(Xây dựng) - Con đường bê tông xi măng quanh co, leo men mép núi, nhiều đoạn dựng đứng, dẫn lên bản người Dao, ở độ cao hơn 1.400m so với mực nước biển. Những ngôi nhà gỗ và nhà trình tường thấp thoáng trong mây, trên lưng chừng núi Putaleng, tạo cảm giác giản dị, bình yên, đẹp như cổ tích. Đó là bản Sì Thâu Chải của người Dao ở xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu.
Trưởng bản Nghi (ngồi giữa) và ông San (bên trái) chia sẻ câu chuyện bên bếp lửa. |
Nhà trình tường trên lưng núi Putaleng
Không cầu kỳ, vuông vắn như nhà trình tường của người Hà Nhì, nhà trình tường của người Dao đầu bằng ở bản Sì Thâu Chải khá đơn giản. Nhà được xây trên diện tích vừa phải, hình chữ nhật; có 3 bức tường trình và 1 bức không trình đất. Hệ thống khung mái làm bằng gỗ hoặc cây tròn, trên mái lợp fibro xi măng đơn giản.
Lý giải tại sao chỉ trình tường 3 bức, Trưởng bản Sì Thâu Chải Lù A Nghi giải thích: Trước kia, chúng tôi không biết làm cửa sổ nên trình tường 3 mặt, còn 1 mặt thường thưng bằng gỗ để lấy ánh sáng. Có nhà làm kín mít, để cửa nhỏ, ban ngày bước vào nhà tối um, không nhìn rõ người.
Chỉ tay và dẫn chúng tôi đến nhà của già làng Lù A San, anh Nghi nhấn mạnh: Giờ người Dao đã biết để cửa sổ cho thoáng nên ngôi nhà này trình tường cả 4 mặt.
Bước vào ngôi nhà có cổng hoa leo khá đẹp, nhà chính bằng gỗ rộng 3 gian, để làm homestay; phía ngang là căn bếp rộng chừng 30 - 35m2. Căn bếp được trình tường bằng đất, có 1 cửa to để ra vào, 1 cửa sổ ở góc phải lấy ánh sáng. Mỗi bức tường trình dày 40cm, chắc chắn.
Ngôi nhà này được trình tường cả 4 mặt. |
Trong trập trùng mây núi, giữa cái lạnh tái tê của thời tiết Tết Nhâm Dần, bên bếp lửa đỏ rực, xua tan giá lạnh; ông San trầm ngâm: Thời tiết ở đây quanh năm lạnh, nhiệt độ cao nhất chỉ khoảng 20 độ thôi. Thời tiết lúc ôn hòa, lúc khắc nghiệt, có thời điểm mưa cả tháng, có tháng lại thiếu nước, khô hạn; đất ít màu mỡ nên người dân tộc Dao nơi đây chịu khó, kiên trì lắm.
Ông San kể: Trước đây, người H’mông và người Dao đỏ đã từng sinh sống ở Sì Thâu Chải này nhưng do thời tiết khắc nghiệt, đất sét thiếu màu mỡ, thiếu nước và không có nhiều đất để canh tác nên họ di chuyển lên Phong Thổ. Năm 1954, người Dao đầu bằng đến đây lập nghiệp, định cư từ đó đến nay. Vì sống trên núi cao, gần rừng rậm, có hổ và thú dữ nên từ xưa, người Dao đã làm nhà trình tường để tránh thú dữ; tránh đạn trong chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, lại hợp với khí hậu nơi này.
Nhà trình tường sử dụng đất sét sẵn có trong bản, giúp tiết kiệm tiền, lại ấm về mùa đông, mát về mùa hè nên vẫn được người Dao lựa chọn xây dựng. Ông San cho biết: Để xây dựng nhà trình tường như căn bếp nhà ông thì mất khoảng hơn 1 tháng, với trên 10 nhân công làm việc liên tục. Người dân trong bản giúp nhau làm nhà.
