Chủ nhật 15/12/2024 02:31 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Pháp luật /

Kiên Giang: Cần thực hiện nghiêm túc quy hoạch cấp nước, tiết kiệm, sử dụng có hiệu quả nguồn nước ngọt trước mắt và lâu dài

18:20 | 18/08/2023

(Xây dựng) - Sau khi nghiên cứu Kết luận Thanh tra số 01/KL-TTr ngày 18/4/2023 về việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; việc tổ chức và hoạt động sản xuất kinh doanh đối với Công ty TNHH MTV Cấp nước Kiên Giang đã nêu ra nhiều vấn đề vi phạm của công ty và các yêu cầu khắc phục cụ thể nhằm nâng cao trách nhiệm của công ty, của các cá nhân cụ thể trong việc cung cấp nước sinh hoạt cho người dân thành phố Rạch Giá (Kiên Giang), chúng tôi thấy có một vấn đề mà Kết luận Thanh tra nêu cũng cần được làm rõ để công ty yên tâm sản xuất, phục vụ nhân dân một cách tiết kiệm và có hiệu quả trong việc sử dụng nước sinh hoạt.

Kiên Giang: Cần thực hiện nghiêm túc quy hoạch cấp nước, tiết kiệm, sử dụng có hiệu quả nguồn nước ngọt trước mắt và lâu dài

Cụ thể, Kết luận nêu: “Giám đốc công ty tiếp tục thoả thuận mua nước sạch của công ty Mekong từ năm 2019 – 2022 với giá 6.000đồng/m3, không báo cáo chủ sở hữu, không đảm bảo bù đắp chi phí sản xuất kinh doanh, cao hơn giá bán nước sạch của công ty khác, có dấu hiệu thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao, gây thất thoát, lãng phí ngân sách Nhà nước”. Và vấn đề này, Thanh tra tỉnh Kiên Giang chuyển hồ sơ vụ việc sang cơ quan điều tra để xem xét.

Kết luận trên bắt đầu từ hợp đồng được ký kết ngày 29/11/2017, bên A là Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước Kiên Giang, bên B (bên bán nước sạch) là Công ty Cổ phần Tư vấn và cấp nước Đông Nam Á Mekong Rạch Giá (viết tắt ESACO MEKONG RACHGIA). Đây là một hợp đồng dân sự giữa hai bên và thống nhất giá mua bán nước sạch là 6.000đồng/m3 (chưa bao gồm thuế VAT).

Để có giá nước này, Công ty Mekong Rạch Giá đã có Tờ trình số 72/TTr-MKRG ngày 02/11/2016 gửi UBND tỉnh Kiên Giang, trong đó có nội dung: Giá bán sỉ nước sạch năm đầu tiên của dự án là 6.000đồng/m3 (chưa bao gồm VAT). Lộ trình tăng giá nước hằng năm sẽ được điều chỉnh tăng với tỉ lệ tương ứng với lộ trình tăng giá hằng năm của Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước Kiên Giang.

Ngày 15/11/2016, Sở Tài chính Kiên Giang ký Công văn số 1732/STC-QLGCS gửi Sở Xây dựng có nội dung sau: “Việc xác định giá thành sản xuất nước sạch dựa trên cơ sở dự toán đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước Nam Rạch Giá công suất 20.000m3/ngày đêm, giai đoạn 1 là 10.000m3/ngày đêm của Công ty Cổ phần Tư vấn và cấp nước Đông Nam Á Mekong Rạch Giá là phù hợp”.

Ngày 28/11/2016, Sở Xây dựng tỉnh Kiên Giang ký Tờ trình số 1858/TTr-SXD gửi UBND tỉnh Kiên Giang: “Xin chấp thuận giá bán buôn nước sạch và khối lượng nước tiêu thụ thuộc Dự án Đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước Nam Rạch Giá tỉnh Kiên Giang công suất 20.000m3/ngày đêm, giai đoạn 1 là 10.000m3/ngày đêm”. Với nội dung, giá buôn nước sạch trong năm đầu tiên là 6.000đồng/m3 (chưa bao gồm VAT) thời gian thực hiện buôn bán bắt đầu từ quý I/2018.

