quản lý thí điểm các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn. Mỗi huyện sẽ tự chọn quản lý một công trình. 8 Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện/thị xã quản lý 8 công trình cấp nước.

Tổng cộng, toàn tỉnh có 9 đơn vị sự nghiệp thực hiện quản lý 35 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung. Trong số này có 28 công trình được quản lý, vận hành tốt và thực hiện thu tiền sử dụng nước đúng quy định. 7 công trình chưa thu được tiền sử dụng nước do công trình mới bàn giao, đang trong quá trình vận hành thử và một số công trình có nguồn nước không đảm bảo hoặc hư hỏng, xuống cấp, chưa có kinh phí khắc phục.

Tương tự, 2 hợp tác xã ở các huyện Văn Bàn và Bắc Hà đang quản lý, vận hành tốt 13 công trình, nhưng cũng chỉ có 9 công trình thu được tiền sử dụng nước.

Bên cạnh đó, Công ty Cổ phần Cấp nước Lào Cai là doanh nghiệp duy nhất đang tham gia quản lý 1 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn trên địa bàn tỉnh, đảm bảo vận hành và thu tiền sử dụng nước tốt, đúng quy định.

ky 1 chi co 37 cong trinh hoat dong ben vung
Công tác quản lý, vận hành các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn ở Lào Cai chủ yếu giao cho cộng đồng nên hiệu quả chưa cao.

Tính đến tháng 01/2022, tỷ lệ người dân nông thôn trên địa bàn tỉnh Lào Cai được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt khoảng 95% và nước sạch đạt quy chuẩn của Bộ Y tế là khoảng 38%. Trong đó, các công trình đạt tiêu chuẩn nước sạch chủ yếu thuộc quản lý của Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Lào Cai.

Vũ Huệ Phương

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load