(Xây dựng) - Trong mùa dịch Covid-19, hoạt động từ thiện đang được các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm lan tỏa mạnh mẽ, sẵn sàng hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, việc từ thiện đang trở thành mục tiêu nhằm trục lợi của nhiều đối tượng trong xã hội.
Xuất hiện hành vi trục lợi
Thời gian này, không khó để thấy những bài đăng, tin nhắn cầu cứu trên mạng xã hội, thông báo về cuộc gọi vào hotline của Mặt trận tổ quốc địa phương của những hoàn cảnh khó khăn muốn nhận được sự giúp đỡ. Đó có thể là của lao động ngoại tỉnh, lao động tự do, lao động nghèo, nhà có hoàn cảnh rất khó khăn.
Tại Hà Nội, do thành phố đang thực hiện giãn cách, họ đều không thể ra ngoài, không thể trở về quê. Giờ đây, họ chỉ cần có thực phẩm để có bữa ăn, tiếp tục cầm cự cho đến ngày dịch chấm dứt.
Thấu hiểu được những khó khăn ấy, những tấm lòng nhân ái đã chung tay, cùng nhau thực hiện nhiều chương trình trao tặng, quyên góp, hỗ trợ người khó khăn trên toàn bộ quận, huyện, phường, xã, thị trấn của Hà Nội.
Đó chính là những suất ăn miễn phí, chương trình bếp ăn yêu thương, siêu thị 0 đồng, những chuyển xe 0 đồng chở đầy rau củ, những gói quà hỗ trợ, túi an sinh đầy đủ loại lương thực, thực phẩm cần thiết… dành cho những người thật sự cần hỗ trợ.
Tuy nhiên, hoạt động đầy ý nghĩa này lại đang bị nhiều nhóm người lợi dụng để trục lợi. Trong thời điểm giãn cách xã hội, hành vi này xuất hiện ngày một nhiều, đặc biệt là trên các trang mạng xã hội.
Với nhiều chiêu thứ lừa đảo tinh vi, các đối tượng đã dễ dàng trục lợi từ rất nhiều cá nhân trên các trạng xã hội. |
Chị Hoàng Thị Lan cùng nhóm từ thiện của mình đã chuẩn bị nhiều suất lương thực hỗ trợ người có hoàn cành khó khăn tại Hà Nội. Thông qua nhóm “Hà Nội giúp nhau mùa dịch”, chị đã tìm kiếm được những người cần sự giúp đỡ, từ đó xác minh thông tin để tiến hành trao quà. Tuy nhiên, gần đây số người nhắn tin, bình luận cầu cứu tại các bài đăng của chị bỗng tăng đột biến.
“Có rất nhiều người biết tôi đang làm từ thiện nên họ nhắn tin cho tôi, muốn tôi qua chỗ họ hỗ trợ. Trên các bài đăng tìm người muốn nhận trợ giúp của tôi cũng có hàng chục, thậm chí hàng trăm lượt bình luận đề nghị được giúp đỡ về lương thực, thuốc men. Thế nhưng khi tới giúp đỡ, tôi nhận thấy có nhiều người nêu thông tin hoàn toàn sai sự thật, dù không không khăn nhưng vẫn xin hàng hỗ trợ. Người nào được hỗ trợ rồi thì sử dụng số khác, tài khoản khác để tiếp tục xin nhiều lần. Tôi cảm thấy thất vọng vì nhiều món quà đã không được chuyển đến cho đúng người đang rất cần vào lúc này”, chị Lan chia sẻ.
Không những vậy, một số đối tương còn lợi dụng từ thiện, thực hiện hành vi lừa đảo với nhiều chiêu thức khác nhau để nhằm trục lợi. Gần đây, hành vi dùng tài khoản ảo, lấy cắp ảnh của những người khó khăn, người khuyết tật, thậm chí là trẻ sơ sinh đăng lên các hội nhóm nhằm lợi dụng sự thông cảm, lòng tốt của mọi người đang diễn ra rất nhiều trên mạng xã hội. Các đối tượng thường đăng ảnh kèm theo nội dung sai sự thật và số tài khoản để xin tiền. Không chỉ đăng trong một hội nhóm, đối tượng lừa đảo còn đăng bài trong rất nhiều trang mạng khác với nhiều nội dung kêu gọi khác nhau.
Vào thời điểm giãn cách xã hội, nhiều người có lòng tốt muốn giúp đỡ nhưng lại phải ở nhà do đang thực hiện theo Chỉ thị của thành phố. Họ đã chọn cách chuyển tiền cho các trường hợp ở xa vì đây là cách giúp đỡ nhanh nhất. Tuy nhiên, giúp đỡ qua mạng, đặc biệt là giúp đỡ bằng cách chuyển tiền thường gặp nhiều rủi ro, dễ gặp các đối tượng lừa đảo. Theo khảo sát của phóng viên, rất nhiều vụ việc trục lợi, chiếm đoạt tài sản đã xảy ra trót lọt, các đối tượng đã khóa tài khoản, không thể liên lạc, gây ra làn sóng phẫn nộ trong các hội nhóm.
Lựa chọn hình thức từ thiện hiệu quả
Làm từ thiện là hành động vô cùng đáng quý khi nhiều người sẵn sàng lan tỏa yêu thương, cho đi mà không hề tính toán, không cần nhận lại. Thế nhưng những người làm từ thiện đều mong muốn sự giúp đỡ của họ phải được dành cho đúng người vì chỉ khi những người khó khăn đó bớt khổ, cảm thấy hạnh phúc thì người làm từ thiện mới thấy việc làm của mình thật sự có ý nghĩa.