Văn bản trên còn nêu rõ: Trường hợp giá tiêu thụ nước sạch (giá bán lẻ) bình quân bao gồm thực hiện giá nước bán buôn nêu trên cao hơn giá hiện hành theo Quyết định số 12/2016/QĐ-UBND của UBND tỉnh, Công ty TNHH MTV Cấp nước Kiên Giang lập thủ tục trình, điều chỉnh giá tại thời điểm thích hợp để đảm bảo bù đắp được chi phí sản xuất kinh doanh và có mức lợi nhuận hợp lý theo quy định.

Mức giá 6.000đồng/m3 do Sở Xây dựng đề nghị và UBND tỉnh chấp nhận là phù hợp với Quyết định số 12/2016/QĐ-UBND ngày 29/3/2016 của UBND tỉnh Kiên Giang về việc Quy định giá tiêu thụ nước sạch trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, cụ thể: Thành phố Rạch Giá, thị xã Hà Tiên và huyện Kiên Lương: 7.000đồng/m3; huyện Phú Quốc: 7.500 đồng/m3; các huyện còn lại 6.000đồng/m3. Quyết định này hiện nay đang còn hiệu lực. Từ các tài liệu trên cho thấy, Kết luận của Thanh tra tỉnh Kiên Giang đang thiếu căn cứ cơ sở pháp luật.

Trở lại Dự án Nhà máy nước Nam Rạch Giá do Công ty Cổ phần Tư vấn và cấp nước Đông Nam Á Mekong Rạch Giá đầu tư. Ngày 16/4/2015, Công ty Cổ phần Tư vấn và cấp nước Đông Nam Á Mekong Rạch Giá có Tờ trình số 036/TTr-KHDTKG về việc xin chủ trương đầu tư Dự án xây dựng hệ thống cấp nước Nam Rạch Giá gửi UBND tỉnh và Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kiên Giang xin Dự án Đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước Nam Rạch Giá công suất 20.000m3/ngày đêm.

Ngày 24/6/2015, Sở Kế hoạch và Đầu tư có Tờ trình số 118/TTr-SKHDT gửi UBND tỉnh Kiên Giang về việc xin chủ trương cho Công ty Cổ phần Tư vấn và cấp nước Đông Nam Á Mekong Rạch Giá thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước Nam Rạch Giá tại ấp Phước Ninh, xã Mong Thọ, huyện Châu Thành với công suất 20.000m3/ngày đêm.

Ngày 25/6/2015, Văn phòng UBND tỉnh Kiên Giang ban hành Công văn số 2867/VP-KTCN gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư thông báo ý kiến của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Văn Huỳnh như sau: Chấp thuận theo ý kiến của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 118/TTr-SKHDT ngày 24/6/2015; Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các Sở, ngành có liên quan hướng dẫn nhà đầu tư tổ chức thực hiện đúng quy định của pháp luật hiện hành.

Các căn cứ xây dựng Nhà máy nước Nam Rạch Giá

Quyết định số 2487/QĐ-UBND ngày 27/11/2014 của UBND tỉnh Kiên Giang về việc phê duyệt quy hoạch cấp nước vùng tỉnh Kiên Giang đến năm 2025. Tại mục 6.3: Nhà máy nước Nam Rạch Giá: Công suất năm 2015 là 20.000m3/ngày đêm; năm 2020 là 20.000m3/ngày đêm; năm 2025 là 40.000m3/ngày đêm.

Ngày 16/8/2018, UBND tỉnh Kiên Giang ban hành Kế hoạch số 133/KH-UBND về việc thực hiện Chương trình bảo đảm cấp nước an toàn và chương trình chống thất thoát, thất thu nước sạch trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đến năm 2025.

