Thứ ba 30/04/2024 03:19 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Kinh tế và ngoại giao bứt phá vượt trội

10:03 | 10/02/2024

(Xây dựng) – Năm 2023, kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức, do xu hướng một số nước lớn cạnh tranh nhau ngày càng gay gắt, gia tăng căng thẳng địa chính trị, đối đầu dai dẳng Đông - Tây, xung đột Nga - Ukraine, Hamas - Israel, chiến tranh thương mại Trung Quốc - Hoa Kỳ; nhiều nền kinh tế lớn duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, lạm phát, lãi suất vẫn ở mức cao; thương mại, tiêu dùng, đầu tư toàn cầu suy giảm, hàng rào bảo hộ, phòng vệ thương mại gia tăng… tác động tiêu cực lớn tới quá trình phục hồi kinh tế thế giới.

Kinh tế và ngoại giao bứt phá vượt trội
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio.

Nhiều quốc gia, trong đó có các đối tác thương mại lớn của nước ta, tăng trưởng chậm, đạt mức thấp, nợ công tăng cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro, tổng cầu quốc tế suy giảm, chuỗi cung ứng đứt gẫy, tác động trực tiếp tới các nước có độ mở về kinh tế, trong đó có Việt Nam. Mặt khác, thiên tai, hạn hán, bão lũ, biến đổi khí hậu gây hậu quả nghiêm trọng; nguy cơ về an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh mạng đe doạ nhân loại.

Trong bối cảnh ấy, với sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, vào cuộc của hệ thống chính trị, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nỗ lực của các ngành, các cấp, địa phương, nghị lực của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội bứt phá thành công: Kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, lạm phát trong tầm kiểm soát, đời sống người dân được cải thiện, tiếp tục là điểm sáng về kinh tế khu vực châu Á và thế giới.

Kinh tế và ngoại giao bứt phá vượt trội
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Lễ đón trọng thể Chủ tịch Duma Quốc gia Quốc hội Liên bang Nga Vyacheslav Victorovich Volodin.

Năm 2023, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt 5,05%, tăng trưởng quý sau tăng hơn quý trước; 10/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt. Các khu vực nông - lâm nghiệp - thuỷ sản; xây dựng - công nghiệp, dịch vụ và tiêu dùng đều tăng bền vững. Quy mô nền kinh tế đạt 10.221.800 tỷ đồng (tương đương 430 tỷ USD). GDP bình quân đầu người đạt 101,9 triệu đ/người/năm (tương đương 4.284 USD), tăng 160 USD so với năm 2022. Ba yếu tố làm nên tăng trưởng là tiêu dùng (dịch vụ) - đầu tư - xuất khẩu đều tăng so với năm trước. Cả nước có gần 20 tỉnh, thành phố tự cân đối được ngân sách và nộp ngân sách về Trung ương.

Năng suất lao động của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành đạt 199,3 triệu đ/lao động (tương đương 8.380 USD/người/năm), tăng 274 USD so với năm 2022. Theo giá so sánh, năng suất lao động tăng 3,65% do trình độ của người lao động được cải thiện. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có chứng chỉ, bằng cấp đạt 27%, cao hơn 0,6 điểm phần trăm so với năm trước. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,35%, đóng góp vào tăng trưởng 42,58%. Khu vực dịch vụ tăng 7,29% so với năm 2022, đóng góp vào tăng trưởng 49,91%.

Kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 683 tỷ USD, xuất siêu (thặng dư) đạt 28 tỷ USD, mức cao nhất trong mấy chục năm qua. Có 35 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD. Đặc biệt, gạo xuất khẩu kỷ lục đạt 8 triệu tấn, doanh thu 4,5 tỷ USD, dẫn đầu các cường quốc sản xuất lúa gạo, Hoa Kỳ là thị trường xuất siêu lớn nhất. Trung Quốc vẫn là thị trường truyền thống hàng đầu về kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá, mặc dù, nước ta vẫn nhập siêu từ cường quốc láng giềng này. Lĩnh vực xuất khẩu đóng góp khoảng 15 - 17% mức tăng trưởng của nền kinh tế.

