(Xây dựng) - Nghiên cứu xây dựng mô hình quản lý tổ chức hành chính đô thị là vấn đề hết sức phức tạp nhưng có ý nghĩa quan trọng ở Việt Nam hiện nay. Mô hình quản lý hành chính đô thị phân quyền ở Berlin là một ví dụ điển hình mà chúng ta cần tham khảo.
Berlin là ví dụ tốt về quản lý hành chính đô thị.
Sau khi nước Đức thống nhất, Berlin trở thành thủ đô của Cộng hòa Liên bang Đức. Năm 1991, TP thực thi chức năng nhiệm vụ là trụ sở của Chính phủ và Quốc hội từ năm 1999.
Berlin là điểm nút giao thông và một trong những TP thu hút được nhiều khách du lịch của châu Âu. Nhiều trường đại học, viện nghiên cứu, nhà hát và viện bảo tàng tại Berlin có danh tiếng quốc tế. Với vị thế của mình, Berlin đã tỏ ra rất khôn ngoan trong cách tổ chức và vận hành chính quyền đô thị của mình.
Kể từ năm 1990, Berlin là một tiểu bang của nước Cộng hòa Liên bang Đức. Số quận trực thuộc Berlin được giảm từ 23 xuống còn 12. Trong quốc hội, theo Hiến pháp, Berlin có quyền lực lập pháp. Chính phủ tiểu bang, quyền lực hành pháp, bao gồm thị trưởng và đến 8 nghị sĩ. Thị trưởng đương nhiệm đồng thời cũng là người đại diện cho tiểu bang và TP. Mô hình này với những đặc điểm chính sau đây:
Thành phố là một thể thống nhất
Berlin là một cộng đồng thống nhất và duy nhất, dưới Berlin không tồn tại bất kỳ một cấp đơn vị hành chính lãnh thổ độc lập nào. Nói một cách khác, Berlin vừa là đơn vị hành chính lãnh thổ cấp tỉnh, vừa là cấp huyện, vừa là cấp xã.
Berlin được chia thành 12 quận. Tuy nhiên, quận ở đây về mặt diện tích và quy mô dân số không tương đương với một quận ở Việt Nam, nhưng về pháp lý thì quận ở Berlin không có địa vị của một đơn vị hành chính lãnh thổ như quận ở Việt Nam; không có khả năng chịu trách nhiệm pháp lý mà chỉ là một cơ cấu nội bộ của Berlin, giống như đơn vị cấp phòng của một Cty.
Berlin - thành phố là một thể thống nhất.
Berlin là một pháp nhân công quyền duy nhất. Tại đây, nếu có sai phạm nào trong quản lý nhà nước thì duy nhất chính quyền Berlin là bị đơn chịu trách nhiệm trước toà án, không có sự đổ lỗi cho bất cứ cấp quyền nào dưới đó.
Mục đích của cách tổ chức này là gì?
Đó là nhằm thành lập một khối thống nhất. Các vấn đề của TP cần phải giải quyết một cách đồng bộ. Ngoài ra, mục đích cách tổ chức đó cũng nhằm bảo đảm tính chất được gần gũi hơn với người dân của mình và quyền tự quản địa phương.
Trong mối quan hệ với bên ngoài, Berlin là một pháp nhân công quyền duy nhất nhưng trong quan hệ nội bộ bên trong, các bộ phận của chính quyền được tổ chức theo nguyên tắc phân quyền để bảo đảm sâu sát với người dân, nắm được tâm tư nguyện vọng cũng như những bất bình của họ trong cuộc sống, trong các mối quan hệ với chính quyền.
Bên cạnh trụ sở chính của chính quyền TP, tại các quận có một bộ máy hành chính được thiết lập và trong phạm vi này lại có nhiều văn phòng tiếp dân. Thế nhưng các bộ phận này chỉ đóng vai trò như văn phòng đại diện cho chính quyền TP.
Có rất nhiều văn phòng đại diện, chi nhánh của chính quyền nhằm bảo đảm khoảng cách không gian bán kính từ nơi cư trú đến văn phòng tiếp dân vào khoảng 3km. Để tránh hiện tượng quá tải, bộ máy hành chính đặt ở quận, các văn phòng tiếp dân được uỷ quyền trực tiếp giải quyết các vấn đề cho người dân.
Phân quyền nhưng phải đảm bảo nhiều yếu tố
Phân quyền nhưng vẫn bảo đảm quyền tự quản địa phương, bảo đảm dân chủ, bảo đảm giám sát đối với hoạt động hành chính ở các quận. Cụ thể, để bảo đảm tính tự quản, các vấn đề quản lý thuần tuý liên quan hoạt động tại một quận cụ thể sẽ do bộ máy hành chính phân quyền thực hiện.
Để bảo đảm tính dân chủ, bộ máy hành chính phân quyền ở quận do dân bầu lên trực tiếp. Cùng với việc bầu ra đơn vị đại diện của TP, cử tri trực tiếp bầu ra đơn vị dân cử ở quận mình. Cơ quan dân cử ở quận không có quyền lập pháp và được coi là một bộ phận của hành chính. Cơ quan dân cử này sẽ bầu ra đơn vị thường trực và giám sát đơn vị thường trực thực hiện công việc hành chính. Bởi vì TP là một thể thống nhất, nên công dân có thể đến làm thủ tục hành chính tại bất kỳ văn phòng tiếp dân nào không phân biệt văn phòng đó ở gần hay xa nơi mình cư trú.
Mức độ phân quyền ở Berlin không chỉ dừng lại ở các văn phòng, mà đến tận từng cá nhân công chức. Mỗi một cán bộ công chức được phát một con dấu với mã số riêng. Nếu vụ việc đó thuộc thẩm quyền cá nhân công chức thì họ trực tiếp xử lý, ký, đóng dấu của mình, trả lại hồ sơ cho dân mà không cần qua bộ phận gọi là văn thư nào hết. Nếu sai phạm thì cá nhân công chức đó phải lãnh trách nhiệm. Chính vì vậy, mỗi cán bộ gánh trách nhiệm rất lớn, họ phải đảm bảo mọi việc thực hiện chỉn chu và đúng mực.
Như vậy, nhờ mô hình này mà Berlin đã đạt được nhiều hiệu quả suốt gần 200 năm lịch sử. Kinh nghiệm tổ chức của TP Berlin cho thấy muốn tăng hiệu quả thì phải giảm bớt cấp đơn vị hành chính lãnh thổ. Nếu địa bàn rộng như Berlin thì cần tổ chức theo cách phân quyền. Mô hình phân quyền Berlin để bảo đảm: Tự quản địa phương, dân chủ, giám sát cao, tiện lợi cho công dân là một mô hình mà chúng ta cần tham khảo.
Khánh Phương
Theo