(Xây dựng) - Sáng 22/10, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên - Huế lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025 chính thức khai mạc với sự tham dự của 350 đại biểu. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng dự và phát biểu chỉ đạo. Đại hội diễn ra từ ngày 21/10 - 23/10.
Phát biểu chỉ đạo Đại hội, đồng chí Tòng Thị Phóng - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội yêu cầu Đại hội tập trung thảo luận để làm rõ từng vấn đề và phát huy tinh thần trách nhiệm, cùng nỗ lực để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị về sự phát triển của tỉnh. Cần phải đổi mới tư duy phát triển bền vững; khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh; đẩy mạnh quy hoạch đô thị; tiếp tục chăm lo đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số; xây dựng Đảng bộ ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Đồng chí Lê Trường Lưu, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên – Huế phát biểu khai mạc Đại hội. |
Phát biểu khai mạc, đồng chí Lê Trường Lưu – Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên – Huế nhấn mạnh: Năm năm qua, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, thiên tai, dịch bệnh, nhất là đầu nhiệm kỳ xảy ra sự cố môi trường biển, cuối nhiệm kỳ xảy ra đại dịch Covid-19, cơn bão số 5 và trận lũ lịch sử vừa qua đã ảnh hưởng nặng nề đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhưng Đảng bộ, quân và dân Thừa Thiên - Huế đã nỗ lực phấn đấu, không ngừng vươn lên, đạt những thành tích quan trọng trên các lĩnh vực, tạo thêm thế và lực mới để xây dựng Thừa Thiên - Huế phát triển nhanh và bền vững.
Tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức hợp lý, các ngành, lĩnh vực có bước phát triển tích cực. Kết cấu hạ tầng, bộ mặt đô thị, nông thôn ngày càng khang trang, hiện đại. Nhiều công trình, dự án quan trọng được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Công tác chỉnh trang, xây dựng, mở rộng không gian phát triển đô thị được quan tâm. Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế được triển khai quyết liệt, có ý nghĩa lớn kể cả về mặt xã hội và kinh tế.
Vị trí đô thị “di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh” của tỉnh được xác lập và khẳng định. Từng bước phát huy vị thế của trung tâm văn hóa, du lịch; y tế chuyên sâu; khoa học - công nghệ; giáo dục - đào tạo lớn của cả nước; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng nâng cao; tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, an sinh xã hội được bảo đảm. Công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch đạt nhiều kết quả tích cực.
Nhiệm kỳ qua, Đảng bộ, quân và dân Thừa Thiên - Huế đã nỗ lực phấn đấu đạt những thành quả quan trọng trên các lĩnh vực. Có 15/17 chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV xấp xỉ đạt, đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Nhiều dự án đầu tư lớn được cấp phép, triển khai, tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế trong thời gian tới. Công tác quy hoạch và quản lý, thực hiện quy hoạch đạt những kết quả tích cực. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư, phát triển, kết nối thuận lợi với các địa phương trong vùng và cả nước. Bộ mặt đô thị, nông thôn ngày càng khởi sắc.
Toàn cảnh Đại hội. |
Về phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2020 – 2025, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Phát huy sức mạnh toàn dân; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để xây dựng và phát triển Thừa Thiên - Huế đến năm 2025 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hoá Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh; đến năm 2030 là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hoá, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Tầm nhìn đến năm 2045, Thừa Thiên - Huế là thành phố Festival, trung tâm văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu đặc sắc của châu Á.
Nhiệm kỳ 2020 – 2025, tỉnh tập trung vào 6 chương trình trọng điểm như: Phát triển đô thị (bao gồm Chương trình di dời dân cư giải phóng mặt bằng khu vực I Kinh thành Huế); phát triển hạ tầng kinh tế - kỹ thuật và phát triển công nghiệp; phát triển văn hóa, du lịch - dịch vụ; chương trình cải cách hành chính gắn với phát triển chính quyền điện tử, dịch vụ đô thị thông minh; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài ra, tỉnh cũng xác định 13 nhiệm vụ và 4 nhóm giải pháp đột phá chiến lược nhằm sớm đưa Thừa Thiên – Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Ngay sau lễ chào cờ, Đại hội đã dành 1 phút mặc niệm 13 liệt sĩ vừa hy sinh khi làm nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ sự cố sạt lở tại thủy điện Rào Trăng 3 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền). Đại hội cũng đã tiến hành quyên góp, hỗ trợ đồng bào miền Trung bị hậu quả nặng nề do mưa lũ.
Trí Đức
Theo