Thứ bảy 20/04/2024 21:02 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Kế thừa kết quả của hệ thống TCQC kỹ thuật xây dựng

15:31 | 08/12/2020

(Xây dựng) – Những năm qua, việc ban hành và áp dụng hệ thống TCQC xây dựng đã đạt được nhiều kết quả và cũng trở thành định hướng kế thừa cho việc xây dựng hệ thống TCQC mới. Bên cạnh đó, hệ thống này cũng giải quyết các đòi hỏi cấp bách trong thực tiễn xây dựng của Việt Nam hiện nay và trong tương lai.

ke thua ket qua cua he thong tcqc ky thuat xay dung
Việc ban hành và áp dụng hệ thống TCQC xây dựng đã đạt được nhiều kết quả và cũng trở thành định hướng kế thừa cho việc xây dựng hệ thống tiêu chuẩn quy chuẩn mới.

Việc ban hành và áp dụng hệ thống TCQC xây dựng đã đạt được nhiều kết quả và cũng trở thành định hướng kế thừa cho việc xây dựng hệ thống TCQC mới.

Trong 60 năm lịch sử phát triển của Ngành, Bộ Xây dựng đã ban hành một hệ thống TCQC tượng đối đầy đủ theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ Xây dựng. Các TCQC này đã góp phần nâng cao vai trò quản lý Nhà nước trong các hoạt động xây dựng, đảm bảo mục tiêu an toàn cho con người và tài sản, bảo vệ môi trường.

Hệ thống TCQC hiện nay vừa là công cụ để thiết kế và xây dựng công trình, vừa là quy định pháp luật để các cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định, kiểm tra chất lượng công trình.

Trước thời điểm ra đời của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật số 68:2006/QH1, toàn ngành Xây dựng nói chung chỉ có 02 quy chuẩn xây dựng là Quy chuẩn Xây dựng Việt Nam 1997 gồm 03 tập và Quy chuẩn cấp thoát nước trong nhà và công trình năm 1999, được Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành theo chức năng, quyền hạn của Bộ Xây dựng. Các quy chuẩn này bắt buộc áp dụng cho mọi hoạt động xây dựng trên lãnh thổ Việt Nam.

Sau khi Luật 68:2006/QH11 có hiệu lực, Bộ Xây dựng và các bộ khác đã ban hành thêm nhiều quy chuẩn có liên quan đến xây dựng, trong đó một số quy chuẩn đã thay thế từng phần của bộ quy chuẩn năm 1997.

Tổng số QCVN liên quan đến các hoạt động xây dựng là 45 quy chuẩn, trong đó Bộ Xây dựng ban hành 16 QCVN và 3 tập Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia phát hành năm 1996-1997. Các Bộ, ngành khác ban hành 28 quy chuẩn.

Các tiêu chuẩn quốc gia về xây dựng do Bộ Xây dựng chủ trì biên soạn khoảng 900 tiêu chuẩn, bao gồm các lĩnh vực như: Quy hoạch, kiến trúc, khảo sát, thiết kế, kết cấu, vật liệu, phương pháp thử, thi công – nghiệm thu, cơ điện...

Về mặt kỹ thuật, quan điểm xuyên suốt trong quá trình triển khai Đề án 198 là xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn đồng bộ và mang tính hội nhập. Số lượng các tiêu chuẩn, quy chuẩn tinh gọn nhưng vẫn bảo đảm bao quát toàn bộ mọi lĩnh vực xây dựng.

Hệ thống TCQC phải tạo điều kiện cho việc áp dụng các công nghệ xây dựng mới, tiên tiến, phù hợp với các yêu cầu chất lượng công trình xây dựng, góp phần tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả đầu tư, thúc đẩy phát triển. Đồng thời, đảm bảo tiết kiệm tài nguyên đất đai, tiết kiệm thời gian trong thiết kế, thi công công trình; loại bỏ các thủ tục hành chính không liên quan đến kỹ thuật (các rào cản hành chính), giúp rút ngắn thời gian lập dự án…

Công tác xây dựng TCQC là văn bản quy phạm kỹ thuật, nhưng được lãnh đạo Bộ đưa vào chương trình theo dõi, chỉ đạo, giám sát quyết liệt như làm các văn bản quy phạm pháp luật. Năm 2019, Bộ trưởng Bộ Xây dựng - Trưởng Ban chỉ đạo Đề án đã chỉ đạo: Song song với việc thực hiện Đề án theo định hướng mới, Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường vẫn phải hoàn thiện, bổ sung, khắc phục ngay những bất cập trong các TCQC hiện hành, không để ảnh hưởng đến các hoạt động xây dựng. Mỗi nhiệm vụ, đều được các đồng chí lãnh đạo Bộ kiểm tra, đôn đốc sát sao nên đã khắc phục được tình trạng chậm muộn trong công việc. Kết quả năm 2019, Bộ Xây dựng đã ban hành được 4 quy chuẩn kỹ thuật và 64 tiêu chuẩn quốc gia (cả soát xét lại và biên soạn mới).

