Thứ năm 25/04/2024 16:11 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Kịp thời ‘cứu’ nguồn vật liệu thi công cao tốc Bắc Nam

14:28 | 26/10/2021

Với Nghị quyết số 133/NQ-CP ngày 19/10/2021 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 16/6/2021 áp dụng cơ chế đặc thù cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng cao tốc Bắc Nam phía Đông, giai đoạn 2017 – 2020, các nhà đầu tư, nhà thầu thi công dự án này đã được tháo gỡ kịp thời những khó khăn về thủ tục cấp phép khai thác mỏ, giảm bớt căng thẳng nguồn vật liệu phục vụ thi công.

Nhiều mỏ vật liệu mới được bổ sung

Theo đại diện các Ban Quản lý dự án (BQLDA) giao thông (đại diện chủ đầu tư các dự án thành phần cao tốc Bắc Nam - Bộ GTVT), nhu cầu vật liệu đất đắp nền đường cao tốc Bắc Nam đang thi công cách đây 2 tháng thiếu hơn 22 triệu m3, hiện chỉ còn cần khoảng 10 triệu m3.

Ông Hoàng Tuấn Khoát, Phó giám đốc BQLDA 7 cho biết, với các mỏ vật liệu vừa được tỉnh cấp phép và bổ sung quy hoạch theo Nghị quyết 133, sau khi đưa vào khai thác cơ bản bổ sung kịp thời nguồn đất đắp cho dự án thành phần cao tốc Bắc Nam đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết qua Bình Thuận. BQLDA 7 và các nhà thầu đã làm việc với địa phương xác định mốc các mỏ vật liệu sẽ được cấp phép trong tháng 1/2022. Quy trình cấp phép sẽ thực hiện theo tinh thần rút ngắn thời gian càng sớm càng tốt.

kip thoi cuu nguon vat lieu thi cong cao toc bac nam
Thi công cao tốc Cam Lộ - La Sơn.

Với dự án thành phần cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận đã phê duyệt bổ sung 8 khu vực mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường vào quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu.

Còn tại dự án thành phần cao tốc Cam Lộ - La Sơn qua tỉnh Thừa Thiên - Huế, BQLDA đường Hồ Chí Minh báo cáo, hiện nay dự án còn thiếu khối lượng đất đắp khoảng hơn 600.000 m3. Chỉ cần địa phương cấp phép khai thác thêm 2 mỏ, dự án sẽ giải quyết được nguồn vật liệu thiếu hụt trên.

Tương tự, theo BQLDA6, đại diện chủ đầu tư dự án thành phần cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu qua Nghệ An, sau 3 tháng thi công, đến nay, nhu cầu về vật liệu cần khoảng 1,1 triệu m3 cát, 0,8 triệu m3 đá, 8,5 triệu m3 đất đắp. Các mỏ đất đang khai thác tại địa phương có trữ lượng hơn 10 triệu m3, nhưng công suất khai thác hàng năm chỉ đạt khoảng 0,9 triệu m3/năm. Nếu được cấp phép khai thác thêm một số mỏ mới, nhu cầu vật liệu cho dự án sẽ cơ bản được đáp ứng thời gian tới...

Về vấn đề này, ông Lê Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (QLXD&CLCTGT - Bộ GTVT) cho biết, Nghị quyết 133 có nhiều điểm mới so với Nghị quyết 60. Trong khi Nghị quyết 60 chỉ quy định cho phép các mỏ vật liệu thông thường đã cấp phép, đang hoạt động, còn thời hạn khai thác, được cấp phép nâng công suất không quá 50% công suất ghi trong giấy phép khai thác, Nghị quyết 133 cho phép các mỏ đất đắp nền đường được nâng công suất theo nhu cầu của dự án đường cao tốc, không giới hạn 50% công suất ghi trong giấy phép, đến khi dự án hoàn thành thì bàn giao lại mỏ cho địa phương.

Cao tốc Bắc Nam sẽ có đủ đất đắp đến hết quý I/2022

Tại Hội nghị trực tuyến về tình hình triển khai Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành khẳng định, để tháo gỡ các vướng mắc về vật liệu, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 133 điều chỉnh nội dung Nghị quyết số 60, cho phép các địa phương được điều chỉnh nâng công suất khai thác theo nhu cầu các dự án trong phạm vi trữ lượng đã được cấp phép.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên chia sẻ, Nghị quyết 133 ban hành giải quyết thêm được 12,7 triệu m3 đất cho các dự án. Theo tiến độ đang triển khai, cao tốc Bắc Nam sẽ có đủ vật liệu đất đắp đến hết quý I/2022.

“Đây là công trình trọng điểm quốc gia trong 5 năm tới, Bộ Chính trị đã chỉ đạo phải ưu tiên mọi nguồn lực cho dự án này. Đây cũng là công trình mà trong vòng 3 tháng, Chính phủ ban hành 2 nghị quyết (Nghị quyết 60 và 133), cho thấy, Chính phủ dành sự quan tâm đặc biệt cho dự án này. Mỗi tháng lãnh đạo Chính phủ giao ban 1 lần để giải quyết kịp thời vướng mắc của địa phương, chủ đầu tư nhà thầu” Phó Thủ tướng Lê Văn Thành khẳng định.

Nhấn mạnh vai trò quan trọng của cao tốc Bắc Nam, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nêu rõ, các địa phương phải tiếp tục tập trung giải quyết triệt để các tồn tại, hạn chế, đảm bảo dự án xong sớm giai đoạn 1. Về vấn đề mỏ vật liệu xây dựng, dứt khoát phải bảo đảm có đủ mỏ vật liệu cho dự án. Các địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà thầu theo Nghị quyết 133 mới ban hành để vừa tăng công suất mỏ hiện có, vừa cũng như rút ngắn thời gian cấp phép mỏ mới.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng đề nghị các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, GTVT, Xây dựng nghiên cứu xử lý vấn đề mỏ vật liệu xây dựng cho giai đoạn 2 của dự án. Các bộ, ngành, địa phương cần đốc thúc các doanh nghiệp liên quan khẩn trương di dời hạ tầng kỹ thuật, sớm hoàn thành giải phóng mặt bằng. Đặc biệt, các bộ, ngành, địa phương phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tiến độ dự án.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm, công tác giải phóng mặt bằng cao tốc Bắc Nam hiện đạt 98,8%. Phần mặt bằng còn lại chưa bàn giao khoảng 7,6 km tại 8 tỉnh, trong đó khối lượng còn lại lớn tập trung tại 2 tỉnh (tại Nghệ An còn lại 5,58 km, tại Khánh Hòa còn lại 1 km). Việc di dời hạ tầng kỹ thuật đường điện, đường ống nước, cáp viễn thông... chỉ còn lại tập trung tại 4 tỉnh và không ảnh hưởng đến tiến độ thi công tổng thể dự án.

Theo Vân Sơn/Báo Tin tức

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load