Thứ ba 24/12/2024 11:54 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Không nộp Quỹ phòng chống thiên tai có được không?

08:08 | 20/12/2024

(Xây dựng) - Đóng góp Quỹ phòng, chống thiên tai là trách nhiệm bắt buộc của các tổ chức kinh tế trong nước và nước ngoài ở Việt Nam. Không đóng Quỹ sẽ bị phạt tiền.

Không nộp Quỹ phòng chống thiên tai có được không?
Đóng Quỹ phòng, chống thiên tai là trách nhiệm bắt buộc của các tổ chức kinh tế trong nước và nước ngoài ở Việt Nam.

Ngày 1/8/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 78/2021/NĐ-CP về thành lập và quản lý Quỹ phòng, chống thiên tai.

Căn cứ theo Khoản 1 Điều 12 Nghị định 78/2021/NĐ-CP có quy định như sau: Mức đóng góp bắt buộc từ các tổ chức kinh tế trong nước và nước ngoài trên địa bàn một năm là 0,02% trên tổng giá trị tài sản hiện có theo báo cáo tài chính lập ngày 31 tháng 12 hàng năm của tổ chức báo cáo cơ quan Thuế; nhưng tối thiểu là 500 nghìn đồng, tối đa 100 triệu đồng và được hạch toán vào chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh của tổ chức.

Về thời gian đóng Quỹ phòng chống thiên tai, tại Điều 15 Nghị định 78/2021/NĐ-CP có quy định như sau: Thời hạn nộp Quỹ cấp tỉnh: Đối với cá nhân nộp một lần trước 31/7 hàng năm; đối với tổ chức kinh tế trong nước và nước ngoài trên địa bàn nộp tối thiểu 50% số phải nộp trước 31/7, số còn lại nộp trước 30/11 hàng năm.

Trong trường hợp thiên tai, dịch bệnh kéo dài và ảnh hưởng phạm vi lớn, Chủ tịch UBND cấp tỉnh xem xét, điều chỉnh thời hạn nộp hoặc quyết định miễn, giảm đóng góp Quỹ cấp tỉnh cho phù hợp.

Như vậy, Quỹ phòng chống thiên tai là quỹ bắt buộc phải đóng đối với doanh nghiệp, không phải là tự nguyện đóng. Các tổ chức kinh tế trong nước và nước ngoài trên địa bàn phải nộp tối thiểu 50% số phải nộp trước ngày 31/7, số còn lại nộp trước 30/11 hàng năm.

Không nộp Quỹ phòng chống thiên tai có được không?
Trước ngày 30/11 hàng năm, các tổ chức kinh tế trong nước và nước ngoài ở Việt Nam phải hoàn thành việc nộp Quỹ.

Tại Nghị định số 03/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều. Trong đó, hành vi vi phạm về đóng góp Quỹ phòng, chống thiên tai được quy định tại Điều 17, cụ thể:

1. Phạt tiền đối với hành vi không đóng Quỹ phòng, chống thiên tai như sau:

a, Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi không đóng Quỹ phòng, chống thiên tai dưới 300.000 đồng;

b, Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi không đóng Quỹ phòng, chống thiên tai từ 300.000 đồng đến dưới 500.000 đồng;

c, Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi không đóng Quỹ phòng, chống thiên tai từ 500.000 đồng đến dưới 3.000.000 đồng;

d, Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không đóng Quỹ phòng, chống thiên tai từ 3.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng;

đ, Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi không đóng Quỹ phòng, chống thiên tai từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng;

e, Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với hành vi không đóng Quỹ phòng, chống thiên tai từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng;

g, Phạt tiền từ 12.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không đóng Quỹ phòng, chống thiên tai từ 20.000.000 đồng đến dưới 40.000.000 đồng;

h, Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi không đóng Quỹ phòng, chống thiên tai từ 40.000.000 đồng đến dưới 60.000.000 đồng;

i, Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi không đóng Quỹ phòng, chống thiên tai từ 60.000.000 đồng đến dưới 80.000.000 đồng;

k, Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi không đóng Quỹ phòng, chống thiên tai từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng;

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với tổ chức kinh tế trong nước và nước ngoài khi thực hiện hành vi không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ danh sách kế hoạch thu, nộp Quỹ phòng, chống thiên tai của các cá nhân do mình quản lý cho cơ quan có thẩm quyền.

Không nộp Quỹ phòng chống thiên tai có được không?
Không đóng Quỹ phòng chống thiên tai có thể bị phạt đến 50 triệu đồng.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc đóng Quỹ phòng, chống thiên tai.

Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp nâng cao trách nhiệm, nghĩa vụ thực hiện đóng góp Quỹ nhằm gia tăng nguồn lực xã hội hóa, giảm bớt cho ngân sách Nhà nước để phục vụ cho công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai.

Quỹ Phòng chống thiên tai là quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận.

Nguồn Quỹ đến từ sự hỗ trợ, đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài; đóng góp bắt buộc của tổ chức kinh tế trong nước và nước ngoài trên địa bàn (tối thiểu 500.000 đồng, tối đa 100 triệu đồng); điều tiết từ Quỹ trung ương và giữa các Quỹ cấp tỉnh; tiền lãi các khoản tiền gửi; tồn dư từ năm trước sang năm sau.

Quỹ sẽ chi cho ba hoạt động chính là ứng phó thiên tai; cứu trợ, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai và hoạt động phòng ngừa.

Không nộp Quỹ phòng chống thiên tai có được không?
Quỹ sẽ chi cho ba hoạt động chính là ứng phó thiên tai; cứu trợ, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai và hoạt động phòng ngừa.

Kế hoạch năm 2024, Quỹ PCTT tỉnh Quảng Ngãi thu trên 20 tỷ đồng; trong đó, khối cơ quan Nhà nước trên 3 tỷ đồng, khối doanh nghiệp gần 17 tỷ đồng. Theo thống kê của Cơ quan quản lý Quỹ, đến hết tháng 9/2024, chỉ có 3 đơn vị là Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ngãi hoàn thành việc thu - nộp Quỹ.

Đối với 13 huyện, thị xã, thành phố, thì có 3 huyện là: Mộ Đức, Minh Long, Ba Tơ thu nộp Quỹ đạt từ 53 - 67%, các địa phương còn lại đạt dưới 50%.

Riêng các huyện Sơn Tây, Tư Nghĩa, Trà Bồng, Bình Sơn và thành phố Quảng Ngãi thu nộp Quỹ chỉ đạt từ 10 - 26%. Công tác thu nộp Quỹ PCTT chưa đạt vì nhiều doanh nghiệp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nên dừng hoạt động, hoặc giải thể.

Lê Danh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load