Thứ bảy 27/04/2024 00:29 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Kiến trúc sư Nhâm Chí Kiên: Cần phát triển hơn nữa số lượng công trình xanh tại Việt Nam

20:56 | 28/11/2019

(Xây dựng) – Trong bối cảnh môi trường ngày càng ô nhiễm, tài nguyên thiên nhiên dần cạn kiệt, tốc độ đô thị hóa tăng nhanh dẫn đến biến đổi khí hậu thì cần phải có giải pháp để thay đổi trong việc xây dựng các thiết kế, xây dựng công trình, quy hoạch kiến trúc… Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, Báo điện tử Xây dựng đã có cuộc trò chuyện với Kiến trúc sư Nhâm Chí Kiên - Công ty Kiến trúc APDI.

Kiến trúc sư Nhâm Chí Kiên: Cần phát triển hơn nữa số lượng công trình xanh tại Việt Nam
Các công trình xanh rất thân thiện với thiên nhiên, nhờ đó bảo vệ được hệ sinh thái, bảo vệ môi trường sống của con người.

PV: Khi theo đuổi các thiết kết theo hướng kiến trúc xanh, Kiến trúc sư thường chịu áp lực rất lớn từ chủ đầu tư với yêu cầu tối đa hóa lợi nhuận. Ông nhìn nhận thế nào về vai trò và trách nhiệm của Kiến trúc sư trong vấn đề này?

Kiến trúc sư Nhâm Chí Kiên: Trước tiên tôi muốn nói đến khái niệm kiến trúc xanh, công trình xanh để tránh nhầm lẫn trong việc dùng từ “xanh”. Công trình xanh (Green Building) là một phong trào xây dựng xuất hiện từ cuối thế kỷ 20 nhằm khuyến khích xây dựng các tòa nhà (Buildings) đảm bảo một số tiêu chí nhất định.

Như vậy, công trình xanh không phải chỉ trồng mỗi cây xanh. Nó phải giải quyết những vấn đề khí hậu, môi trường, sử dụng vật liệu thân thiện… Chữ “xanh” có nghĩa là giải quyết các vấn đề về năng lượng, xanh đi liền với sạch, tiết kiệm năng lượng, an toàn với môi trường và con người.

Tuy nhiên, trong mỗi thiết kế, chúng ta không thể đòi hỏi và mong muốn tất cả mọi thứ phải hoàn hảo được. Do đó, cũng nên cân nhắc để đưa ra thiết kế dựa trên rất nhiều yếu tố. Nhất là trong những dự án mang tính chất kinh doanh thì yếu tố lợi nhuận đương nhiên được ưu tiên.

Kiến trúc sư muốn thuyết phục chủ đầu tư theo hướng kiến trúc xanh thì ngoài các bài toán về chuyên môn kiến trúc, cần phải cùng chủ đầu tư và các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực thảo luận bài toàn kinh tế.

Có trường hợp áp dụng các giải pháp xanh thì tổng mức đầu tư sẽ tăng lên nhưng bù lại chủ đầu tư và những khách hàng sẽ được hưởng lợi từ các giải pháp đó (tiết kiệm điện, nước…).

Đặc biệt là người sử dụng sẽ được sống trong một không gian thoáng đãng, môi trường sạch sẽ, còn chủ đầu tư cũng tiết kiệm được chi phí vận hành. Mỗi ngày qua từng dự án, kiến trúc sư cố gắng thay đổi thì theo thời gian, những giải pháp xanh tối ưu sẽ được chấp nhận và trở nên phổ biến. Tôi cho rằng, tất cả mọi người sống trên Trái đất thì đều phải có trách nhiệm với môi trường.

Ở quy mô nhỏ, Công ty Kiến trúc APDI đã thiết kế những công trình có suất đâu tư không hề cao nhưng vẫn đảm bảo giải pháp về vi khí hậu rất tốt như công trình K_house và công trình VM_house.

Kiến trúc sư Nhâm Chí Kiên: Cần phát triển hơn nữa số lượng công trình xanh tại Việt Nam
Công trình VM_house của APDI sử dụng rất nhiều ánh sáng tự nhiên.

PV: Ông có thể chia sẻ thêm về những tiêu chí cơ bản trong kiến trúc xanh? Ngoài ra, các tiêu chí ấy có dễ dàng để thực hiện hay không?

Kiến trúc sư Nhâm Chí Kiên: Hiện tại trên thị trường đã có một số tổ chức công trình xanh có cấp chứng chỉ. Tại văn phòng APDI, đến thời điểm hiện tại thì chưa có công trình nào được cấp chứng chỉ, nhưng một số dự án sắp tới của APDI đang triển khai có làm việc với đơn vị cấp chứng chỉ công trình xanh. Mỗi tổ chức công trình xanh lại có những tiêu chí khác nhau để phù hợp với từng thể loại và quy mô công trình.

