(Xây dựng) - Mới đây tờ Nhật Báo Đông Á – Donga Ilbo, cơ quan báo chí lớn nhất của Hàn Quốc đã đăng tải thông tin Tập đoàn Samsung đã quyết định chọn đầu tư sản xuất điện thoại di động tại Việt Nam thay vì mở rộng nhà máy tại Hàn Quốc. Samsung hiện đang có kế hoạch sẽ đầu tư khoảng 1.000 tỷ Won (tương đương 982 triệu USD) để xây dựng một nhà máy sản xuất thiết bị ở thành phố Hồ Chí Minh.
Tác giả Choi Yeong-hae, đã phân tích một số yếu tố khiến cho Tập đoàn hàng đầu quốc gia này lại chọn Việt Nam là thị trường phát triển tiềm năng.
Trước đó cũng có thông tin Samsung đề xuất dự án đầu tư nhà máy sản xuất màn hình có độ phân giải cao, với vốn đầu tư lên đến 1 tỷ USD ở Bắc Ninh đã thu hút sự chú ý của dư luận.
Samsung đang thực hiện mục tiêu biến Việt Nam trở thành "cứ điểm sản xuất toàn cầu" lớn nhất thế giới của tập đoàn này. Với các nhà máy Samsung Bắc Ninh và Thái Nguyên, Samsung đang dần hiện thực hóa định hướng này.
Tuy nhiên hiện nay, Samsung vẫn nhập khẩu các sản phẩm của Samsung Display để phục vụ hoạt động sản xuất, lắp ráp điện thoại di động và các sản phẩm điện, điện tử, viễn thông công nghệ cao của cả hai Khu tổ hợp Công nghệ Samsung Bắc Ninh và Thái Nguyên.
Việc Samsung liên tục mở rộng các nhà máy tại Việt Nam những năm gần đây cho thấy có nhiều cơ hội mở ra đối với các doanh nghiệp sản xuất kính. Thông tin này ngay lập tức cũng thu hút sự chú ý của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, trong đó có các doanh nghiệp ở lĩnh vực sản xuất kính kỹ thuật cao.
Theo các chuyên gia ngành kính trên thế giới phân tích và dự báo thì thị trường kính có mức tăng trưởng kép 21,8% trong giai đoạn 2012 -2016.
Một trong những yếu tố quan trọng góp phần vào sự tăng trưởng của thị trường này là việc sử dụng ngày càng tăng của điện thoại di động. Thị trường kính toàn cầu cũng đã được chứng kiến sự gia tăng hợp tác giữa các doanh nghiệp. Tuy nhiên, chi phí sản xuất cao có thể gây ra một thách thức đối với sự phát triển của thị trường này.
Theo một báo cáo, các nhà phân tích của nhóm nghiên cứu cho biết: Một trong những xu hướng chính đã chứng kiến thị trường kính toàn cầu tăng trưởng là do các chính phủ quy định ngày càng tăng ở một số nước đang phát triển, thông qua sử dụng các loại TV kỹ thuật số. Số hóa là một trong những yếu tố chính thúc đẩy nhu cầu về TV LCD, do đó góp phần vào sự tăng trưởng của thị trường kính toàn cầu, như màn hình TV LCD ngày càng tăng sử dụng kính phủ.
Trong những năm qua, máy tính để bàn có xu hướng xử dụng giảm nhưng sự xuất hiện của thiết bị hiển thị di động như điện thoại thông minh và máy tính bảng đã bù lại sự sụt giảm sút kính trong nhu cầu về máy tính để bàn.
Các nhà cung cấp chính thống trị lĩnh vực này này bao gồm Asahi Glass Co Ltd, Corning Inc, Nippon Electric Glass Co Ltd, và Schott AG.
Trao đổi với Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng, ông Phạm Văn Bắc cho biết: “Việt Nam có 8 nhà máy kính với 10 dây chuyền sản xuất. Tổng công suất thiết kế (cả kính kỹ thuật và kính xây dựng) khoảng 180triệu m2 sp quy tiêu chuẩn. Sản lượng kính xây dựng tại các nhà máy đã vượt so với nhu cầu thị trường trong nước và hiện đang hướng tới sản xuất các sản phẩm sau kính giá trị cao và các sản phẩm sau kính.
Chúng ta hướng đến sản xuất kính kỹ thuật công nghệ cao, bởi lẽ chúng ta sẽ tận dụng được nguồn nguyên liệu cát làm kính tốt tại Nha Trang, Vân Đồn – Quảng Ninh, Quảng Bình mà không phải nơi nào cũng có”.
Một tập đoàn sản xuất kính đa quốc gia của Nhật Bản hiện đang đặt nhà máy tại Vũng Tàu cũng đã sản xuất loại kính kỹ thuật siêu trắng, trong, mỏng có độ dầy 2mm và 1mm. Họ cung cấp kính làm pin năng lượng và làm màn hình cảm ứng cho máy tính bảng, điện thoại thông minh, TV LCD bán theo mạng lưới trên khắp thế giới.
Doanh nghiệp kính Việt Nam xưa nay mới chỉ sản xuất những chủng loại mà thị trường đang phổ biến chứ chưa góp phần định hướng tiêu dùng với những tiêu chí tích cực, hiện đại, bắt kịp các xu hướng thế giới. Bởi vậy tơi đấy Việt Nam không chỉ tập trung vào sản xuất kính tiết kiệm năng lượng mà còn đi vào sản xuất, gia công kính kỹ thuật cao và các sản phẩm sau kính với nhiều tính năng đặc biệt, ông Bắc nhấn mạnh.
Theo định hướng của Vụ Vật liệu xây dựng - Bộ Xây dựng, để quản lý việc đầu tư phát triển ngành kính và thị trường kính Việt Nam trong những năm tới cần xây dựng quy hoạch phát triển ngành kính và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển vật liệu xây dựng phục vụ nhuc cầu trong nước và xuất khẩu. Riêng về kính từ nay đến năm 2020, chủ trương ko đầu tư kính xây dựng vì đầu tư sản xuất trong nước đã đảm bảo cung. Các nhà máy kính xây dựng sẽ chỉ cải cạo, đổi mới công nghệ và nâng công xuất, chỉ cho phép đầu tư sản xuất kính kỹ thuật với công nghệ cao.
Phương Linh
Theo