(Xây dựng) - Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đang hoàn thiện Chiến lược phát triển ngành Khí tượng thủy văn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Chiến lược) trình Thủ tướng Chính phủ ban hành. Chiến lược đặt ra mục tiêu hiện đại hóa ngành Khí tượng thủy văn, nâng cao hiệu quả công tác dự báo, cảnh báo thiên tai, góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Hiện đại hóa mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn giúp nâng cao hiệu quả công tác dự báo, cảnh báo thiên tai, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. |
Hiện đại hóa ngành Khí tượng thủy văn
Theo ông Trần Hồng Thái, Tổng Cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn, Chiến lược đặt ra mục tiêu đến năm 2030 sẽ cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn đáp ứng các yêu cầu trong điều hành chính sách, phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia; hình thành được thị trường khí tượng thủy văn phục vụ đa mục tiêu, đa lĩnh vực.
Chiến lược đặt ra mục tiêu phát triển, hiện đại hóa mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn theo hướng tự động hóa, đồng bộ, tăng dày mật độ trạm, ưu tiên phát triển tại các khu vực thường xuyên xảy ra các hiện tượng thiên tai nguy hiểm so với năm 2020. Đồng thời, ưu tiên phát triển trạm khí tượng thủy văn quốc gia, trạm giám sát biến đổi khí hậu tại các khu vực còn thưa trạm, khu vực trên biển, ven biển, vùng núi Bắc bộ, Trung bộ và khu vực thường xuyên xảy ra thiên tai khí tượng thủy văn.
Theo đó, tự động hóa đạt 100% các trạm khí tượng ven biển và hải đảo; tiếp tục đan dầy và hiện đại hóa hệ thống trạm quan trắc radar. Phát triển, hoàn thiện mạng lưới trạm quan trắc khí tượng thủy văn theo nhu cầu riêng của ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống thiên tai trong các lĩnh vực đê điều, sản xuất nông nghiệp, thủy lợi, thủy sản, lâm nghiệp, hàng không, hàng hải, đường sắt, đường bộ, điện lực, khai thác khoáng sản, năng lượng, tài nguyên nước, môi trường.
Về thông tin, dữ liệu, truyền tin và xây dựng tài nguyên số thông tin khí tượng thủy văn, ông Trần Hồng Thái cho biết, Chiến lược đặt ra mục tiêu đến năm 2030, hạ tầng công nghệ thông tin, mạng thông tin chuyên ngành Khí tượng thủy văn đạt cấp độ 3-4; ứng dụng được các công nghệ của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào tổng thể các hoạt động khí tượng thủy văn. Bảo đảm 100% số liệu các trạm khí tượng thủy văn quốc gia được thu nhận, kiểm soát, lưu trữ, khai thác theo thời gian thực; 100% số liệu quan trắc khí tượng thủy văn tại các công trình sân bay, đập, hồ chứa nước, khu vực cảng biển, cầu, tháp thu phát sóng phát thanh, truyền hình, cáp treo, vườn quốc gia…
Đặc biệt, Chiến lược đề ra mục tiêu đến năm 2030 sẽ hiện đại hóa công nghệ dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, nâng chất lượng dự báo, cảnh báo tương đương các nước tiên tiến của khu vực châu Á, tiệm cận các nước tiên tiến trên thế giới, trong đó đảo đảm dự báo khí tượng thủy văn hàng ngày trong điều kiện bình thường có độ tin cậy đạt 85 - 90%; dự báo, cảnh báo sớm, tin cậy các thiên tai khí tượng thủy văn.
Dự báo đủ độ tin cậy sự hình thành áp thấp nhiệt đới và bão trước 1-2 ngày; quỹ đạo và cường độ áp thấp nhiệt đới trước 3 ngày, quỹ đạo và cường độ bão trước 5 ngày. Dự báo, cảnh báo lũ đủ độ tin cậy cho các hệ thống sông lớn ở Bắc bộ trước 3 ngày, ở Trung bộ trước 2 ngày, ở Nam bộ trước 10 ngày. Tăng chất lượng dự báo định lượng mưa lớn trước 2-3 ngày lên 10-15% so với năm 2020 (về phạm vi đạt 75%, tổng lượng đạt 60-70%); cảnh báo lũ quét, sạt lở đất chi tiết trước 6 đến 24 giờ.
Giảm thiệt hại thiên tai
Các chuyên gia khí tượng thủy văn cho rằng, Chiến lược phát triển ngành Khí tượng thủy văn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được xây dựng với nhiều điểm mới đáng chú ý; khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Chiến lược sẽ là một bước ngoặt mới cho ngành Khí tượng thủy văn.
Bà Phạm Thu Hằng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam nhấn mạnh, dự thảo Chiến lược có quan điểm, mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp rõ ràng, cụ thể, đề ra lộ trình thực hiện thích hợp. Các nội dung, nhiệm vụ đã đáp ứng được yêu cầu về công tác dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn đến năm 2030.
Theo bà Phạm Thu Hằng, Chiến lược đặt ra mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu tăng doanh thu từ hoạt động dịch vụ khí tượng thủy văn của các đơn vị sự nghiệp công lập khí tượng thủy văn, đến năm 2030 đạt 40% kinh phí chi hoạt động thường xuyên do ngân sách Nhà nước bố trí. Đồng thời, tăng tỷ lệ nội địa hóa sản xuất trong nước các phương tiện đo, trang thiết bị không bao gồm ra đa, vệ tinh sử dụng trong mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia, phấn đấu đến năm 2030 đạt 40%. Đây là quan điểm mới, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước. Đặc biệt, việc tăng tỷ lệ nội địa hóa sản xuất trong nước giúp tăng tính chủ động của ngành Khí tượng thủy văn, giảm chi phí và hỗ trợ sản xuất trong nước phát triển.
Ở một khía cạnh khác, Phó Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Trung Thắng nhấn mạnh, đối với ngành Khí tượng thủy văn, công tác dự báo, cảnh báo thiên tai đạt độ chính xác cao, thời hạn dự báo tăng lên tối đa là vấn đề trọng tâm, ưu tiên hàng đầu. Tại Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống ngành Khí tượng thủy văn Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng nhờ chúng ta dự báo trước hạn mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long mà ngành Nông nghiệp đã chuyển đổi canh tác trước 1 tháng, vì thế thiệt hại do hạn mặn gây ra năm 2019 chỉ bằng 9% so với thiệt hại do hạn mặn năm 2016. Trong khi đó, tổng thiệt hại năm 2016 là khoảng 40 nghìn tỷ đồng. Vai trò, đóng góp của ngành Khí tượng thủy văn trong công tác dự báo là vô cùng quan trọng. Do vậy, chúng ta phải thể hiện được rõ điều này trong quan điểm thứ 3 của Chiến lược.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành biểu dương Tổng cục Khí tượng thủy văn đã xây dựng dự thảo Chiến lược với nhiều đổi mới theo hướng hiện đại, tiệm cận trình độ phát triển của khu vực và thế giới trong lĩnh vực khí tượng thủy văn. Đồng thời, yêu cầu Tổng cục Khí tượng thủy văn chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo Chiến lược; đảm bảo tiến độ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trong tháng 9/2021.
Đoàn Huyền
Theo