Thứ ba 07/05/2024 16:33 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực bất động sản: Tiềm năng lớn

16:17 | 18/11/2019

(Xây dựng) - Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 999/QĐ-TTg ngày 12/8/2019. Mục tiêu đề án là tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng giữa hoạt động kinh tế chia sẻ và kinh tế truyền thống. Theo các chuyên gia, nền kinh tế chia sẻ đang làm thay đổi sự vận hành của nhiều mô hình kinh doanh, trong đó có lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam.

kinh te chia se trong linh vuc bat dong san tiem nang lon
Phát triển nền kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực bất động sản còn rất nhiều tiềm năng (Ảnh Internet).

Kinh tế chia sẻ đang là xu hướng mới song hành cùng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và trở thành một trong những trụ cột quan trọng của nền kinh tế số, là mối quan tâm hàng đầu của các doanh nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp tại nhiều quốc gia. Theo TS Nguyễn Mạnh Hải - Trưởng ban Nghiên cứu các vấn đề xã hội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, kinh tế chia sẻ ở Việt Nam chưa phát triển mạnh như ở nhiều nước nhưng cũng có tiềm năng lớn phát triển.

Một số loại hình kinh tế chia sẻ đã xuất hiện như dịch vụ vận tải trực tuyến từ năm 2014 (Uber, Grab, dichung…); dịch vụ chia sẻ phòng có khoảng 6.500 cơ sở Airbnd (chia sẻ không gian ở cho thuê). Nhiều dịch vụ khác cũng đã xuất hiện như: Du lịch Tiip.me, dịch vụ sửa chữa điện tử, điện lạnh, xây dựng; dịch vụ tài chính ứng dụng công nghệ cho vay ngang hàng…

Tuy nhiên, về mặt quản lý Nhà nước, các loại dịch vụ kinh tế chia sẻ lại không có một quy định chung mà là những chính sách thể hiện cụ thể ở từng lĩnh vực. Chỉ ra một số bất cập và nguyên nhân, TS Nguyễn Mạnh Hải cho rằng, việc cấp giấy phép kinh doanh còn gặp vướng mắc dẫn đến lúng túng trong việc xác định bản chất giao dịch để áp thuế do hoạt động này vẫn chưa có trong danh mục ngành nghề kinh doanh.

Bên cạnh đó, khung pháp lý về hoạt động kinh doanh hiện chưa có các quy định hay điều chỉnh các hoạt động kinh doanh “chia sẻ”. Luật Công nghệ thông tin chưa có quy định đối với các cá nhân hay tổ chức nước ngoài có hợp tác, kinh doanh không có văn phòng đại diện tại Việt Nam.

Trong lĩnh vực vận tải, chuyên gia Ngô Vĩnh Bạch Dương - Trưởng phòng Pháp luật Kinh tế, Viện Nhà nước và Pháp luật cũng cho rằng, các quy định cũ về định danh dịch vụ, cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ dữ liệu cá nhân, hợp đồng, thuế đã trở nên chật hẹp với những phát triển mới của kinh tế nền tảng.

Các chuyên gia công nghệ đều cho rằng, Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ là sự chuyển biến rất lớn của Chính phủ, có tính bước ngoặt bao trùm lên hầu hết các bộ, ngành, công ty đầu tàu về nền tảng, các doanh nghiệp công nghệ cũng như các công ty truyền thống ở mọi lĩnh vực, thậm chí cả người dân.

Riêng lĩnh vực kinh doanh bất động sản, trong vài năm trở lại đây, Việt Nam đã chứng kiến sự tăng trưởng ấn tượng của phân khúc không gian làm việc chung, với nhiều cơ sở mới ra mắt thị trường.

Bên cạnh đó, nhu cầu co-working tiếp tục tăng khi nhiều doanh nghiệp, bao gồm các startup, các doanh nghiệp vừa và nhỏ và thậm chí cả các công ty lớn, đang ghi nhận những lợi ích của không gian làm việc chung, linh hoạt hơn mô hình văn phòng cho thuê truyền thống.

Nhiều phần mền công nghệ chia sẻ đã được các doanh nghiệp trong và ngoài nước ứng dụng vào kinh doanh tại Việt Nam như: Phần mền Airbnb, cùng với đó là hàng loạt startup mới trong lĩnh vực cho thuê phòng trực tuyến của người Việt cũng ra đời như Luxstay, Hoteljob, Triip.me, hay như sản phẩm lưu trú homestay…

Trước đây, du khách chỉ biết đến các hình thức lưu trú chuyên nghiệp với các hệ thống khách sạn có đầy đủ dịch vụ, thì nay được trải nghiệm nhiều hơn với các cơ sở lưu trú địa phương.

Đặc biệt, mô hình chia sẻ không gian làm việc (co-working space) hiện đang rất phát triển tại Việt Nam đặc biệt là ở những thành phố lớn như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội… để kết nối những bạn trẻ, doanh nghiệp trẻ khởi nghiệp. Dự đoán trong tương lai sẽ có hàng trăm nghìn bao gồm bao gồm các startup doanh nghiệp nhỏ được thành lập. Đây chính là cơ hội, tiềm năng lớn cho kinh tế chia sẻ bất động sản phát triển.

Theo các chuyên gia, tiềm năng ứng dụng kinh tế chia sẻ tại Việt Nam rất lớn, trong đó có lĩnh vực bất động sản. Tuy nhiên chúng ta chưa luật hóa được công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động này. Do đó, trong thời gian tới, cần sự vào cuộc của các cơ quan quản lý, nhằm thiết lập khuôn khổ pháp lý cho mô hình này, phù hợp với sự phát triển của thị trường.

Ông Simon Smith - Trưởng bộ phận Nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương của Savills: Nền kinh tế chia sẻ thường được định nghĩa là “Một hệ thống kinh tế trong đó tài sản hoặc dịch vụ được chia sẻ giữa các cá nhân, có thể miễn phí hoặc tính phí, thường là qua internet”. Các nhà đầu tư bất động sản chủ yếu sẽ quan tâm đến việc chia sẻ có tính phí, nhưng khái niệm này không chỉ áp dụng với các nhà đầu tư.

Hà Vy

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load