Các tiêu chí của các tổ chức công trình xanh đề ra đương nhiên là để thực hiện và nó có các mức đánh giá khác nhau, càng khó thực hiện thì cấp chứng chỉ càng cao nên tùy theo dự án và mong muốn của chủ đầu tư và kiến trúc sư mà lựa chọn những tiêu chí phù hợp.

Theo tôi, một số tiêu chí cơ bản của công trình xanh bao gồm địa điểm bền vững, sử dụng tài nguyên năng lượng hiệu quả, chất lượng môi trường trong nhà, kiến trúc tiên tiến giàu bản sắc và tính xã hội – nhân văn được đề cao.

Các thiết kế của APDI kể cả không phải để cấp chứng chỉ thì cũng đều phải nghiên cứu về một số yếu tố chính như công trình phải phù hợp với địa điểm và bối cảnh môi trường xung quanh, tại mỗi vị trí thì sẽ có một số yếu tố sẽ tác động đến công trình. Các thiết kế phải đảm bảo việc thông gió và chiếu sáng tự nhiên, tăng sự tiện nghi vi khí hậu cho con người ở trong đó. Chúng tôi rất quan tâm đến việc công trình đó tác động tiêu cực trực tiếp đến môi trường xung quanh.

PV: Theo đánh giá của ông, hiện các công trình xanh ở Việt Nam đang phát triển ở mức nào?

Kiến trúc sư Nhâm Chí Kiên: Theo đánh giá chủ quan của tôi thì các công trình xanh ở Việt Nam đang có môi trường phát triển rất tốt, vì đơn giản là biến đổi khí hậu đang diễn ra rất rõ như nước biển dâng, trái đấy nóng lên, khí hậu thay đổi nhanh và ngày càng khắc nghiệt. Từ đó, nhận thức của phần đông xã hội đang tốt hơn nên chủ đầu tư đòi hỏi người thiết kế phải có đủ kiến thức về sinh thái và môi trường.

Ngoài tính thẩm mỹ, công trình đó còn được thiết kế sao cho hợp lý về công năng sử dụng, hài hòa với môi trường xung quanh, tạo nên sự bền vững và lợi ích lâu dài cho người sử dụng. Tôi nghĩ, chúng ta cần phát triển nhiều hơn nữa các công trình xanh tại Việt Nam.

PV: Thách thức lớn nhất cho thiết kế hay xây dựng một công trình xanh bền vững là gì?

Kiến trúc sư Nhâm Chí Kiên: Ở nhiều nước phát triển, khái niệm công trình xanh và các công trình xanh được cấp chứng chỉ đã có từ lâu, còn ở Việt Nam hiện tại cũng chỉ là những bước đi đầu tiên nên cần có thời gian để chứng minh tính hiệu quả công trình trong thực tế và sự lan tỏa trong toàn xã hội. Một thách thức không nhỏ nữa là ngoài việc các giải pháp thiết kế thì những vật liệu xanh thay thế rất hạn chế, công nghệ xây dựng kém phát triển, do vậy không có nhiều lựa chọn cho kiến trúc sư và chủ đầu tư.

Một trở ngại không nhỏ tới việc thiết kế của giới kiến trúc sư Việt Nam nữa phải kể đến giá trị chất xám (thiết kế phí khoảng 2 - 4%) còn rất thấp so với mặt bằng chung của thế giới (thiết kế phí khoảng 8 -1 2%). Trong 2 - 4% đó, có trường hợp kiến trúc sư còn không được nhận đủ, dẫn đến kiến trúc sư không đủ tâm huyết và chuyên tâm làm nghề, nhất là kiến trúc sư lại đóng quá nhiều vai trò mà không đơn thuần chỉ là việc thiết kế.

Tôi cũng xin lưu ý, chúng ta cũng cần có những cơ chế khuyến khích và những ưu đãi từ phía Nhà nước đối với những công trình xây dựng xanh. Để từ đó, các chủ đầu tư quan tâm đến việc xây dựng công trình xanh, số lượng công trình xanh sẽ được nhân lên và lan rộng trong xã hội.

Có thể khẳng định, hiện nay, mức độ ô nhiễm ngày càng gia tăng, việc xây dựng công trình nhà ở, khu dân cư, khu đô thị kết hợp cảnh quan là khá phổ biến. Thực tế, bản chất của kiến trúc xanh là lấy môi trường làm trung tâm, trong đó môi trường – khí hậu – cảnh quan là nhân tố chính để xây dựng những nguyên lý về kiến trúc xanh bền vững.

Tuyết Hạnh – Diệu Anh (Ảnh APDI)

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load