Tại mục 2 của chương trình này có quy định: Nhà máy nước Nam Rạch Giá đảm bảo phát huy hết công suất thiết kế giai đoạn 1 là 10.000m3/ngày đêm; nâng công suất thiết kế giai đoạn 2 là 20.000m3/ngày đêm trước năm 2020.

Ngày 12/7/2016, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kiên Giang cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu với nội dung chính: Tên nhà đầu tư: Công ty Cổ phần Tư vấn và cấp nước Đông Nam Á – Mekong – Rạch Giá. Địa chỉ trụ sở chính: Số 18 Lý Thường Kiệt, phường Vĩnh Thanh Vân, thành phố Rạch Giá. Tên dự án đầu tư: Xây dựng hệ thống cấp nước Nam Rạch Giá. Quy mô dự án: Giai đoạn 1 công suất 10.000m3/ngày đêm; giai đoạn 2 thêm cụm xử lý công suất 10.000m3/ngày đêm. Thời gian xây dựng: Giai đoạn 1 từ tháng 3/2016 đến tháng 12/2017; giai đoạn 2 từ 3/2018 đến quý III/2018. Tổng số vốn đầu tư: 254 tỷ đồng. Thời gian hoạt động của dự án: 50 năm.

Đầu năm 2022, nhà máy đã đầu tư 221 tỷ đồng trên tổng mức đầu tư là 254 tỷ đồng. Công suất nhà máy đầu năm 2022 đạt mức 18.000 đến 20.000m3/ngày đêm và công suất đạt 40.000m3/ngày đêm vào năm 2025 theo quy hoạch.

Theo biên bản thỏa thuận phân vùng cấp nước, ngày 28/6/2016 được ký giữa nhà đầu tư với Công ty TNHH MTV Cấp nước Kiên Giang. Sản lượng tiêu thụ theo cam kết đến năm 2022 là 22.851 m3/ngày đêm.

Hiện tại, Công ty TNHH MTV Cấp nước Kiên Giang mới sử dụng dưới 12.000 m3/ngày đêm, tương ứng với 50% sản lượng cam kết. Vậy tại sao lại có tình trạng lãng phí này?

Có thể nói, tình trạng lãng phí nước sạch nêu trên bắt đầu từ một hợp đồng mới được ký ngày 31/10/2022 do bên mua là Công ty TNHH MTV Cấp nước Kiên Giang và bên bán là Công ty Cổ phần Cấp nước và môi trường Thạnh Lộc. Trong hợp đồng này có thỏa thuận giá mua bán (sỉ) giữa hai bên là 4.500đồng/m3 (chưa bao gồm 5% thuế giá trị gia tăng).

Công ty Cổ phần Cấp nước và môi trường Thạnh Lộc tỉnh Kiên Giang được Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Kiên Giang cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu ngày 18/7/2014 với nội dung chính: Tên dự án đầu tư: Nhà máy Cấp nước Thạnh Lộc. Công suất giai đoạn 1 là 5.000m3/ngày đêm. Địa điểm thực hiện dự án: Khu công nghiệp Thạnh Lộc, xã Thạnh Lộc, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang.

Qua thủ tục pháp lý cho thấy, Nhà máy Cấp nước Thạnh Lộc ra đời nhằm phục vụ cho Khu công nghiệp Thạch Lộc. Mặt khác, trong Quyết định số 2487/QĐ-UBND ngày 27/11/2014 của UBND tỉnh Kiên Giang về việc phê duyệt quy hoạch cấp nước vùng tỉnh Kiên Giang đến năm 2025 không có tên nhà máy cấp nước này. Như vậy, Nhà máy cấp nước Thạnh Lộc không có trong quy hoạch cấp nước của tỉnh. Vì vậy, chưa được phép đấu nối với mạng cấp nước phục vụ dân sinh của thành phố Rạch Giá.