Về đầu tư, vốn thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành đạt 3.423.500 tỷ đồng (tăng 5,2% so với năm 2022). Đầu tư từ ngân sách Nhà nước, đầu tư khu vực ngoài Nhà nước, đầu tư nước ngoài (FDI) đều tăng. Giải ngân đầu tư công đạt 94,3%. Lĩnh vực đầu tư đóng góp vào GDP khoảng 35%...

Thành công vượt trội trên mặt trận kinh tế là Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ động điều hành tổng thể kinh tế vĩ mô, hài hoà các lĩnh vực, linh hoạt thực hiện chính sách tín dụng an toàn, lành mạnh, duy trì ổn định mặt bằng lãi suất, huy động và giảm lãi suất cho vay, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của người dân, doanh nghiệp, ổn định tỷ giá, kiểm soát chặt chẽ giá cả thị trường, bảo đảm tốt các cân đối lớn, quản lý chặt chẽ mặt hàng thiết yếu, nhất là giá xăng dầu, điện… giảm thiểu ảnh hưởng lạm phát, đời sống người dân. Nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách được kiểm soát. Nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế trong khó khăn. Nhiều tổ chức quốc tế ghi nhận Việt Nam đạt thành tựu nổi bật, chỉ số GII năm 2023 xếp hạng Việt Nam thứ 46/132 quốc gia nền kinh tế mạnh trên thế giới, đứng thứ 4 Đông Nam Á (đã vượt Singapore).

Kinh tế và ngoại giao bứt phá vượt trội
Tổng thống Mỹ Joe Biden hội kiến Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Năm 2023, bên cạnh thắng lợi về kinh tế, nước ta vươn trên tầm cao mới của một nền ngoại giao đặc sắc và độc đáo, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam” theo Tư tưởng Hồ Chí Minh. Đối ngoại và ngoại giao phát huy thế và lực mới, sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, củng cố vững chắc cục diện đối ngoại rộng mở, thuận lợi cho phát triển đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, trong giai đoạn mới. Từ sau Đại hội XIII của Đảng, hơn 40 chuyến thăm của các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước và hàng trăm các cuộc thăm, tiếp xúc cấp Nhà nước tới các nước láng giềng, các nước lớn, các quốc gia là đối tác chiến lược, hầu hết các nước ASEAN, nhiều đối tác quan trọng và bạn bè quốc tế. Hoạt động đối ngoại trong năm diễn ra hết sức sôi động, liên tục. Một số sự kiện diễn ra có ý nghĩa lịch sử như cuộc sang thăm Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và việc nâng cấp quan hệ hai nước lên đối tác chiến lược toàn diện; cuộc sang thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, các cuộc thăm qua lại của lãnh đạo Lào, Campuchia, Cuba, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Ấn Độ… tạo nên một vị thế Việt Nam mới trên trường quốc tế.

Từ một nước bị bao vây cấm vận, ngày nay, Việt Nam thực hiện linh hoạt đường lối đối ngoại, quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, có 3 nước quan hệ đặc biệt: Lào, Campuchia, Cuba; 6 nước đối tác chiến lược toàn diện: Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hoa Kỳ. 12 nước là đối tác chiến lược: Tây Ban Nha, Anh và Bắc Ireland, CHLB Đức, Italia, Thái Lan, Indonesia, Singapore, Cộng hoà Pháp, Malaysia, Philippines, Australia, New Zealand; nhiều nước đối tác toàn diện: Nam Phi, Chilê, Brazin, Venezuela, Argentina, Ukraine, Đan Mạch, Myanma, Canada, Hungary, Brunei, Hà Lan…

Công tác và chính sách đối ngoại kiên định lập trường độc lập, tự chủ trên cơ sở bảo đảm quyền tối thượng lợi ích quốc gia - dân tộc, nêu cao tinh thần hoà bình, hữu nghị, hợp tác cùng có lợi, bằng phương pháp mềm dẻo trong sách lược, hài hoà trong xử lý mối quan hệ với các quốc gia lớn, láng giềng, đối tác quan trọng, các tình huống phức tạp về biên giới trên bộ, trên biển, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa.

