Thứ ba 31/12/2024 00:04 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Hoài Đức (Hà Nội): Người dân “sống chung” với rác thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp

19:44 | 01/06/2024

(Xây dựng) - Cách trung tâm Hà Nội không xa, các Cụm công nghiệp, cơ sở làng nghề ngoại thành Hà Nội có rất nhiều thuận lợi để phát triển. Tuy nhiên, khi các Cụm công nghiệp càng phát triển, tình trạng ô nhiễm lại trở nên nặng nề, mất kiểm soát.

Hoài Đức (Hà Nội): Người dân “sống chung” với rác thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp
Đường cống dọc đường Gia Đồng (xã Dương Liễu, Hoài Đức) bị trơ đáy đen kịt, đặc quánh, bốc mùi.

Có mặt tại xã Dương Liễu và xã Cát Quế (Hoài Đức, Hà Nội) “kinh đô” sản xuất sắn dây lớn nhất Hà Nội, khi đi vào con đường Thanh Niên và Tiền Phong của xã Dương Liễu, đập vào mắt chúng tôi là các xưởng bằng mái tôn rộng lớn như xưởng sản xuất bánh kẹo, bao bì, nhựa và sắn. Mùi khét từ những ống khói của các xưởng thải ra bầu không khí; các con kênh, con mương đen kịt, bốc mùi; rác thải sinh hoạt vứt ngổn ngang… khiến người qua lại không khỏi lắc đầu ngao ngán.

Hoài Đức (Hà Nội): Người dân “sống chung” với rác thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp
Cống nước bị chặn bởi rác thải sinh hoạt và ngay bên cạnh là một bể đang làm sắn dây được bao quanh bởi tấm lưới mây đan (bên trái). Trong quá trình sản xuất sắn dây, nước làm sắn chảy trực tiếp xuống cống khiến dòng nước bị chuyển sang màu đen.

Không khí ô nhiễm, nước thải bủa vây

Tại các khu vực của xã Dương Liễu và xã Cát Quế, những dãy nhà xưởng bằng mái tôn vẫn liên tục xả khói mặc dù bên cạnh là trường học, khu dân cư đông đúc. Khi dừng xe lại một xưởng sản xuất sắn, chúng tôi bất ngờ khi nước làm sắn chảy trực tiếp ra cống. Dọc các con đường đầy bụi bẩn, bột sắn dây sau khi sản xuất được đem phơi cạnh rãnh nước hay bãi rác ngoài cánh đồng. Đường làng lênh láng nước thải chưa được xử lý bốc mùi hôi thối, nồng nặc bởi hầu hết các cống đều bị tắc.

“Tình trạng này diễn ra từ rất nhiều năm nay, biết độc hại, bẩn thỉu nhưng không biết kêu với ai. Ngày xưa, các con sông, kênh là nguồn nước chính để tưới tiêu ấy vậy mà bây giờ gần như nhà nào ở đây cũng phải khoan giếng để có nước tưới cây cối hàng ngày”, một người dân ở xã Dương Liễu cho biết.

Theo ghi nhận, tại xã Dương Liễu và xã Cát Quế, các bể đựng chất thải của các xưởng sản xuất bánh kẹo, bao bì được đào thủ công, quây tạm bợ bằng tôn, lưới, bạt, gỗ… Chất thải được chứa trong các hố đóng bánh lại thành những tảng lớn, nước thải ngấm xuống đất, bên trên tỏa ra mùi chua, rất khó chịu. Những bao bì rách cũng được người dân tận dụng phơi đầy trên mặt đất, gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của những người dân xung quanh. Mặc dù chính quyền xã có làm biển cấm song tình trạng ô nhiễm do rác thải của các xưởng sản xuất ngày càng nghiêm trọng hơn.

“Nước ô nhiễm như này là do các xưởng sản xuất sắn trong quá trình làm thải ra, chúng tôi cũng có kiến nghị, có đề xuất mà mãi không được cải thiện được thì dần cũng phải sống quen với nó thôi chứ biết làm sao giờ. Cũng mong muốn chính quyền và địa phương quan tâm để có biện pháp cải thiện hợp lý”, chị N.T.Thúy (xã Cát Quế, Hoài Đức) cho hay.

Hoài Đức (Hà Nội): Người dân “sống chung” với rác thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp
Rác thải từ các cơ sở sản xuất bánh kẹo thủ công tràn ra tại các điểm tập kết rác.

Đường đi ngập trong rác thải

Rác thải sinh hoạt, vật liệu xây dựng trong quá trình sửa chữa nhà cũng bị người dân vứt bừa bãi, lấn chiếm lòng đường cũng đang ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường xung quanh. Không những thế tại các điểm tập kết rác, rác thải chất thành đống trên các xe rác mà còn tràn đầy ra lòng đường. Với hiện trạng này, ngay cả khi số rác trên được thu gom và vận chuyển đi nơi khác thì nguy cơ ô nhiễm từ chính điểm tập kết rác này vẫn là vô cùng lớn.

“Nhóm tôi có 5 người, hàng ngày tôi cùng mọi người thu gom rác từng nhà, cứ tầm 13h chiều là nhân viên vệ sinh môi trường đến đây và thu gom rác thải đi. Nhưng lượng rác thải nhiều quá cũng không tránh khỏi được việc rác bị chất đống”, nhân viên lao công tại xã Dương Liễu cho biết về tình trạng rác thải bị quá tải.

Hoài Đức (Hà Nội): Người dân “sống chung” với rác thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp
Rác thải sinh hoạt bị vứt ngổn ngang, chiếm dụng lòng đường gây mất mỹ quan.

Thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, chất thải từ các cụm công nghiệp nhỏ lẻ đang là vấn đề nan giải của nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó có Thủ đô Hà Nội. Dù đã có nhiều giải pháp được thực hiện, nhưng bài toán thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm, trở thành nỗi sợ của người dân sinh sống tại khu vực đó. Mong rằng thời gian tới với sự vào cuộc của các cấp chính quyền, ý thức người dân được nâng lên thì tình trạng trên sẽ không còn tiếp tục diễn ra.

Hoài Đức (Hà Nội): Người dân “sống chung” với rác thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp
Chỗ nào cũng thành nơi tập kết rác “tự phát”, nắng nóng càng khiến rác càng bốc mùi hơn.
Theo số liệu thống kê của World Bank năm 2023 chỉ ra rằng, 2/3 nguồn phát thải gây ô nhiễm không khí tại Hà Nội đến từ các vùng ngoại thành, các tỉnh lân cận và nguồn tự nhiên. Vì vậy, có thể nói tình trạng ô nhiễm không khí tại khu vực ven đô đã ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng không khí nội đô.

Hiền Lương - Thanh Tâm - Lê Thảo

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load