Riêng Bộ Xây dựng, trong năm 2020 dự kiến sẽ soát xét và xây dựng mới khoảng 71 TCVN; soát xét, bổ sung, chỉnh sửa các quy chuẩn như: QCVN 02 về số liệu điều kiện tự nhiên dùng trong xây dựng (thay thế QCVN 02:2009/BXD); QCVN 18 về An toàn trong xây dựng (thay thế QCVN 18:2014/BXD); QCVN 12 về Hệ thống điện của nhà ở và nhà công cộng (thay thế QCVN 12:2014/BXD) và một số quy chuẩn khác.

Việt Nam có những đặc điểm riêng cần kể đến khi quy hoạch hệ thống quy chuẩn như: Quy định pháp lý về quy chuẩn kỹ thuật (Luật 68/QH11) có một số khác biệt đối với các nước trên thế giới về hình thức, nội dung, cơ quan có thẩm quyền ban hành.

Nước ta đang có sẵn một hệ thống quy chuẩn kỹ thuật xây dựng đã được áp dụng trong thực tế nhiều năm. Tuy nhiên, đối tượng điều chỉnh của hệ thống này chưa bao phủ được hết lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng và các bộ chuyên ngành khác. Nhiều quy chuẩn trong hệ thống này được biên soạn chủ yếu dựa trên các tiêu chuẩn Liên Xô (cũ) và Nga hiện nay.

Ngành Xây dựng Việt Nam đang trên đà phát triển, hội nhập sâu và rộng với khu vực và thế giới. Việt Nam đã có kinh nghiệm trong việc xây dựng nhà, công trình dân dụng và công nghiệp, công trình cầu, đường và các công trình thủy lợi… phù hợp với điều kiện Việt Nam. Tuy nhiên, kinh nghiệm để tự biên soạn được các quy chuẩn kỹ thuật mang tính chất là tài liệu bao trùm toàn bộ lĩnh vực xây dựng còn hạn chế. Mặc dù vậy, cần thiết phải có quy chuẩn kỹ thuật bao quát các vấn đề chung cần có sự quản lý của Nhà nước để đảm bảo an toàn, chất lượng và một số đối tượng cụ thể cũng cần được quản lý do tác động xã hội lớn, do nhu cầu thực tiễn. Hệ thống quy chuẩn của các Bộ chuyên ngành nhìn chung là độc lập. Các điều kiện tự nhiên và yêu cầu quản lý Nhà nước có tính đặc thù, khác với các nước (ví dụ số liệu điều kiện tự nhiên, quy hoạch…).

Các yêu cầu đặt ra đối với việc quy hoạch hệ thống quy chuẩn của Việt Nam là: Đồng bộ, đầy đủ, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước và các hoạt động trong xây dựng; khuyến khích áp dụng các công nghệ tiên tiến, nâng cao năng suất lao động, chống thất thoát lãng phí; hướng tới các tiêu chí xanh, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, bảo vệ an ninh quốc gia (QĐ 198/QĐ-TTg).

Để giải quyết được các yêu cầu thực tế, hệ thống TCQC cần đảm báo các yêu cầu như: Không áp nguyên vẹn một hệ thống của nước ngoài thành hệ thống quy chuẩn xây dựng của Việt Nam. Chúng ta cần tự xây dựng hệ thống quy chuẩn xây dựng của mình. Do cần bao phủ đầy đủ các đối tượng nhà và công trình thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của ngành Xây dựng, mà nếu xét cụ thể thì có rất nhiều loại hình nhà và công trình khác nhau, nên cần phải có những quy chuẩn mang tính nguyên tắc chung, bao gồm những yêu cầu kỹ thuật cơ bản nhất có thể áp dụng cho mọi loại nhà và công trình, hoặc ít nhất là áp dụng đựợc cho một nhóm nhà và công trình. Các đối tượng nhà và công trình cụ thể cần thiết phải quản lý theo yêu cầu thực tiễn có thể biên soạn quy chuẩn riêng, trong đó phần chung viện dẫn từ các quy chuẩn nguyên tắc trên, phần riêng sẽ nêu các yêu cầu kỹ thuật có tính đặc thù đối với đối tượng nhà và công trình cụ thể đó.

Thảo Anh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load