(Xây dựng) – Mới đây, đoàn công tác của tỉnh Hòa Bình đã đi khảo sát vị trí xây dựng nhà máy và vùng nguyên liệu sản xuất xi măng tại các huyện Yên Thủy, Lạc Thủy, Lương Sơn.
Đoàn công tác khảo sát vị trí xây dựng nhà máy sản xuất xi măng Xuân Sơn của Công ty Cổ phần Tập đoàn Xuân Khiêm tại huyện Yên Thủy (Ảnh: T/L). |
Tại huyện Yên Thủy, đoàn đã khảo sát vùng nguyên liệu sản xuất xi măng thuộc địa bàn 2 xã Ngọc Lương, Đoàn Kết; khảo sát vị trí xây dựng nhà máy xi măng Xuân Sơn và làm việc với đại diện Công ty Cổ phần Tập đoàn Xuân Khiêm - chủ đầu tư dự án xây dựng nhà máy xi măng Xuân Sơn tại huyện Yên Thủy. Dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt Quyết định chủ trương đầu tư ngày 28/5/2020, được Sở Kế hoạch và đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ngày 28/5/2020 với quy mô xây dựng 1 dây chuyền sản xuất xi măng công suất 2,3 triệu tấn/năm, tổng mức đầu tư 4.989 tỷ đồng. Hiện, nhà đầu tư đang khẩn trương hoàn thiện các thủ tục còn lại để khởi công nhà máy. Dự kiến, từ quý I/2021 - quý III/2022 sẽ đầu tư xây dựng, lắp đặt máy móc, thiết bị; từ quý IV/2022, sẽ hoàn thành đầu tư và đưa dự án vào hoạt động.
Tại 2 huyện Lạc Thủy và Lương Sơn, đoàn đã khảo sát vị trí xây dựng nhà máy Thuận Phong (huyện Lạc Thủy), nhà máy Hoàng Long (huyện Lương Sơn) và vùng nguyên liệu sản xuất xi măng trên địa bàn 2 huyện. Cùng với việc khảo sát địa bàn, đoàn công tác đã thẳng thắn đối thoại với các doanh nghiệp đang tìm hiểu, có ý định triển khai các dự án sản xuất xi măng trên địa bàn 2 huyện là Công ty TNHH Xuân Thiện Hòa Bình và Công ty Cổ phần xi măng Hoàng Long Hòa Bình.
Trao đổi làm rõ các nội dung liên quan đến quá trình thu hút, triển khai dự án đầu tư tại tỉnh, đoàn công tác khẳng định quyết tâm của tỉnh với mong muốn trở thành điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư, mong muốn tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư đến tìm hiểu, triển khai dự án tại Hòa Bình.
Riêng đối với các dự án xây dựng nhà máy xi măng, quan điểm thống nhất của tỉnh Hòa Bình là: Phải giải quyết được mâu thuẫn giữa phát triển sản xuất xi măng với các vấn đề về ô nhiễm môi trường; nhất định không đánh đổi môi trường để phát triển đơn thuần về kinh tế. Với lập trường đó, tỉnh Hòa Bình đề nghị các chủ đầu tư rà soát, thực hiện nghiêm ngặt các quy định về bảo vệ môi trường trong quá trình tìm hiểu, triển khai, vận hành các dự án xây dựng nhà máy sản xuất xi măng, xác định việc đảm bảo môi trường chính là yêu cầu quan trọng hàng đầu để đưa dự án vào hoạt động.
Mai Thu
Theo