(Xây dựng) - Tối 10/8, tại Quảng trường 20-11 thị trấn Tô Hạp, UBND huyện Khánh Sơn (tỉnh Khánh Hòa) tổ chức chương trình khai mạc Lễ hội trái cây Khánh Sơn lần thứ III năm 2024 với chủ đề “Khánh Sơn hội tụ - Tinh hoa đất trời”.
Ông Đinh Văn Thiệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa phát biểu chào mừng lễ hội. |
Phát biểu chào mừng lễ hội, ông Đinh Văn Thiệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, với nhiều lợi thế cạnh tranh khác biệt, huyện Khánh Sơn dần trở thành vùng cây ăn trái đặc sản có giá trị kinh tế cao của tỉnh và khu vực.
Cùng với phát triển nông nghiệp, huyện Khánh Sơn cần phát huy bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc, các di tích lịch sử - văn hóa... và khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch, gắn kết phát triển sản xuất, bảo tồn văn hóa và phát triển du lịch thành chuỗi liên kết trong phát triển kinh tế - xã hội để phát triển huyện nhà, sớm trở thành “Đô thị sinh thái núi rừng” theo định hướng Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Phát biểu tại lễ hội, ông Đinh Văn Dũng, Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn chia sẻ: Trong gần 20 năm qua, người dân Khánh Sơn đã tìm tòi, phát triển được nhiều sản phẩm nông nghiệp có giá trị, chất lượng cao như: Sầu riêng, mía tím, bưởi da xanh, măng cụt... được người tiêu dùng và thị trường đánh giá cao nhờ chất lượng vượt trội. Đặc biệt, sầu riêng Khánh Sơn đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu độc quyền; được bình chọn là “Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam”; huyện đã xây dựng được 34 sản phẩm OCOP, chủ yếu từ sầu riêng và các loại trái cây ngon khác…
Sầu riêng là loại nông sản thu hút du khách đến với Lễ hội trái cây Khánh Sơn. |
Lễ hội trái cây Khánh Sơn được địa phương tổ chức 2 năm 1 lần nhằm giới thiệu, quảng bá tiềm năng, thế mạnh nông nghiệp, du lịch của huyện; giúp nông dân kết nối cung cầu, hợp tác liên kết, tạo cơ hội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong quá trình sản xuất, tiếp cận thông tin, tiếp cận công nghệ mới trong lĩnh vực nông nghiệp; giới thiệu hình ảnh, con người, ẩm thực và sản phẩm du lịch của huyện Khánh Sơn…
Lễ hội trái cây lần này được huyện Khánh Sơn tổ chức trong thời gian 4 ngày, từ 10-13/8. Trong khuôn viên lễ hội ở Quảng trường 20/11, Ban tổ chức đã bố trí 60 gian hàng để trưng bày các loại trái cây có giá trị kinh tế cao của huyện như sầu riêng, măng cụt, bưởi da xanh, mít nghệ, mít tố nữ, mía tím... và các mặt hàng có giá trị kinh tế khác cho du khách mua sắm. Lễ hội còn có nhiều hoạt động đặc sắc như thi trái cây ngon, tái hiện các lễ hội truyền thống của người Raglai; biểu diễn và trưng bày nhạc cụ đàn đá...
Theo ông Đinh Văn Dũng, địa phương cũng tập trung thực hiện các hoạt động xúc tiến du lịch, kết nối để hợp tác phát triển, xây dựng các tour tuyến, kêu gọi đầu tư để thực hiện nhiều công trình, dự án trọng điểm cho phát triển du lịch trên địa bàn... Trong tiến trình phát triển du lịch, Khánh Sơn đặt mục tiêu đến đến năm 2025 thu hút 22.000 lượt khách, xây dựng được mô hình làng du lịch cộng đồng, điểm đến sinh thái nông nghiệp, đồng thời phục dựng lễ hội truyền thống của người Raglai,... nhằm phát huy các giá trị bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, phát triển du lịch nông nghiệp đặc trưng.
Hoàng Sơn
Theo