(Xây dựng) - Sáng 12/5, tại thành phố Nam Định, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với UBND tỉnh Nam Định tổ chức Hội nghị giao ban Khoa học và Công nghệ vùng đồng bằng sông Hồng lần thứ XIII năm 2023; triển khai Nghị quyết 14/NQ-CP của Chính phủ, Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSH đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Các ông: Nguyễn Hồng Sơn - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Nguyễn Hoàng Giang, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Trần Lê Đoài - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam (từ trái qua phải) đồng chủ trì Hội nghị. |
Hội nghị đã quán triệt Chương trình hành động của Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện Nghị quyết số 14/NQ-CP của Chính phủ về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; hướng dẫn triển khai xây dựng kế hoạch năm 2024, định hướng những năm tiếp theo; những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Khoa học và Công nghệ, phương án huy động nguồn lực cho Khoa học và Công nghệ và đổi mới sáng tạo cho vùng Đồng bằng sông Hồng.
Theo báo cáo của Vụ Phát triển Khoa học và Công nghệ địa phương (Bộ Khoa học và Công nghệ), trong giai đoạn 2019-2023, hoạt động Khoa học, Công nghệ và đổi mới sáng tạo vùng Đồng bằng sông Hồng đã có được nhiều kết quả quan trọng. Các địa phương trong vùng đã ban hành 235 văn bản để cụ thể hóa và tạo lập hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động Khoa học và Công nghệ trên địa bàn; đổi mới công tác quản lý Nhà nước; tăng cường thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hỗ trợ xây dựng thương hiệu và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ giúp tăng giá trị sản phẩm hàng hoá, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế…
Quang cảnh Hội nghị. |
Các địa phương trong vùng cũng đã tiến hành thẩm định và tham gia ý kiến về công nghệ của 1.409 dự án đầu tư góp phần vào việc ngăn chặn nhập khẩu, đưa vào hoạt động các công nghệ lạc hậu, công nghệ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người tại địa phương… Toàn vùng Đồng bằng sông Hồng đã có 3.096 nhãn hiệu được xác lập quyền sở hữu công nghiệp; 6 chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm đặc sản; 172 kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ; 58 sáng chế, giải pháp hữu ích được cấp bằng Sở hữu trí tuệ; đã xử lý 211 vụ vi phạm quyền sở hữu công nghiệp, phạt cảnh cáo 8 vụ, phạt tiền 205 vụ với tổng số tiền phạt trên 5 tỷ đồng…
Ngoài ra, các đại biểu được nghe các chuyên gia trong lĩnh vực khoa học công nghệ và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo chia sẻ thông tin về đào tạo nguồn nhân lực; ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học phát triển chuỗi sản phẩm nông nghiệp chủ lực, nông nghiệp hữu cơ vùng Đồng bằng sông Hồng đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn trong việc triển khai hoạt động Khoa học và Công nghệ của vùng phù hợp với bối cảnh mới nhằm đưa hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng góp hiệu quả hơn nữa trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương và vùng Đồng bằng sông Hồng.
Tại hội nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có phiên đối thoại với các địa phương để trao đổi về các vấn đề tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng cho doanh nghiệp, ISO, truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn, quy chuẩn, đề án nâng cao năng suất chất lượng, đào tạo nghiệp vụ; khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển thị trường Khoa học và Công nghệ, Techfest, Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ địa phương, doanh nghiệp; hoạt động thông tin và thống kê Khoa học và Công nghệ, cơ sở dữ liệu quốc gia; triển khai Chiến lược khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo ở địa phương, bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương…
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Lê Đoài khẳng định thời gian qua, tỉnh Nam Định đã quan tâm chỉ đạo, ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển và ứng dụng Khoa học và Công nghệ vào sản xuất và đời sống như Kế hoạch số 40/KH-UBND ngày 9/3/2023 nâng cao năng suất, chất lượng dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo tỉnh Nam Định đến 2030 với mục tiêu đưa năng suất trở thành động lực phát triển quan trọng trong các ngành, lĩnh vực thông qua việc ứng dụng những thành tựu mới của khoa học công nghệ; áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất tiên tiến, kết hợp với nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, phù hợp với xu thế của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư và xu hướng phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn...
Nam Định mong muốn từng bước thuộc nhóm khá trong nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt đánh giá cao những kết quả trong hoạt động Khoa học và Công nghệ mà các địa phương trong vùng đã đạt được trong thời gian qua. Tuy nhiên đồng chí cũng nhận định sự quan tâm đầu tư cho Khoa học và Công nghệ của một số địa phương còn hạn chế; tỷ lệ chi cho Khoa học và Công nghệ chưa tương xứng với tốc độ phát triển kinh tế của vùng; chưa có nhiều sản phẩm Khoa học và Công nghệ mang tính đột phá được thương mại hóa…
Để vùng Đồng bằng sông Hồng trở thành trung tâm khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo hàng đầu cả nước, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ đề nghị Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh, thành phố trong vùng cần có chế độ đãi ngộ, thu hút nhân tài đến làm việc; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thích ứng với cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư; tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ. Đề xuất Chính phủ tăng mức đầu tư cho hoạt động khoa học công nghệ; chỉ đạo xây dựng và triển khai các cơ chế, chính sách, giải pháp huy động nguồn vốn xã hội và nước ngoài gia tăng đầu tư cho khoa học công nghệ; ban hành cơ chế chính sách sử dụng cán bộ khoa học và trọng dụng nhân tài, trong đó, đặc biệt quan tâm tạo điều kiện phát huy sức sáng tạo của các chuyên gia giỏi, các cán bộ trẻ tham gia nghiên cứu và phát triển công nghệ.
Các đại biểu dự Hội nghị chụp ảnh lưu niệm. |
Sau 3 ngày diễn ra sự kiện quan trọng, cũng trong sáng 12/5, Techfest vùng Đồng bằng sông Hồng năm 2023 tại Nam Định đã tổ chức bế mạc.
Kim Oanh
Theo