Mùa xuân bình yên, đẹp như cổ tích ở Sì Thâu Chải. |
Chia sẻ về cách làm nhà trình tường của người Dao, ông San cho biết: Đầu tiên là tạo khuôn bằng gỗ. Sau đó, lấy đất sét mịn, có độ dẻo vừa phải, đất khô, không được ướt; rồi đổ vào khuôn và trình thật mạnh, tạo sự kết dính. Sau đó sẽ tháo khuôn và làm phẳng mặt tường. Không quá phức tạp nhưng đòi hỏi nhiều công sức và khối lượng đất khá lớn.
Làm nhà gỗ, phát triển du lịch cộng đồng
Trong 62 hộ dân với gần 300 nhân khẩu, thì số nhà trình tường không nhiều. Để phát triển du lịch, người Dao Sì Thâu Chải chủ yếu làm nhà bằng gỗ. Cột đổ bê tông vững chắc, xung quanh nhà được ốp gỗ, trông rất hiện đại. Người dân chọn vật liệu gần gũi, thân thiện với môi trường; hạn chế sử dụng các vật liệu như xi măng, sắt thép.
Bản đá của người Dao đầu bằng, nằm lưng chừng núi Putaleng. Tường được xếp bằng đá. |
“Khởi động từ năm 2015 nhưng đến năm 2017 bản bắt đầu tập trung phát triển du lịch cộng đồng. Việc chăn nuôi được di chuyển ra ngoài lán ở nương, cách xa bản. Có vài nhà đã cải tạo xong nhà cửa hoặc xây dựng lại khang trang; có nhà còn thiếu vốn nên chưa cải tạo được nhà. Nhưng cả bản đồng thuận, cùng nhau phát triển du lịch cộng đồng. Khách đến trải nghiệm có thể ở lại bản, ăn uống, sinh hoạt cùng gia đình. Các món ăn đặc sản của người Dao như thịt treo gác bếp, thịt lợn bản; rau sạch, ngon và hấp dẫn” - Trưởng bản Lù A Nghi cho biết thêm.
Sì Thâu Chải còn là địa danh nhảy dù nổi tiếng. Gió đẩy dù bay cao, du khách có thể ngắm đỉnh núi Putaleng cao 3.049m; phía dưới là cánh đồng Bình Lư, thị trấn Tam Đường như lòng chảo nhỏ, xung quanh là mây núi bồng bềnh.
Thấy tôi thắc mắc về ý nghĩa tên bản, anh Nghi giải thích: Theo tiếng Quan Hỏa, Sì Thâu Chải nghĩa là bản đá. Nơi đây, rất nhiều đá; tường rào được xếp từ đá và con đường đi quanh bản, từ nhà nọ sang nhà kia cũng lát đá.
Rực rỡ sắc xuân. Những ngôi nhà gỗ khang trang, đẹp và hiện đại nhưng vẫn thân thiện với thiên nhiên núi rừng. |
Nhiều đá là vậy nhưng hoa cỏ Sì Thâu Chải lại đẹp rực rỡ, đầy sức sống, nhất là vào mùa xuân. Men theo con đường dẫn vào bản, đến các nhà là sắc hồng tuyệt đẹp của hoa đào; là sắc trắng tinh khôi của hoa mận; điểm pha chút vàng hoa cải còn vương lại từ mùa đông. Đặc biệt, nơi đây trồng nhiều hồng cổ, và được mệnh danh là “thiên đường hoa hồng”. Trên bờ đá, có cả loài hoa dại mà tôi không biết tên, cũng len lỏi, trổ hoa.
Để phòng chống dịch Covid -19, xuân này, Sì Thâu Chải không tổ chức lễ hội như mọi năm nhưng vẻ đẹp cổ tích của bản người Dao trên lưng núi này cũng đủ hấp dẫn du khách đến tham quan, trải nghiệm.
Trẻ em được học hành đầy đủ, 2 cô bé và 1 cậu bé chơi xích đu ở đầu bản. |
Vẫn trong thời gian nghỉ Tết Nguyên đán; điểm trường mầm non, cấp 1 và cấp 2 ở Sì Thâu Chải đóng cửa. Nhưng khi biết, trẻ con ở bản đều được học hành đầy đủ, ít nhất là hết cấp 3, lòng tôi rất vui. Chia tay Sì Thâu Chải, nụ cười giòn tan của 2 cô bé và 1 cậu bé chơi xích đu ở bãi đất đầu bản như níu chân tôi.
Vũ Huyền
Theo