Mặt khác, về yêu cầu cấp nước phục vụ dân sinh theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế cũng có những yêu cầu cao hơn về các chỉ tiêu cơ học, vi sinh… Trong khi, chỉ trong một thời gian ngắn vận hành mà nhà máy này đã để xảy ra ít nhất một lần nhiễm mặn ảnh hưởng đến đời sống của người dân đô thị thành phố Rạch Giá. Thông qua các biên bản họp, giải quyết vấn đề nhiễm mặn ngày 09/5/2023 và ngày 10/5/2023 giữa Công ty TNHH MTV Cấp nước Kiên Giang và Công ty Cổ phần Cấp nước và môi trường Thạnh Lộc về việc xử lý tình trạng nước nhiễm mặn.

Bên cạnh đó, giá bán nước sỉ giữa hai công ty này ký kết với giá 4.500đồng/m3 cũng chưa được các cơ quan chức năng của tỉnh xem xét thẩm định theo quy định của pháp luật và trình cấp thẩm quyền.

Để đầu tư xây dựng một nhà máy cấp nước với công suất 20.000m3/ngày đêm Công ty Cổ phần Tư vấn và cấp nước Đông Nam Á Mekong Rạch Giá đã phải bỏ vốn đầu tư trên 250 tỷ đồng, theo quy hoạch sau năm 2025 công suất của nhà máy có thể lên đến 40.000m3/ngày đêm theo yêu cầu. Với quy mô công suất như vậy, nhà máy đã sử dụng dây chuyền công nghệ tiên tiến, trong dự kiến nhà máy có hai hồ chứa nước dự trữ khoảng gần 200.000m3 nước nhằm dự phòng thời gian nhiễm mặn trong thời gian khoảng 10 ngày.

Như vậy, việc sử dụng nước để cấp từ một nhà máy có quy mô nhỏ, thiếu an toàn, khả năng nhiễm mặn cao, nhà máy lại nằm trong khu công nghiệp không đảm bảo cho các quy chuẩn xây dựng nhà máy nước. Việc làm trên sẽ tạo ra một tiền lệ xấu trong việc đầu tư xây dựng không tuân thủ quy hoạch được cấp thẩm quyền phê duyệt, gây lãng phí tiền của Nhà nước và của nhà đầu tư.

Theo chúng tôi, trong giai đoạn hiện nay các Bộ, ngành và Chính phủ đang tập trung mọi nguồn lực để thực hiện Chương trình chống biến đổi khí hậu và tình trạng nhiễm mặn của khu vực các tỉnh đồng bằng miền Nam nói chung và tỉnh Kiên Giang nói riêng. Tình trạng thiếu nước ngọt sinh hoạt một cách trầm trọng cũng đã diễn ra tại một số tỉnh trong một số mùa hè vừa qua. Vì vậy, việc sử dụng nước ngọt một cách tiết kiệm có hiệu quả để phục vụ dân sinh phải được đặt lên hàng đầu trong việc phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của tỉnh. Đối với Nhà máy nước Nam Rạch Giá đã được UBND tỉnh phê duyệt trong quy hoạch cấp nước, một nhà máy đã hoàn thành với công suất 20.000m3/ngày đêm như dự kiến ban đầu nhưng tại sao hiện tại chỉ sử dụng 50% công suất? Nếu chỉ vì một lý do nào đó, do ai đó đầu tư sai quy hoạch, nước chưa đủ điều kiện để cấp cho dân sinh mà lại được đấu vào mạng lưới cấp nước dân sinh để gây ra tình trạng thừa nước sinh hoạt như trên nêu là hết sức lãng phí và không thể chấp nhận được. Đề nghị UBND tỉnh Kiên Giang làm rõ vấn đề nêu trên và kiên quyết xử lý loại bỏ những công trình cấp nước phát sinh ngoài quy hoạch.

Duy Nguyên

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load