Chủ nhật 26/01/2025 19:22 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bất động sản /

Kích cầu thị trường bất động sản

20:48 | 13/12/2023

(Xây dựng) – Lãi suất cho vay mua nhà hiện nay tại một số ngân hàng đang ở mức thấp, nhiều sản phẩm bằng với lãi suất huy động nhằm kích cầu cho thị trường bất động sản (BĐS). Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, thị trường vẫn trầm lắng do giá nhà vẫn quá cao so với thu nhập của người dân khiến nhiều người vẫn còn lăn tăn vì khả năng trả nợ.

Kích cầu thị trường bất động sản
Nhằm kích cầu thị trường BĐS, các ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất cho vay, trong đó thấp nhất là 5,9%/năm, kỳ hạn tối đa 25 năm (ảnh: T/L).

Các ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất

Sau khi lãi suất huy động về đáy, hàng loạt ngân hàng tiếp tục hạ lãi suất cho vay mua nhà. Hiện tại, mức lãi suất cho vay mua nhà ưu đãi nhất tháng 12 trên thị trường thuộc về Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) với mức lãi suất chỉ 5,9%/năm. Tỷ lệ cho vay tối đa tại ngân hàng này là 75%, kỳ hạn tối đa là 25 năm.

Ngân hàng Dầu khí Toàn Cầu (GPBank) cũng dành nhiều ưu đãi cho khách hàng mua nhà. Mức thấp nhất mà ngân hàng này áp dụng chỉ là 6,25%/năm.

Kể từ đầu tháng 11, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng đồng loạt điều chỉnh giảm lãi suất cho nhiều ngành nghề, nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng vay vốn phục vụ các nhu cầu mua nhà, mua ôtô… thời điểm cuối năm, với mức lãi suất thấp nhất cho vay mua nhà là 7,5%/năm trong 18 tháng hoặc 24 tháng đầu tiên. Trong tháng 12 này, mức lãi suất cho vay mua nhà thấp nhất mà BIDV dành cho khách hàng cũng giảm về 6,5%/năm.

Tương tự, các Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng áp dụng lãi suất cho vay mua nhà chỉ 6,5%/năm; Nngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) có mức lãi suất cho vay mua nhà rất thấp, chỉ là 6,8%/năm.

Ngoài ra, nhiều ngân hàng cũng có chính sách lãi suất cho vay mua nhà thấp, dưới 8%/năm như Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội (SHB) có mức lãi suất 7,5%/năm, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) là 7,5%/năm, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) là 7,6%/năm, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) là 7,9%/năm.

Theo nhận định của các chuyên gia, lãi suất cho vay mua nhà để ở đang ở mức thấp nhất trong lịch sử. Lý do khiến các ngân hàng có thể giảm mạnh lãi suất cho vay mua nhà là do mặt bằng lãi suất huy động cũng giảm rất mạnh so với thời gian trước và các ngân hàng cũng đang tạm "dư thừa" vốn huy động khá lớn.

Giảm lãi suất nhưng cần giảm cả giá nhà

Theo liệu thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực BĐS của toàn hệ thống đến nay đạt 2,74 triệu tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 21,46% tổng dư nợ đối với nền kinh tế. Trong đó, tín dụng BĐS tập trung vào mục đích tiêu dung – vay mua, sửa chữa nhà ở chiếm 64%, trong khi dư nợ cho vay đối với hoạt động kinh doanh BĐS chiếm tỷ trọng 36% dư nợ tín dụng lĩnh vực BĐS.

Có thể thấy, tín dụng kinh doanh BĐS có sự tăng trưởng cao hơn tỷ lệ tăng trưởng tín dụng chung và cao hơn cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy các giải pháp, nỗ lực của Chính phủ, ngành Ngân hàng và các Bộ, ngành, địa phương trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường BĐS đang dần phát huy hiệu quả. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng cũng tích cực triển khai cho vay theo các chương trình hỗ trợ nhà ở của Chính phủ.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, bất chấp lãi suất thế giới tăng cao, nhiều nước vẫn tăng lãi suất để thắt chặt tiền tệ nhưng năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh giảm 4 lần lãi suất điều hành, điều tiết tiền tệ hợp lý, các khoản cho vay mới bình quân của 10 tháng năm nay đã giảm khoảng 3%. Đây là một nỗ lực rất lớn của ngành Ngân hàng trong việc tháo gỡ khó khăn và kích cầu cho thị trường BĐS của hệ thống ngân hàng thông qua việc giảm mạnh lãi suất và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.

Tuy nhiên theo các chuyên gia, hiện thị trường BĐS vẫn trầm lắng, thanh khoản chưa có nhiều cải thiện là do còn tồn tại không ít vấn đề như giá nhà còn cao, mất cân đối cung cầu trong các phân khúc, việc phát triển nhà ở xã hội còn gặp nhiều vướng mắc về pháp lý...

Trước đó, ngày 7/12, tại Hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất, kinh doanh thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã chỉ đạo Bộ Xây dựng theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường BĐS để kịp thời tham mưu, đề xuất chính sách phù hợp, hiệu quả nhằm thúc đẩy phát triển thị trường; chỉ đạo các địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình các dự án, tiến độ triển khai, giải ngân vốn, các khó khăn vướng mắc để kịp thời có giải pháp tháo gỡ.

Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030". Hướng dẫn các doanh nghiệp BĐS cơ cấu lại các phân khúc, giảm giá bán sản phẩm…

Nhiều ý kiến kỳ vọng, nếu giá nhà đất giảm sẽ có tác dụng kích cầu lớn hơn nhiều so với việc các ngân hàng giảm lãi suất, bởi nhu cầu mua nhà để ở của người dân vẫn còn rất lớn.

Đan Linh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load