Thứ ba 10/09/2024 00:39 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Hội An khẩn cấp chống đỡ Chùa Cầu và nhiều nhà cổ trước bão Noru

10:48 | 25/09/2022

Trong 2 ngày 24 và 25/9, TP Hội An (Quảng Nam) đã cho người chống đỡ nhiều nhà cổ, đặc biệt là di tích chùa Cầu, trước khi bão Noru đổ bộ và ảnh hưởng trực tiếp.

hoi an khan cap chong do chua cau va nhieu nha co truoc bao noru
Công nhân thực hiện việc chống đỡ di tích chùa Cầu sáng 25/9. Ảnh: Thanh Đức.

Từ 7h ngày 25/9, cán bộ Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An (Quảng Nam) cùng các công nhân có mặt tại khu vực chùa Cầu để tập kết gỗ, thực hiện việc chống đỡ phần thân cho di tích này.

Trước đó, Trung tâm Quản lý và bảo tồn di sản văn hóa Hội An đã tổ chức cuộc họp và huy động lực lượng nhân viên, thuê người tham gia chằng, chống các di tích. Trước bão Noru, đơn vị này đã khảo sát 45 di tích, trong đó có 11 di tích xuống cấp nghiêm trọng, 21 di tích xuống cấp nặng và 13 di tích xuống cấp nhẹ.

UBND TP Hội An yêu cầu Trung tâm Quản lý và bảo tồn di sản văn hóa thực hiện việc chằng, chống đỡ các di tích, nhà cổ, đặc biệt là di tích chùa Cầu.

Theo ghi nhận, di tích chùa Cầu có nhiều phần kết cấu lâu năm bị ảnh hưởng. Trong đó, phần kết cấu trên của chùa Cầu gồm phần cầu và miếu (chùa) đang có độ tách rời nhỏ, riêng phần mái nhiều chỗ đã bị dột, mỗi khi có mưa, nước từ mái thấm xuống làm ảnh hưởng các hạng mục bằng gỗ của công trình.

hoi an khan cap chong do chua cau va nhieu nha co truoc bao noru
Chùa Cầu sẽ được chống đỡ 4 vị trí, sử dụng hoàn toàn gỗ và không làm ảnh hưởng kết cấu di tích. Ảnh: Thanh Đức.

Các công nhân cho biết có một bộ gỗ riêng để chống đỡ Chùa Cầu khi mưa bão. Lần này, Chùa Cầu sẽ được chống đỡ 4 vị trí, sử dụng hoàn toàn gỗ và không làm ảnh hưởng kết cấu di tích. Phần việc này được thực hiện trong sáng 25/9, chiều cùng ngày, đơn vị tiếp tục tham gia chống đỡ các nhà cổ, di tích khác.

Ông Hùng (thợ được thuê để tham gia chống đỡ Chùa Cầu), chia sẻ việc chống đỡ phải rất cẩn thận để không làm ảnh hưởng kết cấu, hư hại di tích đặc biệt này. "Chúng tôi phải sử dụng cao su kê vào các điểm nối để không tạo dấu tích. Ngoài ra, để bảo đảm nguyên vẹn gỗ thì không được đóng đinh mà phải sử dụng dây cao su", ông Hùng cho hay.

Trong 2 ngày, Trung tâm Quản lý và bảo tồn di sản văn hóa Hội An hỗ trợ chống đỡ 5 di tích, nhà cổ trước bão Noru. Ngoài ra, một số chủ nhà tự chống đỡ 27 di tích khác. Đơn vị cũng đề nghị UBND các phường Minh An, Cẩm Phô, Sơn Phong thông báo các chủ di tích thuộc diện xuống cấp có biện pháp kiểm tra, tự chống đỡ, đồng thời tiếp tục rà soát các di tích xuống cấp có nguy cơ sụp đổ trên địa bàn quản lý.

Nếu phát hiện có di tích xuống cấp ngoài danh mục đã khảo sát, Trung tâm Quản lý và bảo tồn di sản văn hóa Hội An đề nghị các đơn vị thông báo để có kế hoạch khảo sát kịp thời, đề xuất phương án chống đỡ cho di tích.

hoi an khan cap chong do chua cau va nhieu nha co truoc bao noru
Trung tâm Quản lý và bảo tồn di sản văn hóa Hội An hỗ trợ chống đỡ 5 di tích, nhà cổ trước bão Noru. Ngoài ra, một số chủ nhà tự chống đỡ 27 di tích khác. Ảnh: Thanh Đức.

Trước đó, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các lực lượng sẵn sàng phương tiện, chủ động hỗ trợ nhân dân và các cơ quan đóng trên địa bàn kiểm tra, tổ chức chằng chống nhà cửa, trụ sở làm việc, kho tàng, các trường học, cơ sở y tế, nhà sinh hoạt cộng đồng…

Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu chỉ đạo các đơn vị sớm triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát, chủ động sơ tán người, di dời phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực ven biển, ven sông, những khu vực được cảnh báo có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét...

Đối với các địa phương miền núi, chính quyền khuyến cáo nhân dân chủ động quan sát, khi thấy các dấu hiệu bất thường như nứt đất, nứt nhà, cây nghiêng, nước chảy sườn đồi chuyển màu... cần chủ động di chuyển đến nơi an toàn.

Theo Thanh Đức/Zingnews.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load