(Xây dựng) – Hội thảo góp ý kiến xây dựng tài liệu “Phổ biến, tuyên truyền về lợi ích và tầm quan trọng của việc nâng cao năng suất, chất lượng (NSCL) sản phẩm đến các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD)” mới được tổ chức ở Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị (AMC) vào sáng ngày 15/03.
TS. Nguyễn Anh Dũng - Phó GĐ Học viện AMC phát biểu khai mạc hội thảo.
Ngay trong lời phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Nguyễn Anh Dũng - Phó GĐ Học viện AMC đã khẳng định vai trò quan trọng của việc nâng cao NSCL sản phẩm trong bối cảnh bùng nổ cuộc cách mạng 4.0.
Trên đà hội nhập với thế giới, Việt Nam cũng tham gia rất nhiều Hiệp ước, Hiệp định nhằm nâng cao giá trị xuất khẩu hàng hóa ra thế giới, mới nhất là Hiệp định đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực vào năm 2019.
Ông Trần Đức Thắng - Đại diện của Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng báo cáo kết quả và định hướng chương trinh quốc gia về NSCL.
Việc cạnh tranh trên thương trường quốc tế đang diễn ra vô cùng khốc liệt và “vũ khí” chủ yếu trên chiến trường này phải là NSCL của sản phẩm hàng hóa. Tuy nhiên, theo điều tra mới nhất của Tổng cục thống kê thì năng suất lao động ở Việt Nam đang thua kém các nước trong khu vực ASEAN như Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia hay Philippines và dự báo có thể thua cả... Lào trong tương lai.
Điều này được xem là một trong những nguyên nhân khiến Chính phủ ban hành quyết định số 712/QĐ – TTg, phê duyệt Chương trình quốc gia “Nâng cao NSCL sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”. Chương trình do Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng chủ trì hoạt động nhằm tăng tính cạnh tranh cho hàng hóa của Việt Nam trên thương trường quốc tế.
Ngay trong cuộc hội thảo, đại diện của Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng, ông Trần Đức Thắng cho biết: Chương trình của Chính phủ chia ra 2 giai đoạn với 8 mục tiêu chính như xây dựng 4.000 tiêu chuẩn Việt Nam, 100% hàng hóa nhóm 2 có quy chuẩn Việt Nam, xây dựng phong trào NSCL ở 63 tỉnh, thành phố, 40.000 doanh nghiệp được hướng dẫn cải tiến NSCL, tỷ lệ đóng góp TFP trong tốc độ tăng trưởng GDP đạt 35%...
Các Bộ sẽ phải thực hiện tổng cộng 8 dự án ngành. Riêng Bộ xây dựng có nhiệm vụ thực hiện đề án nâng cao NSCL ngành vật liệu xây dựng (VLXD) với 5 nhiệm vụ chính là phổ biến cho các doanh nghiệp sản xuất VLXD hiểu rõ về NSCL; xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam; áp dụng các mô hình quản lý, nâng cao năng suất lao động; áp dụng công nghệ mới vào sản xuất vật liệu xây dựng và quản lý, đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Trên cơ sở này, Bộ Xây dựng đã giao cho Học viện AMC xây dựng tài liệu phổ biến về lợi ích và tầm quan trọng của việc nâng cao NSCL sản phẩm đến các doanh nghiệp sản xuất VLXD, mới được hoàn thành vào đầu năm nay .
Bộ tài liệu là công sức làm việc trong nhiều tháng của đội ngũ cán bộ, giảng viên của Học viện AMC kết hợp với những giảng viên, chuyên gia và nhà khoa học đến từ các trường Đại học, doanh nghiệp chuyên ngành VLXD. Mặc dù vậy, cả TS. Nguyễn Anh Dũng lẫn các vị đại biểu tham dự hội nghị đều cho rằng, tư liệu tham khảo này vẫn còn “sạn”, cần được lọc bỏ.
ThS. Vũ Hoàng Ngọc giới thiệu tài liệu “Phổ biến, tuyên truyền về lợi ích và tầm quan trọng của việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm đến các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng”.
Theo lời tóm tắt của ThS. Vũ Hoàng Ngọc - Trưởng khoa Quản lý xây dựng của Học viện AMC, tài liệu có 6 chuyên đề chính, bao gồm: quan điểm về NSCL và lợi ích của việc nâng cao NSCL trong các doanh nghiệp; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến NSCL sản phẩm; ảnh hưởng của các yếu tố kỹ thuật công nghệ và nguyên vật liệu đến việc nâng cao NSCL sản phẩm; ảnh hưởng của yếu tố con người đến việc nâng cao NSCL sản phẩm; ảnh hưởng của yếu tố môi trường đến việc nâng cao NSCL sản phẩm; hệ thống tiêu chuẩn quốc gia liên quan đến NSCL sản phẩm hàng hóa VLXD.
Ông Hoàng Kim Bồng - Phó Tổng GĐ Cty Viglacera đóng góp ý kiến.
Bộ tài liệu đã nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia đầu ngành về VLXD như Trưởng khoa VLXD trường Đại học Giao thông Vận tải, giảng viên môn VLXD của Đại học Kiến trúc, Giám đốc Trung tâm phát triển công nghệ VLXD, đại diện Cục VLXD, Trưởng phòng Đào tạo Viện năng suất Việt Nam, Phó Tổng GĐ Cty Viglacera, hay đại diện Cty xi măng Hải Phòng.
Thay mặt cho Học viện AMC, TS. Nguyễn Anh Dũng đã tiếp thu các ý kiến đóng góp và đề nghị Ban soạn thảo thực hiện ngay một số công việc để sớm hoàn thiện bộ tài liệu. Trước hết, các tác giả cần nắm chắc nhiệm vụ được Bộ xây dựng giao cho, Bộ yêu cầu cái gì và Học viện cần giải quyết vấn đề đó ra sao.
TS. Nguyễn Anh Dũng kết luận, chỉ đạo hội thảo.
Ban soạn thảo cũng phải thống nhất hướng triển khai các chuyên đề, sắp xếp sao cho hợp logic để tránh tình trạng mỗi chuyên đề lại được triển khai theo hướng khác nhau, vì không cùng một tác giả. Bên cạnh đó, Ban soạn thảo cũng phải tập trung vào 4 nhóm vật liệu chính được Bộ “đặt hàng” là xi măng, gốm sứ, ốp lát và kính và tăng cường phối hợp với Viện năng suất Việt Nam để hoàn thiện bộ tài liệu tốt nhất có thể.
Dịch Phong
Theo