Trong mùa dịch này, để đảm bảo hoạt động thiện nguyện diễn ra có hiệu quả, đồng thời nâng cao phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại địa phương, các nhà hảo tâm, nhóm từ thiện đã lựa chọn nhiều hình thức từ thiện sao cho phù hợp nhất với tình hình hiện nay.
Theo thông tin trên trang hội nhóm “Hà Nội - Giúp nhau mùa dịch”, nhiều nhà hảo tâm đã dừng tiến hành hỗ trợ cho những trường hợp nhỏ lẻ, cùng nhau lập thành nhóm từ thiện chung tại từng khu vực để dễ dàng tìm hiểu, chia sẻ thông tin của những trường hợp khó khăn ở gần mà họ nhận được. Sau đó, họ sẽ tổng hợp lại, lên danh sách chi tiết, bắt đầu thực hiện ngay tại khu vực đó. Những nhà hảo tâm tham gia nhóm sẽ ở gần nhau, hỗ trợ nhau trong công tác từ thiện, cùng nhau kêu gọi quyên góp và chia thời gian cụ thể để tiếp cận được với nhiều trường hợp gặp khó khăn.
Nhóm thiện nguyện cùng phối hợp tham gia tặng nhu yếu phẩm cần thiết cho những hoàn cảnh khó khăn (Ảnh:Ann Nguyen, Trần Nam Long). |
Điều này sẽ giúp giảm bớt chồng chéo khi có quá nhiều thông tin của những người gặp khó khăn được đưa lên, gặp phải tình trạng người được nhiều nhóm hỗ trợ cùng một lúc, người không được hỗ trợ. Đồng thời, các nhóm từ thiện sẽ không phải di chuyển quá xa để giúp đỡ. Trong thời gian hỗ trợ, nhà hảo tâm cùng nhóm thực hiện sẽ xác minh được thông tin dễ dàng hơn, tránh trường hợp ở xa không thể xác minh thông tin chính xác.
Anh Trần Văn Long, thành viên dự án siêu thị 0 đồng, trao quà hỗ trợ các quận như quận Hoàng Mai, quận Bắc Từ Liêm cho biết, trong quá trình thực hiện, nhóm từ thiện của anh đã thông qua nhóm giúp đỡ nhau mùa dịch, liên lạc với những tấm lòng hảo tâm gần xa, kêu gọi cùng nhau chung tay chia sẻ và hỗ trợ hàng trăm suất lương thực, thực phẩm cho nhiều hoàn cảnh khó khăn.
Anh Long và đồng đội cũng kết nối với nhiều tấm lòng nhân ái, tình nguyện viên có hiểu biết về từng địa bàn mà nhóm của anh dự kiến giúp đỡ. Theo anh Long, việc phối hợp với nhiều cá nhân, tổ chức, đặc biệt là những người ở gần luôn giúp cho công tác hỗ trợ diễn ra thuận lợi, lan tỏa tình yêu thương tới mọi người dễ dàng hơn.
Ngoài hình thức hoạt động này, nhiều cá nhân, tổ chức, nhóm từ thiện lựa chọn thực hiện hoạt động thiện nguyện thông qua chính quyền địa phương, Mặt trận Tổ quốc các cấp. Họ chuyển những món quà hỗ trợ là lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, những suất ăn miễn phí tới quận, phường, thị xã mà họ quyết định trao tặng. Khi đó, chính quyền địa phương sẽ rà soát, tiến hành xác minh thông tin, lập danh sách những đối tượng khó khăn trên địa bàn với thông tin chi tiết để các nhà hảo tâm, nhóm từ thiện nắm được.
Sau khi tiếp nhận quà hỗ trợ từ phía nhà hảo tâm, các nhóm từ thiện, chính quyền địa phương sẽ cùng phối hợp tổ chức các chương trình trao quà hỗ trợ, siêu thị 0 đồng dành cho những hoàn cảnh khó khăn, lao động nghèo, các nhóm công nhân xây dựng đang bị mắc kẹt giữa thành phố.
Tại các khu vực bị phong tỏa, những chuyển xe 0 đồng mang theo nhu yếu phẩm sẽ đến tận nơi để trao quà hỗ trợ, động viên người dân tiếp tục yên tâm thực hiện Chỉ thị. Cho đến nay, mô hình này đã và đang được áp dụng hiệu quả tại nhiều quận, huyện, phường, thị xã trên địa bàn Thủ đô, đem lại nhiều kết quả tốt.
Nhiều nhóm từ thiện phối hợp với Mặt trận Tổ quốc các cấp để hỗ trợ cho nhiều lao động nghèo, công nhân xây dựng, người có hoàn cảnh khó khăn. (Ảnh: Trang Đoàn kết chống dịch). |
Từ thiện luôn là hành động xuất phát từ cái tâm, muốn được san sẻ khó khăn với người khác trong xã hội. Tuy nhiên, để tránh bị lợi dụng lòng tốt, lừa đảo, các nhà hảo tâm nên có sự tỉnh táo trước những thông tin đề nghị giúp đỡ trên mạng xã hội, tiến hành xác minh thông tin kỹ càng, đặc biệt là đối với những trường hợp ở xa, xin tiền, muốn được giúp thông qua chuyển khoản.
Vào thời điểm dịch bệnh này các nhà hảo tâm nên ưu tiên giúp đỡ những hoàn cảnh gần mình nhất, lựa chọn một hình thức từ thiện có hiệu quả, phối hợp cùng nhau hỗ trợ lương thực, thực phẩm cần thiết cho người dân đang cần giúp đỡ để họ nhanh chóng ổn định cuộc sống.
Yến Mai
Theo