Thứ bảy 20/04/2024 16:47 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Hội thảo Du lịch 2021: Du lịch Việt Nam - Phục hồi và phát triển

19:08 | 25/12/2021

(Xây dựng) - Sáng 25/12, tại thị xã Cửa Lò (Nghệ An), Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh Nghệ An tổ chức chương trình Hội thảo Du lịch 2021 “Du lịch Việt Nam phục hồi và phát triển”.

hoi thao du lich 2021 du lich viet nam phuc hoi va phat trien
Ông Nguyễn Đắc Vinh – Chủ tịch Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phát biểu khai mạc hội thảo.

Theo thống kê, tại Việt Nam, ngành Du lịch được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, ban hành nhiều chủ trương, chính sách để định hướng phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Sau 30 năm đổi mới, ngành Du lịch đã có bước phát triển nhanh cả về quy mô và chất lượng. Đội ngũ doanh nghiệp kinh doanh du lịch, hệ thống cơ sở lưu trú du lịch ngày càng lớn mạnh. Hạ tầng du lịch được Nhà nước, xã hội quan tâm đầu tư. Việt Nam đã trở thành điểm đến hấp dẫn trên thế giới. Khách du lịch quốc tế, trong nước và doanh thu từ du lịch liên tục tăng trưởng với tốc độ cao, đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP của đất nước. Du lịch đã góp phần quảng bá hình ảnh và khẳng định vị thế của Việt Nam trong quá trình phát triển, hội nhập quốc tế.

Với vị trí, vai trò và tiềm năng, lợi thế của ngành, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam tới năm 2030 đã đặt ra kỳ vọng lớn cho ngành Dư lịch. Tuy nhiên, trong gần 2 năm qua, do tác động của đại dịch Covid-19, du lịch Việt Nam đang phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có. Thị trường du lịch và các hoạt động du lịch bị đứt gãy, đình trệ, làm cho toàn ngành không đạt được các chỉ tiêu, chệnh hướng quỹ đạo tăng trưởng.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang dần được kiểm soát, ngành Du lịch cũng như nền kinh tế cả nước hiện đang từng bước vượt qua giai đoạn khó khăn. Tuy nhiên, con đường dẫn tới sự phục hồi du lịch, thích ứng linh hoạt, an toàn với đại dịch vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Đắc Vinh – Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhấn mạnh: Hội thảo sẽ cung cấp bức tranh tổng thể, bao quát hơn về thực trạng của du lịch thế giới và Việt Nam dưới tác động của đại dịch Covid-19; cơ hội và thách thức đặt ra đối với du lịch Việt Nam; thảo luận về quan điểm, định hướng, giải pháp để phục hồi và phát triển du lịch trong thời gian tới.

Trên cơ sở đó, đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ có giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn, quyết định những chính sách đột phá để phục hồi và phát triển du lịch, gắn với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sẽ được các cấp có thẩm quyền cho ý kiến trong thời gian tới. Đồng thời, thông qua Hội thảo, các kinh nghiệm quý báu của các quốc gia trên thế giới, các địa phương, doanh nghiệp sẽ được chia sẻ và lan tỏa, thúc đẩy quá trình phục hồi và phát triển du lịch Việt Nam diễn ra nhanh, bền vững hơn.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Đoàn Văn Việt - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đưa ra định hướng, giải pháp và lộ trình phục hồi, phát triển du lịch trong bối cảnh mới. Trong đó, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp du lịch - lực lượng nòng cốt của ngành phát triển các hoạt động kinh doanh du lịch theo hướng chuyển từ trạng thái “Zero Covid” sang “thích ứng an toàn”; hỗ trợ trong việc triển khai các hoạt động du lịch đảm bảo tiêu chí an toàn; giảm các loại thuế, phí; kích cầu du lịch; hỗ trợ doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình phục hồi, cơ cấu lại doanh nghiệp du lịch trong năm 2022.

Đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong các hoạt động du lịch; tăng cường truyền thông khôi phục niềm tin của thị trường về du lịch nội địa an toàn, hấp dẫn. Tổ chức kích hoạt tái khởi động du lịch nội địa liên tỉnh, liên vùng an toàn, linh hoạt; kết nối các điểm đến, hiệp hội du lịch, doanh nghiệp và hàng không xây dựng các chương trình du lịch trọn gói, có chất lượng, ưu đãi nhằm kích cầu du lịch. Xây dựng sản phẩm du lịch mới trước những nhu cầu thay đổi của du khách như dòng sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch xanh, các sản phẩm nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe...; cung cấp dịch vụ du lịch thông minh, tăng cường trải nghiệm bằng việc sử dụng các công nghệ tiên tiến.

Ngành Du lịch tiếp tục triển khai thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong giai đoạn mới phù hợp với Công văn số 10688/BYT-MT ngày 16/12/2021 của Bộ Y tế về phòng chống dịch đối với người nhập cảnh từ 01/01/2022 khi mở đường bay thương mại thường lệ của Bộ Giao thông Vận tải.

hoi thao du lich 2021 du lich viet nam phuc hoi va phat trien
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt đã đưa ra định hướng, giải pháp và lộ trình phục hồi, phát triển du lịch trong bối cảnh mới.

Tại Hội thảo, bà Julia Simpson – Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới: Chia sẻ về xu hướng và kinh nghiệm thế giới vượt qua khủng hoảng Covid-19 để phát triển du lịch, giải pháp căn cơ là tiêm phòng vắc xin và phải sử dụng những vắc xin được WHO công nhận; phải mở cửa “biên giới tiêm chủng”, đảm bảo sự công bằng về vắc xin, và tất cả mọi người trên toàn thế giới đều phải được tiêm vắc xin. Bên cạnh đó, khách du lịch yêu cầu cao về sự an toàn, về việc đảm bảo sức khỏe. Vì vậy, cần thiết phải ban hành hướng dẫn về du lịch an toàn tại các điểm du lịch.

Bà Julia Simpson cho rằng, sự phục hồi du lịch hiện nay chủ yếu dựa vào thị trường nội địa, bởi vậy Chính phủ các nước cần phải có cơ chế, chính sách về phục hồi và phát triển du lịch. Cùng với đó, phải đơn giản hóa các thủ tục du lịch quốc tế, nhất là những yêu cầu về công tác phòng, chống dịch để thu hút khách du lịch đến với đất nước mình. Để phục hồi hoạt động kinh doanh du lịch, các doanh nghiệp đã đề xuất nhiều chính sách đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan quan tâm thực hiện.

hoi thao du lich 2021 du lich viet nam phuc hoi va phat trien
Quang cảnh Hội thảo Du lịch 2021 tại Nghệ An.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietravel đã đưa ra 3 nhóm chính sách đề nghị được xem xét: Nhóm chính sách chung, nhóm chính sách về tài chính và nhóm chính sách về nguồn nhân lực. Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, trong nhóm chính sách chung cần phải ưu tiên phục hồi giao thông vận tải; triển khai chương trình thí điểm thẻ thông hành xanh ở Việt Nam.

Ở nhóm chính sách về tài chính, doanh nghiệp đề xuất: Xem xét giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp cả năm 2021, tiếp tục giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2022, 2023 cho các doanh nghiệp có doanh thu trên 200 tỷ đồng. Giảm 50% mức thuế suất VAT của 3 tháng cuối năm 2021 và các năm 2022, 2023. Miễn thuế thu nhập cá nhân đối với người lao động có thu nhập từ tiền lương tiên công thuộc diện nộp thuế bậc 1 và 2. Giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp du lịch theo hướng lãi suất cho vay không cao hơn 3% so với lãi suất huy động tiền gửi...

Ở nhóm chính sách hỗ trợ nguồn nhân lực, cần có chính sách hỗ trợ, đào tạo, tạo việc làm để không bị đứt gãy lao động trong ngành du lịch. Cùng với đó, đề nghị cho phép kéo dài thời gian tạm đóng bảo hiểm hưu trí, tử tuất, lùi thời điểm đóng phí công đoàn đối với các doanh nghiệp và đối tác bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 mà không tính lãi, phạt chậm nộp, nhưng vẫn được đóng bảo hiểm y tế để người lao động vẫn được sử dụng thẻ bảo hiểm y tế.

Quang Hợp

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load