(Xây dựng) - HĐND cấp tỉnh quyết định mức hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo từ nguồn ngân sách Nhà nước. Ngân sách Trung ương hỗ trợ địa phương tối đa bằng 40 triệu đồng/hộ gia đình đối với xây mới nhà ở và 20 triệu đồng/hộ gia đình đối với sửa chữa nhà ở.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet). |
Đây là đề xuất tại dự thảo Thông tư quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo. Dự thảo quy định rõ về Dự án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo.
Theo đó, căn cứ điều kiện phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, khả năng cân đối ngân sách địa phương, HĐND cấp tỉnh quyết định mức hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo từ nguồn ngân sách Nhà nước. Ngân sách Trung ương hỗ trợ địa phương tối đa bằng 40.000.000 đồng/hộ gia đình đối với xây mới nhà ở và 20.000.000 đồng/hộ gia đình đối với sửa chữa nhà ở. Điều kiện hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng.
Về cơ chế thanh toán, đối với trường hợp người dân tự thực hiện: Căn cứ danh sách các hộ gia đình được hỗ trợ nhà ở và mức hỗ trợ cụ thể đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, UBND cấp xã hỗ trợ lần đầu 70% vốn hỗ trợ đối với hộ gia đình thực hiện xây dựng mới sau khi hoàn thành phần móng và đối với hộ gia đình thực hiện sửa chữa nhà ở đã có sau khi hoàn thành 30% khối lượng công việc; giải ngân tiếp phần còn lại sau khi các hộ hoàn thành công trình.
Đối với trường hợp do cơ quan, đơn vị làm chủ đầu tư: Việc thanh toán thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công.
Hỗ trợ cải thiện dinh dưỡng
Bên cạnh hỗ trợ nhà ở, dự thảo cũng đề xuất hỗ trợ tiếp cận, can thiệp trực tiếp phòng chống suy dinh dưỡng, thiếu vi chất cho bà mẹ, trẻ em dưới 5 tuổi thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo; người dân sinh sống trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.
Cụ thể, chi tổ chức khám sàng lọc, sàng lọc phát hiện, quản lý sàng lọc, chiến dịch và khám lưu động tại cộng đồng đối với trẻ suy dinh dưỡng. Nội dung và mức chi bao gồm: Chi phí xét nghiệm, kiểm nghiệm, thủ thuật lấy bệnh phẩm (phân, nước bọt…), và các dịch vụ kỹ thuật y tế khác theo quy trình chuyên môn y tế do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định: Mức chi theo giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và các dịch vụ y tế khác tại các cơ sở y tế công lập do cấp có thẩm quyền quy định tại thời điểm thực hiện dịch vụ.
Chi theo dõi tăng trưởng, tình trạng dinh dưỡng theo cân nặng, chiều cao, vòng cánh tay của trẻ em (định kỳ 1 năm 2 lần (tháng 6, tháng 12) đối với trẻ em dưới 5 tuổi; định kỳ 1 năm 1 lần đối với trẻ em từ 5 đến 16 tuổi): Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư số 109/2016/TT-BTC, tối đa không quá 5.000.000 đồng/đợt/xã.
Chi mua, tiếp nhận, vận chuyển, tiêu hủy cấp miễn phí vitamin A, kẽm, sắt, đa vi chất, thuốc tẩy giun, bột/cháo dinh dưỡng thuộc địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo theo hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế. Việc mua sắm theo hóa đơn, chứng từ hợp pháp và theo quy định của pháp luật về đấu thầu, trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Hạ Nhiên
Theo