Thứ bảy 27/04/2024 12:04 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Kiến tạo giá trị sống “xanh”

10:22 | 20/06/2020

(Xây dựng) - Phát triển bền vững, tăng trưởng xanh là mục tiêu hàng đầu trong quá trình đô thị hóa. Trong đó, một đô thị xanh phải được cấu thành đầy đủ các yếu tố như: Giảm phát thải cacbon, khí nhà kính vào môi trường; kiểm soát được nguồn chất thải; sử dụng nhiên liệu sạch, tiết kiệm, thân thiện môi trường; đảm bảo yếu tố cây xanh, mặt nước, văn hóa trong mỗi đô thị… Tuy nhiên, hầu hết các đô thị tại Việt Nam lại chưa đáp ứng được yêu cầu trên.

kien tao gia tri song xanh
Đô thị phát triển bền vững phải là một liên kết đô thị, từ Nhà nước, nhà đầu tư, cho đến người dân hưởng thụ… (Nguồn: Internet).

Mặt trái của việc phát triển đô thị nhanh chóng chính là sự đe dọa với môi trường sống. Các đô thị tại Việt Nam, đặc biệt là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, phải đối mặt với nhiều vấn đề như kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, tình hình úng ngập, ùn tắc giao thông… và các thách thức liên quan đến môi trường, biến đổi khí hậu ngày càng lớn.

Không những thế, quá trình đô thị hoá nhanh đang gây sức ép về suy giảm môi trường sống do không kiểm soát được lượng chất thải phát sinh, nhất là chất thải rắn và nước sinh hoạt. Theo thống kê, hiện có khoảng 80-85% số lượng đô thị sử dụng các bãi rác chôn lấp không hợp vệ sinh dẫn đến ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Một số chuyên gia cho rằng, khi điều kiện sống ngày càng được nâng cao, con người cần những yêu cầu khắt khe hơn về môi trường sống, nhất là tại những thành phố lớn. Điều này đòi hỏi sự dung hòa giữa chủ đầu tư và người mua nhà trong việc đưa vào không gian đô thị những ý tưởng về văn hóa, xã hội để cùng chia sẻ và nâng cao nhận thức về phát triển công trình xanh nói riêng, đô thị xanh nói chung.

Công trình xanh không chỉ là câu chuyện của riêng ai, mà là của mọi người, những con người “xanh”. Trong đó, cần có người đi đầu với tư duy “xanh” một cách rõ ràng để từ đó có sự đồng thuận và thống nhất cao khi thúc đẩy công trình xanh phát triển tại Việt Nam. Theo ông Đỗ Viết Chiến - Tổng Thư ký Hiệp hội bất động sản Việt Nam, để tư duy sống xanh, thông minh trở thành nhu cầu bức thiết, là sự lựa chọn của số đông và đưa điều đó trở thành nhận thức bền vững, thì sự nỗ lực của riêng các chủ đầu tư thôi là chưa đủ. Phải là một liên kết đô thị, từ Nhà nước, nhà đầu tư, cho đến người dân hưởng thụ phải hiểu được vấn đề này và thống nhất trong hành động, như vậy mới mong được đô thị xanh…

Nói là vậy nhưng thực tế, để tìm được một đô thị đảm bảo đủ yếu tố xanh, an lành tại các khu vực trung tâm đang trở nên khó khăn. Mặc dù có nhiều tòa nhà, căn hộ sử dụng các thiết bị tiện nghi, hiện đại nhưng vẫn không tránh khỏi khói bụi, tiếng ồn, đặc biệt thiếu các không gian sinh hoạt cộng đồng, vườn hoa, cây xanh, môi trường giao lưu văn hóa giữa các cư dân, thiếu chỗ đỗ xe, trường học… Hiếm hoi lắm chúng ta mới có được một vài khu đô thị được công nhận là đô thị xanh, sinh thái như Ecopark, Gamuda Gardens…. Khu đô thị Linh Đàm cũng từng được đánh giá là khu đô thị kiểu mẫu với công viên, mặt nước, cây xanh giờ lại đang trong tình trạng quá tải, phá nát quy hoạch, còn lại nhiều nơi khá nhếch nhác, lộn xộn, xuống cấp, thiếu quy hoạch, đặc biệt là các khu tái định cư.

Về vấn đề trên, PGS.TS KTS Hoàng Mạnh Nguyên - Giám đốc điều hành Viện Đô thị xanh Việt Nam cho rằng, hiện tại Hà Nội và các đô thị khác đang mở rộng diện tích rất lớn. Nhưng, đô thị hóa không có nghĩa là di cư vào thành phố, bành trướng thành phố mà là sự phát triển bền vững, hướng đến các đô thị xanh bền vững, với các giải pháp kiến tạo dựa trên yếu tố môi trường, kinh tế - xã hội cùng tiêu chí tiết giảm năng lượng tiêu thụ, chính sách tái sử dụng năng lượng, xây dựng không gian quần thể làm sao để hài hòa thiên nhiên, hướng đến tương lai mà không ảnh hưởng đến không gian xung quanh…

Hiện nay, Chính phủ có nhiều chính sách hướng đến 4.0 – là giải pháp hướng đến sự phát triển hài hòa, bền vững. Từ những dự án, ban đầu chủ đầu tư phải tìm được nhà tư vấn phát triển dự án để tư vấn hoàn thiện các tiêu chí. Đồng thời, nhà tư vấn phải có năng lực tính toán, chia sẻ với nhà đầu tư về các tiêu chí làm sao có thể cân nhắc được tính xã hội đưa vào hiện thực và khi ứng dụng phải có sự chắt lọc theo từng dự án, từng khu vực.

Đây cũng là xu hướng sống mới của cư dân đô thị hiện đại. Trong cấu trúc đô thị, không gian xanh là một bộ phận không thể tách rời, làm tăng tính thẩm mỹ, tạo ra sự phong phú về hình khối, màu sắc cảnh quan đô thị. Thế nên, môi trường sống hiện đại phải đáp ứng yêu cầu về an toàn, xanh, sạch, đẹp, gần gũi với thiên nhiên, nâng cao giá trị cuộc sống và họ sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm thân thiện với môi trường, đặc biệt là nhà ở gắn với không gian xanh, tiện ích tối ưu trong mọi ứng dụng.

Do đó, các chủ đầu tư phải đổi mới cách làm, không chạy theo lợi nhuận để làm sao có phẩm vừa đáp ứng yêu cầu của đô thị hiện đại, lại phù hợp với thu nhập của người dân, phải giải quyết được cả cuộc sống của cư dân trong đô thị đó…

Linh Đan

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load