(Xây dựng) - Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã, đang triển khai nhiều dự án đầu tư công trình cơ bản phục vụ phát triển kinh tế, sự nghiệp giáo dục, giao thông nông thôn và các dự án góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Tuy nhiên, còn một số dự án, công trình trong quá trình triển khai còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ.
Chợ Bãi Nai, xã Mông Hóa (thành phố Hòa Bình) được đầu tư xây mới nhưng đã nhiều năm không sử dụng, gây lãng phí công trình (Ảnh: T/L). |
Theo Báo cáo của Ban Nội chính Tỉnh ủy Hòa Bình về giám sát các công trình đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh nêu rõ: Nhiều dự án hoàn thành đưa vào sử dụng thiếu hiệu quả, rất lãng phí như: Trung tâm Hướng nghiệp - dạy nghề lao động các huyện Lạc Sơn, Yên Thủy; Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp, hướng nghiệp, ngoại ngữ, tin học thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo. Các trung tâm này ít học sinh, học viên học nghề, gần như bỏ trống. Các dự án nước sạch nông thôn kém hiệu quả.
Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh có hơn 300 công trình nước sạch, trong đó có đến 120 công trình không hoạt động. Đặc biệt, theo báo cáo của UBND huyện Lạc Sơn, trên địa bàn huyện có 41 công trình, qua rà soát đến nay có hơn 30 công trình đắp chiếu, không thể sử dụng được. Nhiều công trình được đầu tư xây dựng tiền tỷ nhưng không phát huy hết được công năng sử dụng.
Bên cạnh đó, nhiều công trình thi công kéo dài, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống nhân dân. Trong đó có những công trình thuộc nhóm dự án trọng điểm như dự án đường Tỉnh 433, đoạn thành Hòa Bình đi thị trấn Đà Bắc; dự án đường Tỉnh 435, đoạn thành phố Hòa Bình đi xã Bình Thanh. Các dự án này được bố trí vốn chậm, dàn trải dẫn đến khó khăn trong quá trình đền bù giải phóng mặt bằng, thi công kéo dài làm ảnh hưởng đến giao thông, đi lại của nhân dân, nhất là vào mùa mưa lũ.
Thời gian tới, tỉnh Hòa Bình sẽ thực hiện nghiêm các luật liên quan đến đầu tư công và hướng dẫn của các bộ, ngành, UBND tỉnh. Cần rà soát, sắp xếp dự án đầu tư theo thứ tự ưu tiên các dự án trọng điểm phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung vốn để trả nợ xây dựng cơ bản, hoàn thành các công trình trọng điểm và quyết toán công trình xây dựng hoàn thành, đã đưa vào sử dụng. Tăng cường trách nhiệm của chủ đầu tư, ban quản lý dự án trong công tác lập kế hoạch vốn đầu tư đảm bảo đúng nhu cầu thực tế. Thường xuyên kiểm tra, đánh giá hiệu quả công trình, dự án, kiểm soát năng lực của đơn vị tư vấn, nhà thầu xây lắp, công khai danh sách nhà thầu thi công, đơn vị tư vấn có năng lực yếu kém trên các phương tiện truyền thông của tỉnh. Các cơ quan, đơn vị, địa phương cần phối hợp tốt hơn nữa trong việc lập kế hoạch đầu tư, quản lý sử dụng nguồn vốn đầu tư và giải quyết những khó khăn, phức tạp trong đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư đối với các dự án đầu tư xây dựng.
Mai Thu
Theo