Thắng lợi của chiến lược “Ngoại giao cây tre” đem lại khả năng huy động nguồn lực bên ngoài cho phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu quả kinh tế đối ngoại. Nhờ đó, mặc dù ảnh hượng nặng nề của Covid -19 và suy thoái kinh tế, thương mại thế giới, song kinh tế nước ta vẫn là điểm sáng về phục hồi và tăng trưởng. Năm 2023, đầu tư nước ngoài có vốn đăng ký hơn 36,61 tỷ USD, vốn thực hiện chiếm 23,18 tỷ USD, cao nhất giai đoạn 2011 - 2023. Vốn ODA cũng phát triển.

Khép lại năm 2023, trong bối cảnh khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội và thuận lợi, nền kinh tế của ta vẫn đạt nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện, tạo dấu ấn nổi bật trên trường quốc tế. Cùng với thắng lợi to lớn về “Ngoại giao cây tre”, kinh tế nước ta trở thành điểm sáng của toàn cầu, tạo đà cho năm sau tiếp tục bứt phá, cất cánh, giành thắng lợi…

Năm 2024, năm bản lề của kế hoạch 5 năm (2021 - 2025), tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Việt Nam vẫn đứng trước những khó khăn, thách thức, phải nỗ lực vượt qua. Theo Nghị quyết của Quốc hội khoá XIII tại kỳ họp thứ 6, phấn đấu đạt mức tăng trưởng 6 - 6,5%. Để đạt mục tiêu đó, cả hệ thống chính trị phải quyết liệt và đòi hỏi sự nỗ lực vượt bậc của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp. Nếu năm thứ 4 của kế hoạch 5 năm này đạt chỉ tiêu đó, đất nước thêm một dấu mốc ấn tượng trong khu vực và thế giới, mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá sẽ sớm trở thành hiện thực, mức sống người dân có bước cải thiện, nước mạnh, dân giàu, mang lại hạnh phúc và thịnh vượng trong xu thế phát triển bền vững.

Kim Quốc Hoa

Theo

Cùng chuyên mục
  • Để cả nước không còn nhà tạm, nhà dột nát

    Phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát khi thực hiện thành công trong năm 2025 sẽ là một dấu mốc đáng nhớ, khi lần đầu tiên trong lịch sử, trên cả nước không còn nhà tạm, nhà dột nát và có lẽ không nhiều nước đang phát triển trên thế giới làm được điều này.

  • Tăng quyền, trao quyền khi 'chiếc áo thể chế' đã chật

    “TP.HCM đang như lò xo bị bó. Làm sao chúng ta tháo được ra để lò xo hoạt động, trỗi dậy, bứt phá được, đó là nhiệm vụ của quy hoạch. Nếu bật lên được, TP.HCM có thể sẽ phát triển nhanh như vũ bão”.

  • TP.HCM và ‘lỗ hổng’ làm điện rác

    Tiếp theo bài viết “Những vấn đề cần làm rõ để thực hiện Quy hoạch điện 8” đăng trên Tuần Việt Nam/VietNamNet, trong phạm vi bài viết này sẽ tập trung phân tích các vấn đề về điện rác ở Thành phố Hồ Chí Minh trong Quy hoạch điện 8.

  • Hiểu thế nào về “Tập thể lãnh đạo”, “Lãnh đạo tập thể”, “Lãnh tụ tập thể”?

    Tại phiên họp đầu tiên của Tiểu ban nhân sự chuẩn bị Đại hội XIV, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh ba đặc điểm có tính nguyên tắc của mô hình lãnh đạo chính trị nước ta hiện nay: "tập thể lãnh đạo", "lãnh đạo tập thể", "lãnh tụ tập thể".

  • Những vấn đề cần làm rõ để thực hiện Quy hoạch Điện 8

    Sau khi ban hành Quyết định 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 của Thủ tướng về phê duyệt Quy hoạch điện VIII, các cơ quan chức năng và chủ đầu tư mong chờ có bản kế hoạch mang tính tổng thể, công khai và minh bạch hướng dẫn thực hiện dự án Quy hoạch điện 8.

  • Sau TP.HCM, Hà Nội lại làm dự án BT

    Xin khôi phục lại các dự án theo hình thức xây dựng – chuyển giao (BT), Hà Nội muốn có thêm cơ chế để huy động nguồn lực cho phát triển.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load